Ngày 16/9, Bộ GD&ĐT tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo đề án “Phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030”.
Hội thảo diễn ra tại Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc và sự tham gia của lãnh đạo, đại diện 20 trường đại học.
Tại hội thảo, ông Trần Nam Tú, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Bộ GD&ĐT đã trình bày dự thảo tờ trình về việc phê duyệt đề án “Phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng về công nghệ 4.0 đến năm 2030”.
Theo đó, ông Tú khẳng định sự cần thiết xây dựng đề án được thể hiện qua các chiến lược, chương trình, đề án đã được phê duyệt nhằm cụ thể hóa yêu cầu, nhiệm vụ nêu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW và các nghị quyết liên quan khác.
Nghị quyết số 50 của Chính phủ giao xây dựng đề án phát triển hệ thống trung tâm giáo dục, đào tạo xuất sắc về công nghệ theo hình thức hợp tác công - tư.
Mới đây, Kết luận số 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW nêu xây dựng cơ chế, chính sách đột phá và đầu tư nguồn lực tương xứng để phát triển các đại học quốc gia, đại học vùng, các cơ sở giáo dục đại học xuất sắc theo hiệp định quốc tế, các cơ sở giáo dục đại học trọng điểm, cơ sở giáo dục đại học sư phạm ngang tầm các nước tiên tiến, có đủ năng lực, điều kiện để giữ vai trò nòng cốt trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
Hiện nay, các hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học ở các trường đại học sẽ phải đối mặt với các yêu cầu hoàn toàn mới, đòi hỏi phải cải cách sâu rộng toàn bộ các hoạt động của nhà trường trong bối cảnh sự cạnh tranh quyết liệt giữa các trường đại học, giữa trường đại học với các viện nghiên cứu và các doanh nghiệp hiện đại.
Do đó, đề án này có ý nghĩa rất quan trọng đối với hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam, là hình thức đầu tư, hỗ trợ ở mức cao hơn, tổng thể hơn nhằm thực hiện hiệu quả định hướng, chủ trương của Đảng, Nhà nước và đạt được kết quả mà mục tiêu, nhiệm vụ của các Chiến lược, chương trình, đề án đã phê duyệt đề ra.
Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường cho biết, những nội dung của đề án được nghiên cứu, phát triển trên nguyên tắc kế thừa các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của chiến lược, chương trình, đề án đã được phê duyệt để cụ thể hóa thành các hoạt động cụ thể.
Trong đó, các cơ sở giáo dục đại học đóng vai trò trung tâm, doanh nghiệp hợp tác, hỗ trợ và đầu tư của Nhà nước trong một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên 4.0. Đề án thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ và ngành Giáo dục hình thành hệ sinh thái các cơ sở giáo dục đại học đẳng cấp quốc tế ở Việt Nam, trước mắt lựa chọn một số lĩnh vực công nghệ ưu tiên 4.0 mà các trường đại học có thế mạnh để đầu tư, phát triển.
Theo ban soạn thảo đề án, trung tâm đào tạo xuất sắc và mạng lưới trung tâm xuất sắc là môi trường tổ chức trong việc phát triển các tiêu chuẩn ứng xử bậc cao trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Trung tâm xuất sắc thường rất hấp dẫn đối với các khoản đầu tư vào nghiên cứu và phát triển (R&D) cũng như phát hiện, bồi dưỡng nhân tài trong một hoặc một số lĩnh vực.
Trung tâm xuất sắc được định nghĩa ở 2 hình thức chủ yếu.
Thứ nhất là tổ chức nghiên cứu, phát triển và đào tạo đạt trình độ tiên tiến trên thế giới, tạo ra sản phẩm khoa học, đổi mới công nghệ và nguồn nhân lực theo các chuẩn mực quốc tế.
Thứ hai là một mạng lưới mà mỗi thành viên dựa vào một tổ chức đào tạo hoặc khoa học, công nghệ có tư cách pháp nhân. Đây cũng chính là hình thức mà đề án lựa chọn.
Dự thảo đề án đặt mục tiêu đến năm 2030 hình thành ít nhất 10 mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng thuộc các lĩnh vực ưu tiên về công nghệ 4.0.
