Một trong những nguyên nhân của thực trạng này là việc giáo dục văn hóa, lý luận chính trị cho sinh viên thiếu chiều sâu, sai phương pháp.
Tại Hội thảo “Đề cương về văn hóa Việt Nam 1943 và vấn đề hội nhập quốc tế hiện nay” được Trường Đại học Tài chính - Marketing phối hợp với Ban Tuyên giáo Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM tổ chức đầu tháng 11, TS Trần Thị Rồi - giảng viên Khoa Khoa học cơ bản (Trường ĐH Luật TPHCM) có ý kiến đáng chú ý về vấn đề giáo dục văn hóa, chính trị cho giới trẻ, sinh viên. Theo đó, hiện nay, văn hóa ứng xử ở nơi công cộng của một bộ phận giới trẻ xuống cấp, xem nhẹ các giá trị truyền thống của dân tộc.
Điều này được thể hiện qua những bộ trang phục không phù hợp ở trường học hoặc những nơi tôn nghiêm. Ngôn ngữ của giới trẻ cũng lệch chuẩn, nhiều em sử dụng các từ ngữ không trong sáng. Ý kiến trên nhận được sự ủng hộ của nhiều đại biểu khi cho rằng, một bộ phận giới trẻ, sinh viên có biểu hiện suy thoái về đạo đức lối sống, mắc tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật; thờ ơ với thời cuộc, xã hội.
Khảo sát của Thành đoàn TPHCM trên hơn 2.000 đoàn viên, sinh viên (năm 2022) cho thấy, thời gian trung bình đoàn viên, sinh viên sử dụng mạng xã hội gồm: Facebook 2,54 giờ/ngày; Zalo: 2,47 giờ/ngày; YouTube 1,63 giờ/ngày; TikTok 1,49 giờ/ngày.
Từ đó, Thành đoàn TPHCM xem không gian mạng hiện nay là một “mặt trận” quan trọng của thanh niên, đồng thời tạo ra những hoạt động thanh niên trên không gian: Tình nguyện trực tuyến để lan tỏa những giá trị hình mẫu thanh niên thành phố và văn hóa tình nguyện, ứng dụng công nghệ phát sóng trực tiếp trên các trang cộng đồng để tổ chức học tập các chuyên đề về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tuyên truyền, quán triệt nghị quyết đại hội Đảng các cấp...
Vấn đề này cũng được bàn luận sâu tại Tọa đàm “Tăng cường công tác chính trị tư tưởng trong các cơ sở giáo dục trên địa bàn”, do Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM phối hợp với Đảng ủy Đại học Quốc gia TPHCM, Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM, Đảng ủy Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM, Đảng ủy Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TPHCM tổ chức cùng ngày.
Tại đây, ông Nguyễn Minh Hải - Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM cho rằng, các biểu hiện đạo đức xã hội, nhận thức và thực hành về đạo đức cũng như lý tưởng sống của thanh niên, trong đó có học sinh, sinh viên vẫn còn nhiều lỗ hổng.
Những biểu hiện đáng lo ngại như bạo lực học đường có những diễn biến phức tạp với những mức độ ngày càng trầm trọng. Quan hệ thầy trò có dấu hiệu suy thoái, vị trí người thầy trong mối quan hệ “quân - sư - phụ” theo quan niệm truyền thống bị thay đổi sâu sắc. Lối sống buông thả của một bộ phận thanh niên không chỉ gây ra mối lo về sự xuống cấp của đạo đức xã hội, mà còn mối nguy về sức khỏe và sự phát triển của giống nòi.
Ông Hải chỉ ra rằng, một số kết quả nghiên cứu cho thấy một bộ phận sinh viên vẫn còn mơ hồ về hướng đi và mục tiêu phấn đấu của mình ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, chưa coi trọng các kỹ năng mềm.
Việc lạm dụng mạng xã hội và bị mạng xã hội dẫn dắt trong một số bộ phận học sinh, sinh viên cũng rất đáng báo động... Sự tác động mạnh mẽ của các phương tiện truyền thông hiện đại, nhất là mạng xã hội, nhận thức về chính trị, văn hóa, đạo đức, lối sống... của một bộ phận không nhỏ học sinh, sinh viên bị tác động tiêu cực bởi những gì họ tiếp nhận được mà thiếu một “bộ lọc” cần thiết.
