Đây là kết quả của những giải pháp được thực hiện bài bản, nghiêm túc với tâm huyết, trách nhiệm của cán bộ quản lý, giáo viên nhà trường.
Ngày đầu tiên đi học trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024, Trường Tiểu học & THCS A Xing (Hướng Hoá, Quảng Trị) chỉ có một số ít học sinh vắng và nhanh chóng ổn định. Tình trạng học sinh không đến trường trong những buổi học đầu sau nghỉ Tết giảm hẳn khi hoạt động mừng tuổi học sinh bằng sách được triển khai 2 năm nay.
Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Mai Trọng, với 23 lớp, 620 học sinh, 85% gia đình thuộc diện hộ nghèo và đa số là dân tộc Pa Cô, việc duy trì, ổn định sĩ số học sinh được nhà trường đặc biệt coi trọng. Một trong những giải pháp đã triển khai và mang lại hiệu quả “kép” là mừng tuổi học sinh bằng sách mỗi dịp Tết.
“Năm nay, 23 giáo viên chủ nhiệm của trường được huy động đến nhà học sinh tặng sách. 200 học sinh thuộc diện này là những em có đam mê đọc sách, hạt nhân phong trào phát triển văn hóa đọc của nhà trường; những em có nguy cơ vắng học sau nghỉ Tết.
Thầy cô đến tận nhà, một mặt tặng sách; mặt khác chúc Tết gia đình, tăng cường gắn kết với phụ huynh và vận động, khích lệ học sinh đến trường. Cách làm này không chỉ là giải pháp vận động học sinh trở lại trường sau kỳ nghỉ dài mà còn giúp văn hóa đọc trong trường phát triển mạnh mẽ, vốn tiếng Việt và sự tự tin của học sinh tăng lên”, thầy Nguyễn Mai Trọng chia sẻ.
Được biết, sau 2 năm thực hiện, đã có hơn 1 nghìn cuốn sách được Trường Tiểu học & THCS A Xing tặng cho học sinh. Theo thầy Nguyễn Mai Trọng, đồng hành cùng hoạt động này của nhà trường là Chương trình Sách Hóa Nông Thôn Quảng Trị do ông Lê Minh Tuấn làm chủ nhiệm và từ sự vận động của người con quê hương Quảng Trị - cô Thanh Hà, cựu giáo viên Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TPHCM). Thầy Nguyễn Mai Trọng khẳng định sẽ tiếp tục duy trì, phát triển việc làm ý nghĩa này.
Trước đó, khi còn là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị), thầy Nguyễn Mai Trọng cũng triển khai việc mừng tuổi bằng sách cho học sinh. Trong 5 năm, đã có hơn 1.500 cuốn sách được tặng. Đây là món quà vô cùng ý nghĩa với học sinh nghèo ở vùng khó, nơi mà chỉ việc mua được cuốn sách giáo khoa để học tập trên lớp cũng là điều khó khăn.
Cô Hồ Thị Cúc - giáo viên chủ nhiệm lớp 3C Trường Tiểu học & THCS A Xing đến nhà tặng sách cho học sinh Hồ Văn Minh dịp Tết Nguyên đán năm 2024. Ảnh: gdtd.vn |
Trường Tiểu học Trung Lý 1 (xã Trung Lý, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) có 510 học sinh, 70% dân tộc Mông, còn lại học sinh dân tộc Thái và chỉ có 10 học sinh người Kinh. Khoảng 30% học sinh có bố mẹ đi làm xa, giao con cho ông bà chăm sóc. Nằm trên địa bàn khó khăn của huyện Mường Lát, Trường Tiểu học Trung Lý 1 có 1 điểm chính và 7 điểm lẻ. Khoảng cách giữa điểm chính là các điểm lẻ từ 5 đến 16 km, đường sá đi lại khó khăn.
Trở lại trường học sau nghỉ Tết từ ngày 19/2, thông tin từ thầy Hiệu trưởng Lê Quang Tùng, chỉ 6 học sinh nghỉ và đều có lý do; như vậy, tỷ lệ học sinh đến trường đạt 98%. Không chỉ năm nay mà một số năm trở lại đây, số học sinh nghỉ học sau Tết rất ít. Đây là kết quả của nhiều giải pháp được triển khai:
Duy trì liên hệ với học sinh và gia đình trong thời gian nghỉ Tết; giáo viên bám bản đến tận nhà vận động học sinh đến trường; làm việc với Ban quản lý bản để phát trên loa truyền thanh lịch trở lại trường… Trong năm học, thầy cô cũng thường xuyên đến nhà phụ đạo miễn phí cho học sinh yếu.
