Do đặc thù công việc, anh Nguyễn Trung Thành (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) không thể thu xếp thời gian đưa đón con đi học hằng ngày. Bởi vậy, nhiều năm qua, anh chọn dịch vụ xe đưa đón học sinh của nhà trường.
Anh Thành chia sẻ: “Hiện nay, dịch vụ xe đưa đón học sinh của trường nở rộ nhằm đáp ứng nhu cầu các gia đình bố mẹ làm việc đi sớm về muộn… Bên cạnh đó, đi xe buýt đến trường học cũng là cách rèn tính tự lập, ý thức chủ động thời gian cho học sinh và giúp phụ huynh an tâm, kiểm soát được hành trình con đi và về”.
Con anh Trung Thành học ở trường liên cấp, quy trình xe đưa đón được nhà trường cập nhật trên phần mềm để phụ huynh, nhà trường có thể cùng theo dõi hành trình đón, trả tại các điểm. Đồng thời, trên mỗi xe có giáo viên giám sát, điều hành của nhà trường và đơn vị vận tải để đề phòng sự cố có thể xảy ra.
Anh Thành cho biết thêm, quá trình sử dụng dịch vụ, nếu phụ huynh cảm thấy không hài lòng có thể trao đổi và đưa ra kiến nghị. Anh Thành và nhiều phụ huynh đang đề xuất với nhà trường tại mỗi tuyến xe có trang bị máy quét điểm danh khi học sinh lên xe hoặc xuống xe, có thể quét nhận diện bằng AI hoặc dấu vân tay ngay cửa xe nhằm tránh sự cố đáng tiếc.
Nhiều năm quản lý xe đưa đón học sinh, anh Ngô Trọng Nghĩa – nhân viên phụ trách xe tuyến đưa đón học sinh của Trường THCS & THPT M.V Lômônôxốp (Hà Nội) cho biết, trường tuyển học sinh trên khắp các quận, huyện của thành phố Hà Nội, do vậy, nhiều em nhà ở xa trường. Năm học 2024 - 2025, nhà trường có hơn 40 xe hoạt động đón - trả với hơn 1.200 học sinh.
Anh Nghĩa chia sẻ: “Thuận lợi trong quá trình triển khai đưa đón học sinh chính là có nhiều tuyến xe nên đảm bảo đón - trả trẻ đúng giờ. Nhà trường cũng lựa chọn đối tác vận chuyển là công ty lớn, nhiều xe… nên đảm bảo các tuyến xe luôn hoạt động tốt, tạo sự tin tưởng cho phụ huynh.
Dù vậy, chúng tôi vẫn phải đối mặt với một số khó khăn như: Học sinh ở rải rác các quận, huyện nên khó trong việc phân tuyến xe. Một số em ở xa nên trường phải đón khá sớm, thời gian trên xe di chuyển lên đến gần một giờ đồng hồ. Một số tuyến đường bị cấm nên khó tiếp cận nhà của học sinh, xe phải đi vòng mới tới được điểm đón, trả”.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh trong quá trình đưa đón, các trường đã đưa ra nhiều biện pháp để đảm bảo an toàn cho học sinh như: Ký kết hợp đồng dài hạn với đối tác vận chuyển nhằm tạo sự ổn định, thường xuyên kiểm tra chất lượng xe. Quản lý chặt chẽ hồ sơ như hạn đăng kiểm, bảo hiểm, phù hiệu xe, giấy phép lái xe, căn cước công dân của lái xe...
Trên xe trang bị đầy đủ nhận diện thương hiệu của nhà trường như đèn Led, biển tuyến số, biển để học sinh dễ nhận ra xe; mỗi tuyến xe cắt cử nhân viên quản lý, hỗ trợ học sinh lên xuống xe trong suốt quá trình đón trả.
Với Trường THCS & THPT M.V Lômônôxốp, hằng ngày khi xe đến trường hoặc điểm cuối, quản sinh phải quay video toàn bộ ghế ngồi trên xe và gửi cho quản lý xe của nhà trường để báo cáo. Trường cũng xây dựng app riêng để phụ huynh có thể theo dõi con lên, xuống xe. Học sinh được học các kỹ năng thoát hiểm trên ô tô. Đặc biệt, đơn vị thường xuyên tập huấn kỹ cho các cô phụ xe quy trình làm việc khi đưa đón học sinh.
Tương tự, tại Trường Phổ thông liên cấp Phenikaa (Hà Nội), bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Giám đốc Phenikaa School cho hay, để đảm bảo an toàn cho học sinh và tạo lòng tin với phụ huynh trong quá trình lựa chọn di chuyển bằng xe đưa đón, nhà trường đặc biệt chú trọng việc kiểm soát, hỗ trợ mọi mặt cho học sinh.
Cụ thể, trước thềm năm học mới, giáo viên quản xe các lớp được tập huấn về giám sát xe, tài xế. Trường còn chú trọng mở các lớp đào tạo kỹ năng sơ cấp cứu và quy trình đón/trả học sinh.
Trong quá trình đào tạo có thực hành một số tình huống theo cấp độ thông thường và phức tạp. Ngoài ra, giáo viên, nhân viên giám sát xe thao tác lộ trình trên app mỗi khi học sinh lên/xuống xe. Trường có 55 nhóm Zalo xe buýt các tuyến để hỗ trợ phụ huynh nhanh nhất khi có thắc mắc hoặc cần giúp đỡ.
Bên cạnh đó, khi xe đón điểm đầu, giám sát xe sẽ chia sẻ hành trình, đảm bảo không bị ngắt quãng lộ trình theo dõi của phụ huynh. Đến mỗi điểm, xe sẽ chờ đủ học sinh, tiến hành điểm danh rồi lên xe. Nếu học sinh nào chưa lên xe, giám sát và tài xế sẽ chờ đúng quy định, trường hợp quá giờ không thấy học sinh ra xe sẽ gọi điện cho phụ huynh tối đa 3 lần và để lại tin nhắn để phụ huynh chủ động.
Bà Hương cho biết thêm, sau khi kết thúc hành trình đưa đón, xe về trường sẽ có bộ phận an ninh kiểm tra, điểm danh sĩ số, ký nhận bàn giao từ người giám sát xe; phải đảm bảo trước khi xe rời khỏi trường về bãi, học sinh đã xuống xe an toàn. Đối với chiều về, các xe điểm danh đủ học sinh mới cho xe di chuyển, điểm danh trả từng điểm và có chia sẻ hành trình từ trường về điểm cuối. Khi hoàn thành hành trình, các tuyến xe đều báo cáo nhóm phụ huynh và trên app...
“Trường hợp học sinh đi xe bị sốt, ốm... khi xuống xe sẽ có đại diện thầy, cô giáo đón tại cổng để hướng dẫn, đưa vào phòng y tế nếu cần thiết; đồng thời thông báo để phụ huynh nắm được tình hình và phối hợp xử lý tình huống”, bà Nguyễn Thị Hương - Tổng Giám đốc Phenikaa School cho biết.
Tác giả bài viết: Ngô Chuyên
Ý kiến bạn đọc