“Có ý kiến cho rằng, có vẻ như nhà trường còn dạy thiếu cái gì đó, cách đánh giá về trình độ học sinh còn khiếm khuyết gì đó, dường như do mải trang bị năng lực mà bỏ qua trang bị cho học sinh quyết tâm và cách tìm cơ hội. Hiện tượng đó cho thấy ở góc độ văn hóa, đạo đức, phải chăng sinh viên, học sinh nước ta chưa được trang bị một nền tảng văn hóa, đạo đức cần thiết, vững vàng để ít nhiều tự chủ được cuộc sống của mình?”, Trưởng phòng Báo chí - Xuất bản Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM nói.
Sinh viên tại lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng, do Đảng ủy Khối Đại học, Cao đẳng TPHCM tổ chức tháng 11/2023. |
Theo ông Nguyễn Minh Hải, một trong những nguyên nhân của hiện tượng xuống cấp về đạo đức, lối sống của thanh niên là công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ chưa được quan tâm đúng mức, trong bối cảnh xã hội, đời sống có những biến đổi to lớn. Nội dung giáo dục đạo đức, lối sống còn thiếu chiều sâu, chưa thiết thực. Hình thức giáo dục còn sơ sài, chưa có sức hấp dẫn, lôi cuốn thanh niên. Sự phối kết hợp giữa các cơ quan chức năng, giữa nhà trường, gia đình, xã hội còn nhiều hạn chế...
Ở góc độ giảng viên, TS Trần Thị Rồi cho biết, khi giảng dạy các môn lý luận chính trị ở trường đại học, nhiều thầy cô vẫn nặng nề giảng “lý thuyết suông”, ít liên hệ thực tế và lồng ghép các giá trị đạo đức, văn hóa, chính trị ở từng bài học. Do đó, các bài học sẽ khó “thấm” vào sinh viên, khó đưa lý thuyết biến thành hành động cụ thể.
TS Hoàng Thùy Linh - giảng viên Bộ môn Lịch sử Đảng và Tư tưởng Hồ Chí Minh (Trường Đại học Văn Lang) cùng nhận định trên khi bàn luận cụ thể về thực trạng giảng dạy môn Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam trong trường đại học. Theo đó, với môn học này nói riêng, các môn khoa học xã hội nói chung, hầu hết giảng viên sử dụng phương pháp truyền thống, diễn giảng là chủ yếu. Giảng viên thuyết trình, độc thoại, nêu vấn đề; thầy giảng, trò ghi chép, thầy truyền đạt kiến thức, trò thụ động tiếp thu…
Người thầy lúc này đảm nhận cả ba chức năng: Làm ra sản phẩm, quản lý, điều chỉnh hoạt động. Do đó, người thầy chưa đánh thức được sự đam mê, khả năng tư duy của người học với nền lý thuyết khô khan, ít gắn với thực tiễn, chưa soi rọi vào những vấn đề phức tạp của cuộc sống. Từ đó, sinh viên ít quan tâm đến môn học và ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giảng dạy.
Thêm vào đó, hiện nhiều sinh viên có quan điểm các môn lý luận chính trị là các môn học phụ, môn học “chính trị bắt buộc” nên mục đích học tập của sinh viên mang nặng tính thi cử, trả nợ môn học. Sinh viên chỉ cần “nói lại” những điều thầy đã nói, giáo trình ghi, học thuộc lòng, thi hết học phần, niên luận. Điều này khiến cho hiệu quả, chất lượng học tập của sinh viên thấp, khả năng nắm bắt kiến thức bài học không sâu, từ đó dẫn đến những nhận thức không đúng.
Sinh viên Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TPHCM) trong một ngày hội việc làm, tháng 11/2023. |
Trong tham luận “Góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và học tập chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong tình hình mới”, ThS Nguyễn Dạ Thu - giảng viên Lý luận chính trị (Trường Đại học Hoa Sen) nêu một số giải pháp và cách làm góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả giảng dạy và học tập các môn lý luận chính trị.
