Việc một số trường phổ thông mời ca sĩ, người nổi tiếng về giao lưu, biểu diễn trong hoạt động giáo dục được xem là cách để “đổi gió”, tạo không khí sôi sổi, hào hứng. Thế nhưng, cách làm này phải có mục đích, chọn lọc, nếu không sẽ ảnh hưởng tới nhận thức học sinh.
Trong dịp kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam, một trường THPT tại TPHCM đã mời các ca sĩ về biểu diễn nhằm tạo không khí vui vẻ cho học sinh. Ngay sau khi hình ảnh ca sĩ này lan truyền trên mạng xã hội, nhiều ý kiến bày tỏ lo ngại “sóng gió, tai tiếng” từ đời tư ca sĩ sẽ tác động đến học sinh. Đây là những ca sĩ vốn nổi tiếng trên mạng xã hội nhưng theo hướng tiêu cực.
Trước đó, đầu tháng 10, trên mạng xã hội, hình ảnh “giang hồ mạng” P.L. trong bộ trang phục phản cảm xuất hiện trên sân khấu một trường học tại tỉnh Yên Bái vừa hát vừa nhảy múa trước hàng trăm học sinh khiến nhiều người bất bình. Cụ thể, nhóm từ thiện trong đó có ông P.L. đến trường học tặng quà học sinh trong chương trình Đêm hội trăng rằm.
Tuy nhiên, khi lên phát biểu, trao quà và hát tặng học sinh, ông P.L. mặc bộ quần áo dài màu vàng in hoa văn, đầu đội mũ đỏ (giống trang phục vua, quan thời xưa). Quá trình diễn ra chương trình, thành viên trong đoàn quay phim, chụp ảnh và đăng tải hình ảnh, clip lên mạng xã hội, dẫn đến những ý kiến bình luận trái chiều.
Ngay sau đó, trường học đã có báo cáo về sự việc, đồng thời thừa nhận, để xảy ra là do sơ suất của ban giám hiệu nhà trường chưa nhận thức, nắm bắt đầy đủ thông tin các thành viên đoàn thiện nguyện. Bên cạnh đó, trường chưa kiểm soát tình hình; không đưa ra quy định về trang phục với thành phần tham dự Tết Trung thu cũng như lưu ý việc ghi, đưa hình ảnh, clip lên trang mạng xã hội.
Theo chia sẻ của TS tâm lý Bùi Hồng Quân – giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, cần ghi nhận tinh thần tích cực của các ban giám hiệu nhà trường trong việc tổ chức sân chơi dành cho học sinh. Việc mời ca sĩ, “người nổi tiếng” về biểu diễn, giao lưu với các em là một trong những hình thức đó. Góc độ tích cực của hoạt động là đem đến không khí mới, giúp kết nối học sinh với thần tượng hoặc người nổi tiếng.
“Trong bối cảnh đổi mới giáo dục, nếu hoạt động giáo dục khuôn mẫu, lối mòn thì không tạo ra sự thích thú, hào hứng cho học sinh tham gia. Tuy nhiên, “văn hoá thần tượng” sẽ tác động mạnh đến ý thức, việc hoàn thiện nhân cách học sinh. Do đó khi tổ chức hoạt động có ca sĩ, “người nổi tiếng” tại trường, nếu nhà trường không xem xét, tìm hiểu kỹ sẽ dẫn đến tác dụng ngược…”, TS Bùi Hồng Quân khẳng định.
Học sinh Trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận, TPHCM tham gia hội thi văn nghệ chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam. |
Tại Trường THPT Phú Nhuận (quân Bình Thạnh, TPHCM), nhiều năm nay, học sinh háo hức chào đón chương trình “Cây mùa xuân” dịp cuối năm. Đây không chỉ là sân chơi giải trí mà còn gắn liền hoạt động thiện nguyện, quy tụ nhiều ca sĩ… được nhà trường mời về theo nguyện vọng của học sinh.
Thầy Trần Công Tuấn - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Học sinh thích thú, chờ đợi sân chơi này. Các em xem đây như phần thưởng nhà trường dành cho mình trong suốt một học kỳ cố gắng học tập, rèn luyện. Danh sách ca sĩ khách mời được nhà trường lấy ý kiến người học sau khi chọn lọc, trong đó chú trọng yếu tố đời tư, đóng góp đối với xã hội. Vì thế, không phải ca sĩ nào học sinh đề xuất cũng được nhà trường mời. Trường sẽ gửi kế hoạch, danh sách ca sĩ, bài hát đến phòng Văn hoá Thông tin quận để xin cấp phép tổ chức, hỗ trợ đảm bảo an ninh trường học”.
Trên thực tế, mời ca sĩ, người nổi tiếng biểu diễn trong dịp lễ hội xuân, chào mừng năm học mới, lễ kỷ niệm… là cách nhiều trường thực hiện để “chạm” đến học sinh một cách nhanh nhất khi vừa tạo không khí sôi động, vui tươi, vừa khiến các em vui vẻ, thoải mái, giảm áp lực, căng thẳng học tập. Tuy nhiên, ở môi trường trường học, bất kỳ hoạt động nào, kể cả đưa ca sĩ, người nổi tiếng về biểu diễn, cũng không thể nằm ngoài mục đích giáo dục, phát triển phẩm chất, năng lực học sinh.
Theo TS Bùi Hồng Quân, nếu các trường tổ chức hoạt động mời ca sĩ, người nổi tiếng về giao lưu cần cân nhắc yếu tố tác động, ảnh hưởng của họ đối với học sinh, bởi nghệ thuật không chỉ trong tác phẩm mà còn ở người biểu diễn. Do đó, việc chọn ca sĩ về trường bên cạnh đảm bảo tiêu chí thị trường để phù hợp tâm lý giới trẻ, cần lưu ý khả năng nêu gương. Nếu ca sĩ là tấm gương về sự nỗ lực thì học sinh ngoài thưởng thức biểu diễn còn học được sự quyết tâm vươn lên thành công của “thần tượng”.
“Nếu nhà trường không quan tâm đến lịch sử, đời tư hay những yếu tố về dư luận đối với ca sĩ, người nổi tiếng, mà chỉ quan tâm đến giọng hát, bài hát thì chưa đủ. Học sinh đón nhận sự xuất hiện của thần tượng dưới nhiều góc độ khác nhau. Do đó, người quản lý giáo dục cần chọn lọc khách mời kỹ lưỡng để việc tổ chức hoạt động đem đến cho các em trải nghiệm tốt nhất”, TS Bùi Hồng Quân nhấn mạnh.
Tác giả bài viết: Minh Anh
Ý kiến bạn đọc