Tuy nhiên, giải pháp quan trọng nhất, theo thầy Lê Quang Tùng là nỗ lực đổi mới phương pháp, hình thức dạy học, tạo nhiều hoạt động vui chơi… khiến các em thích đến trường hơn ở nhà. Điều này ngoài sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo nhà trường, tâm huyết của mỗi thầy cô là vô cùng quan trọng.
Học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Tạo (TP Cà Mau, Cà Mau) mang theo vỏ lon đến trường để gây quỹ. Ảnh: gdtd.vn |
“Trước Tết, hầu hết học sinh của trường đều nhận được những phần quà ý nghĩa từ các đoàn từ thiện. Sau Tết, nhà trường tổ chức trò chơi, tiệc ngọt nhỏ, học sinh đến trường được vui chơi, ăn bánh kẹo nên rất hào hứng. 100% học sinh được nhận trợ cấp của Nhà nước cũng là động lực quan trọng để cha mẹ cho các em đến trường.
Nhà trường luôn ý thức việc duy trì sĩ số cần phải đặt lên hàng đầu. Học sinh có đến lớp mới có thể bảo đảm được chất lượng giáo dục. Do đó, nhà trường gắn việc này với tiêu chí thi đua của giáo viên; đưa vào quy định chuyên môn, đánh giá cuối năm…”, thầy Lê Quang Tùng cho biết thêm.
Là huyện vùng khó của Nghệ An, mấy năm gần đây, tình hình học sinh vắng học, bỏ học sau Tết Nguyên đán tại huyện Kỳ Sơn có chiều hướng giảm, đặc biệt là học sinh THCS.
Theo ông Phạm Viết Phúc - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Kỳ Sơn, để giảm thiểu tình trạng học sinh chậm đến trường, bỏ học sau Tết Nguyên đán, phòng GD&ĐT đã yêu cầu hiệu trưởng các trường tham mưu UBND xã, thị chỉ đạo các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tư tưởng, hành động trong việc vận động học sinh đi học, chống học sinh bỏ học, đặc biệt sau các dịp lễ, Tết.
Trước nghỉ Tết Nguyên đán, nhà trường bàn giao học sinh về các xã, thị trấn, bản làng để thống nhất quản lý. Sau Tết Nguyên đán, tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi, văn nghệ thể thao, hoạt động ngoại khóa nhằm thu hút học sinh đến trường; đề xuất các giải pháp vận động học sinh đi học, chống học sinh bỏ học sau Tết.
Khi có biến động về số lượng học sinh sau Tết Nguyên đán, nhà trường tham mưu chính quyền địa phương thành lập ban vận động, đến tận từng gia đình nắm bắt thông tin, tìm hiểu nguyên nhân để có các giải pháp tương trợ, giúp đỡ, vận động. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng học sinh chậm đến trường, bỏ học vì hoàn cảnh khó khăn.
Các nhà trường cũng tăng cường công tác kiểm tra nắm bắt thông tin tại địa bàn, kịp thời tham mưu xử lý các đối tượng dụ dỗ, lôi khéo học sinh bỏ học đi làm, hiện tượng tảo hôn tại địa phương. Thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ đối với trẻ em trong đó có quyền được đi học được quy định tại Luật Giáo dục và Luật Bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em. Tổng hợp, báo cáo về phòng GD&ĐT khi có hiện tượng biến động bất thường về sĩ số học sinh trên địa bàn.
Giáo viên chủ nhiệm có vai trò quan trọng trong việc duy trì sĩ số học sinh. Thầy cô cần nắm vững số lượng học sinh của từng bản làng để phối hợp với chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, cấp hội có giải pháp vận động trẻ đến trường; nắm rõ tình hình thực tế để có giải pháp giúp đỡ các em trong học tập cũng như cuộc sống hằng ngày. Thầy cô cũng cần tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao, giáo dục kỹ năng… tạo sân chơi bổ ích để thu hút học sinh đến trường. Ông Phạm Viết Phúc
Tác giả bài viết: Hiếu Nguyễn
Ý kiến bạn đọc