Mỗi chúng ta đều có góc nhìn và được quyền nhìn nhận, đánh giá những vấn đề liên quan đến đại dịch nguy hiểm này, trong đó có giáo dục. Nhưng đó nên là cái nhìn khách quan, thấu đáo, đừng chỉ “thấy cây” mà không “thấy rừng”.
Các quốc gia đều bị động trước đại dịch Covid-19
Mặc dù thế giới trải qua những đại dịch toàn cầu như: SARS (2002 - 2003), H1N1 (2009), Ebola (2014 - 2016), MERS (2012 - 2019), hay dịch cúm mùa hàng năm ở Mỹ, nhưng hầu hết các quốc gia không thể chủ động, thậm chí bó tay trước cơn cuồng phong Covid-19.
Nước Mỹ giàu có, lúc đầu chủ quan coi Covid-19 như dịch cúm mùa hàng năm, không đáng lo sợ, đến nay dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và số người tử vong. Nước Nga vĩ đại tuyên bố sẽ chặn đứng dịch bệnh, khi mà thủ đô Mátxcơva lúc đó mới chỉ có mười ca bệnh, đến nay đã có trên 20 vạn ca lây nhiễm. Vương quốc Anh và một số nước ở lục địa già châu Âu hăng hái áp dụng thuyết “miễn dịch cộng đồng”, đến nay tự đánh giá là sai lầm và trở thành tâm dịch của thế giới. Ở khu vực châu Á, các nước có hệ thống y tế cơ sở đứng đầu châu lục như Singapore, Nhật, Hàn Quốc cũng đang bị đại dịch tàn phá dai dẳng, gây thiệt hại nặng nề.
Việt Nam được thế giới coi là hiện tượng, là điểm sáng nhất trong chống dịch Covid-19. Đến nay, cả nước chỉ có 288 ca nhiễm với trên 88% số ca đã lành bệnh và không có ca nào tử vong. Không bỗng dưng có được vinh quang này, chúng ta nhiều lúc cũng bị động: Gần một tháng trời, Việt Nam chỉ có 16 ca nhiễm, tưởng chừng đã khống chế thành công đại dịch. Nhưng sau chuyến bay 054 với ca bệnh thứ 17 về nước, hàng trăm ca nhiễm được phát hiện hàng tuần. Cùng lúc, tại một số địa phương lại xuất hiện ổ dịch trong cộng đồng.
Giáo dục liên quan tới từng gia đình, có mối quan hệ và liên kết chặt chẽ với cả xã hội và cộng đồng. Quốc gia, quốc tế đang bị động, ngổn ngang tìm lối thoát trước sự tấn công của đại dịch Covid-19. Giáo dục, hiển nhiên cũng không thể hành động một cách bài bản, có sẵn kế hoạch theo như cách làm truyền thống kiểu “đến hẹn lại lên” được. Chúng ta vẫn phải xoay xở vận hành trong hoàn cảnh thực của đất nước và trong một môi trường của thế giới phẳng vốn đang không có biên giới.
Dạy học mùa Covid-19 là chỉ đạo thuộc kiểu phi truyền thống, chưa từng có, do đó mọi điều đều là mới và phải dò từng bước. Luật Giáo dục hiện hành cũng chưa đề cập tới quy định dạy học như thế nào khi đất nước gặp đại dịch toàn cầu.
Khách quan mà nói, Bộ GD&ĐT và các địa phương đã cố gắng rất nhiều, làm bằng mọi cách để “tạm dừng đến trường, không dừng học”. Học sinh không tới trường mà được học thì chỉ có thể là dạy học gián tiếp, dạy từ xa theo phương thức trực tuyến, online. Bộ GD&ĐT đã tổ chức họp toàn quốc để góp ý và thảo luận văn bản hướng dẫn dạy học qua Internet, trên truyền hình. Công văn nêu rất cụ thể, chi tiết các phần mềm dạy học và quản lý cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho dạy học trực tuyến. Một số địa phương do chưa chuẩn bị được đủ điều kiện cho các trường dạy trực tuyến đã có cách làm sáng tạo khác nhau, như giao phiếu bài tập tới các nhóm gia đình học sinh hoặc cử giáo viên tới nhà hướng dẫn trò học trực tiếp.
