NGƯT Đặng Lộc Thọ - chuyên gia hàng đầu về GDMN, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương, cho rằng: Ở các Điều 3 đến Điều 11 quy định một số chính sách đối với trẻ em mầm non, giáo viên mầm non, cơ sở GDMN và các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển GDMN đã hết sức cụ thể, thúc đẩy sự phát triển chung.
Như ở Điều 3, Điều 5, Điều 6: Quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em mẫu giáo, chính sách hỗ trợ tài liệu và chi phí tập huấn đối với GVMN dân lập, tư thục và chính sách đối với GVMN dạy lớp ghép, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em dân tộc thiểu số đã được quy định tại Nghị định số 06/2018/NĐ-CP ngày 5/1/2018 của Chính phủ quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với GVMN hiện đang được thực hiện ổn định.
Vĩnh Phúc là một tỉnh có nhiều khu công nghiệp, tỉnh này cũng đã có những động thái tích cực hỗ trợ phát triển GDMN. Bà Vũ Thị Bích Ngọc – Trưởng phòng GDMN Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đánh giá cao nội dung Dự thảo nêu rõ trong Điều 4, Điều 7 và Điều 8.
Cụ thể, quy định chính sách đối với GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp, bao gồm chính sách hỗ trợ trẻ em là con công nhân, người lao động làm việc tại khu công nghiệp, hỗ trợ GVMN trực tiếp chăm sóc, giáo dục trẻ là con công nhân (đáp ứng nhu cầu làm việc ngoài giờ theo ca, kíp của công nhân), chính sách hỗ trợ đầu tư đối với cơ sở GDMN ở địa bàn có khu công nghiệp. Đặc biệt trong đó, Dự thảo Nghị định quy định rất mở là: Đối với nhóm chính sách này, đối tượng được hưởng và giao cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện cụ thể của địa phương xây dựng mức hỗ trợ cụ thể và hướng dẫn thực hiện.
Quảng Ninh là tỉnh phát triển mạnh hệ thống các trường ngoài công lập, trong đó các trường mầm non đã và đang chia sẻ gánh nặng với trường tư. Bà Nguyễn Thị Thuý - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh này đánh giá cao nội dung dự thảo quy định ở Điều 9 về chính sách khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia phát triển GDMN, cụ thể hóa một số chính sách xã hội hóa.
Bà Thúy cũng tâm đắc với nội dung Điều 11, quy định một số dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách Nhà nước áp dụng đối với cơ sở GDMN công lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội thuận lợi, có khả năng huy động sự đóng góp của phụ huynh để chi trả cho GDMN đối với một số công việc phục vụ trực tiếp trong quá trình chăm sóc, giáo dục trẻ tại cơ sở GDMN theo nhu cầu của đa số phụ huynh. Theo bà Thuý, nội dung này mang tính nhân văn cao vì thực tế cho thấy ở khu vực đô thị đa số phụ huynh có điều kiện đóng góp hơn, vì vậy giảm ngân sách Nhà nước ở những nơi này để bù đắp cho vùng khó khăn là điều nên làm.