Mỗi mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng do 1 cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh đóng vai trò dẫn dắt, có ít nhất 5 cơ sở giáo dục đại học và một số doanh nghiệp trong nước và nước ngoài tham gia.
Mỗi mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng tổ chức được ít nhất 1 chương trình đào tạo thích ứng, đào tạo lại, đào tạo nâng cao, đào tạo chuyên sâu cho nguồn nhân lực theo đặt hàng của doanh nghiệp.
Hàng năm, tăng ít nhất 10% số lượng hợp tác giữa doanh nghiệp với cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và ứng dụng kết quả nghiên cứu khoa học.
Mỗi mạng lưới đào tạo, nghiên cứu xuất sắc và tài năng phấn đấu thu hút được 100-300 nhà khoa học và chuyên gia giỏi là người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài tham gia giảng dạy, nghiên cứu khoa học trong các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam.
Ở các nước trên thế giới, mạng lưới trung tâm xuất sắc đã trở thành một phần quan trọng trong tổ hợp chính sách nhằm hiện thực hóa các mục tiêu về khoa học, công nghệ và giáo dục đại học.
Tại Việt Nam, mô hình các câu lạc bộ khoa học và công nghệ của các trường đại học được thành lập nhằm tăng cường hợp tác, trao đổi, bước đầu đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Có thể kể đến câu lạc bộ Khoa học và Công nghệ các trường đại học kỹ thuật tại Việt Nam; câu lạc bộ khối các trường đại học đã tự chủ; nhóm 7 trường đại học kỹ thuật…
PGS.TS Lê Hiếu Giang, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM kể, khoảng năm 1993-1994, nhà trường được Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ nhiều thiết bị công nghệ 3.0 – khi đó gần như là mới và hiện đại nhất cả nước. Khi đó, nhà trường như một “Hub” về công nghệ, nhiều giảng viên của nhà trường được gửi sang Đức học tập…
Ông Giang đánh giá, đề án phát triển hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc và tài năng có ý nghĩa quan trọng với sự phát triển của các trường đại học trong thời gian tới. Điều này khá tương tự với việc UBND TPHCM cũng giao Hội đồng Hiệu trưởng các trường đại học trên địa bàn xây dựng đề án đào tạo các ngành chất lượng cao.
Tại hội thảo, gần 10 đại biểu đến từ các trường đại học đóng góp ý kiến xây dựng dự thảo đề án, trong đó xoay quanh các nội dung: cơ sở để xác định các trường đại học có thể mạnh, đóng vai trò dẫn dắt trong hệ thống trung tâm đào tạo xuất sắc; cơ chế kinh phí thực hiện đề án; cơ chế phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học và các tập đoàn, doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
PGS.TS Lê Hiếu Giang, Quyền Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM phát biểu ( Ảnh UTE)
PGS.TS Trần Thiên Phúc, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) cho rằng, đề án tập trung cho việc đào tạo xuất sắc và tài năng nên cần có những chuẩn mực riêng về chương trình này. Ông Phúc đặt vấn đề, liệu có cần hệ thống kiểm định chất lượng quốc tế với các chương trình này hay không.
PGS.TS Lê Anh Phương, Giám đốc Đại học Huế cho rằng, để thu hút và phát triển các chương trình đào tạo xuất sắc, cần nghiên cứu chính sách miễn, giảm học phí để thu hút người học. Bởi các ngành đào tạo công nghệ 4.0 thường rất khó, yêu cầu người có trình độ cao.
Tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho rằng, đối tượng tham gia đề án là các cơ sở giáo dục đại học có thế mạnh đóng vai trò dẫn dắt, làm hạt nhân để kết nối, khai thác nguồn lực trong nước và ngoài nước cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học trong một số lĩnh vực công nghệ.
Trong đó, ưu tiên các ngành phục vụ yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo Thứ trưởng, ở các nước phát triển, có nền công nghiệp hiện đại đều có hệ thống trường đại học phát triển xứng tầm.
Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc cho biết, đề án này “đi tìm những trường đại học giỏi nhất, sinh viên giỏi nhất, không đầu tư dàn trải”. Có thể nói, đối tượng hướng đến của đề án này tinh hoa hơn, tập trung vào những lĩnh vực mà các trường đại học có thể làm giỏi nhất trong thời đại 4.0.
Ý kiến bạn đọc