Phụ thuộc theo diễn biến bất ngờ của đại dịch, Bộ GD&ĐT nhiều lần thay đổi kế hoạch dạy học, đặc biệt đã kịp thời ban hành nội dung dạy giảm tải giúp các trường yên tâm, chủ động tổ chức dạy học khi học sinh trở lại trường. Quy chế thi tốt nghiệp THPT chưa được ban hành nên có ý kiến băn khoăn; nhưng lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã công khai quan điểm chỉ đạo kỳ thi ở bậc THPT năm nay cơ bản giữ ổn định như năm học 2019 và kết quả thi tốt nghiệp sẽ được các trường đại học dùng làm căn cứ chính cho tuyển sinh.
Trong 3 tháng các trường nghỉ học chống dịch Covid-19, Bộ GD&ĐT đã ban hành số văn bản chỉ đạo lên tới con số vài chục để các địa phương thuận lợi phòng chống dịch bệnh và hướng dẫn chuyên môn cho các sở GD&ĐT.
Đâu là cách làm khôn ngoan?
Ngay từ đầu Việt Nam đã xác định chống dịch là chống giặc, nên mọi hoạt động được coi như thời chiến với cuộc chiến vô hình không tiếng súng. Phó Thủ tướng Chính phủ làm Trưởng ban Chỉ đạo chống dịch. Mọi hoạt động của các bộ, ngành và các tỉnh, thành trong cả nước đều phải chịu sự chỉ đạo thống nhất của Ban Chỉ đạo Trung ương. Do đó, tất cả các hoạt động chỉ đạo của Bộ GD&ĐT phải bảo đảm trên các nguyên tắc: Phù hợp với nghị quyết của Ban Chỉ đạo Trung ương và đặt lợi ích và sức khỏe, tính mạng của học sinh lên trên hết.
Chúng ta không thể tự đặt ra các quy định giãn cách học sinh trong lớp học cũng như đeo khẩu trang hay diệt khuẩn, vệ sinh trường lớp mà phải theo quy định chung của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo Trung ương. Bộ GD&ĐT chỉ có thể đưa ra kế hoạch điều chỉnh năm học và chỉ đạo hoạt động dạy học cho các nhà trường. Trong khi đó, UBND tỉnh, thành phố quyết định thời điểm để học sinh được đi học trở lại.
Có ý kiến cho rằng, Bộ GD&ĐT chỉ đạo “ăn đong”, “chắp vá” là có cơ sở thực tế từ đặc thù của quá trình phòng chống dịch ở Việt Nam. Đại dịch Covid-19 đang tung hoành trên khắp toàn cầu. Một khi thế giới chưa tìm ra thuốc đặc trị và vắcxin ngừa virus thì còn nguy cơ lan tràn dịch bệnh. Khi nào hết đại dịch và thời điểm nào các quốc gia trở lại cuộc sống đời thường? Đó là câu hỏi lớn vẫn bỏ ngỏ cho các giới tinh hoa khoa học toàn cầu. Vì vậy, cũng đừng đòi hỏi Bộ nên xác định lộ trình tiếp theo cho các trường dạy học.
Nay đi học đấy, mai có thể nghỉ học vì nguy cơ lây lan dịch bệnh vẫn còn hiện hữu. Một khi trong trường học có ca lây nhiễm sẽ là thảm họa vì môi trường GD là nơi thuận lợi cho siêu của siêu lây nhiễm. Không thể vì thiếu khoa học, đưa ra quyết định, chủ trương sai lầm dẫn đến ảnh hưởng sức khỏe, đe dọa tính mạng của hàng triệu học sinh. Phải chỉ đạo các trường cho học sinh trở lại trường theo cách “thăm dò” từng bước, không vội vàng đồng loạt - âu đó cũng là một cách làm khôn ngoan.
Rất tiếc có tác giả ghi danh là những chuyên gia với cách nhìn “gần” chỉ “thấy cây mà không thấy rừng” đã đưa ra những nhìn nhận thiếu khái quát về những việc làm cụ thể của Bộ GD&ĐT trong việc chỉ đạo toàn ngành nhằm ứng phó trong mùa dịch Covid-19.