Theo đó, đầu mỗi học kỳ, tại buổi học đầu tiên của các môn học lý luận chính trị, giảng viên Trường Đại học Hoa Sen sẽ trao đổi, hướng dẫn rất kỹ về đề cương môn học và thống nhất cách học, cách triển khai môn học với tất cả sinh viên. Đồng thời, thầy cô sẽ lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của sinh viên khi đến với môn học để thiết kế bài giảng cho sát hợp với sinh viên của từng lớp học.
Trên cơ sở đó, giảng viên sẽ giới thiệu các đề tài và gợi ý, hướng dẫn cho các sinh viên thành lập các nhóm, chọn đề tài mà mình yêu thích hoặc tâm đắc để thuyết trình theo kế hoạch của lớp học. Sau mỗi phần thuyết trình của các nhóm, giảng viên, các sinh viên còn lại sẽ có nhận xét, góp ý và thảo luận với nhóm để hoàn thiện bài thuyết trình và làm báo cáo nộp cho giảng viên chấm điểm.
Cuối mỗi buổi học, thường có các “mini game” liên quan các nội dung vừa được học hoặc thuyết trình trong buổi học, giúp sinh viên vui vẻ, nhẹ nhàng và tích cực tiếp thu bài học. Ngoài ra, ở mỗi học kỳ, giảng viên đều sẽ lên kế hoạch cho sinh viên đi tham quan học tập ngoại khóa tại các khu di tích, lịch sử, góp phần giúp các em có thêm trải nghiệm và hứng thú với môn học.
Cũng theo ThS Nguyễn Dạ Thu, các môn lý luận chính trị sẽ hấp dẫn hơn khi giảng viên sử dụng chủ động, linh hoạt hiệu quả các phương tiện giảng dạy hiện đại và phương pháp giảng dạy tích cực. Ví dụ, khi dạy môn Tư tưởng Hồ Chí Minh, giảng viên ngoài tích cực hỏi đáp với sinh viên, có thể đưa hình ảnh, phim tư liệu, thơ văn, những câu chuyện đời thường của Bác Hồ vào trong bài giảng.
Đặc biệt, giảng về phần những phẩm chất đạo đức của Hồ Chí Minh, phong cách Hồ Chí Minh, giảng viên có thể chiếu bộ phim tư liệu “Hồ Chí Minh, chân dung một con người”... Làm tốt những điều này sẽ góp phần nâng cao nhận thức về văn hóa, chính trị cho sinh viên trong bối cảnh hội nhập.
Ở khối cao đẳng, ThS Võ Long Triều - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ Thủ Đức cho biết, để công tác chính trị, tư tưởng cho sinh viên được cụ thể hóa vào các hoạt động của các đơn vị, phòng, khoa, trung tâm và các tổ chức đoàn thể, nhà trường thành lập Ban Công tác Giáo dục Chính trị Tư tưởng.
Nhiệm vụ của ban là xây dựng kế hoạch, lịch hoạt động năm học, theo dõi, tổ chức các hoạt động tuyên truyền và các hoạt động chính trị của đất nước, bồi dưỡng tình cảm cách mạng, thái độ sống tích cực cho toàn thể cán bộ, giảng viên, sinh viên nhà trường. Các buổi sinh hoạt chuyên đề, báo cáo thời sự cũng như bồi dưỡng chính trị hè được triển khai đều đặn hằng năm.
Các giờ dạy lý luận chính trị sẽ hiệu quả, thu hút sinh viên khi giảng viên sử dụng hiệu quả các phương tiện giảng dạy hiện đại và phương pháp giảng dạy tích cực. Phương pháp giảng dạy tích cực trong giảng dạy lý luận chính trị là một trong những yếu tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng dạy và học thông qua việc phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của người học.
Một số loại hình phương pháp giảng dạy tích cực cơ bản được các giảng viên trong nhà trường sử dụng thường xuyên như phương pháp hỏi - đáp, làm việc nhóm, phỏng vấn nhanh... Sự tích cực tham gia phát biểu ý kiến sẽ giúp cho chính sinh viên hiểu rõ vấn đề hơn, nhớ lâu hơn. - ThS Nguyễn Dạ Thu
Tác giả bài viết: Bài, ảnh: Mạnh Tùng
Ý kiến bạn đọc