Chia sẻ với Báo Giáo dục và Thời đại, PGS.TS Lê Hiếu Học - Trưởng khoa, Khoa Khoa học và Công nghệ Giáo dục thuộc ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, năm học 2024-2025, đơn vị này bắt đầu tuyển sinh ngành Quản lý giáo dục (mã xét tuyển ED3) với 60 chỉ tiêu.
Ngành Quản lý giáo dục đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, chất lượng cao. Sinh viên sẽ có nền tảng kiến thức vững vàng về khoa học và quản lý giáo dục, kết hợp với kỹ năng số, phương thức quản lý, đo lường và đánh giá chất lượng hiện đại. Từ đó nhằm đáp ứng yêu cầu quốc tế hóa, nâng cao chất lượng giáo dục trong kỷ nguyên số.
Bên cạnh khối kiến thức đại cương, sinh viên ngành Quản lý giáo dục tại ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ được trang bị những kiến thức chuyên môn đáp ứng yêu cầu của thực tiễn nghề nghiệp.
Các môn học cốt lõi gồm: Khối kiến thức nền tảng về Khoa học Giáo dục, Quản lý Giáo dục, Phương pháp dạy học và Quản trị tổ chức.
Các môn học tự chọn theo hai hướng chuyên sâu gồm: Module 1 về Quản lý giáo dục số với việc ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý giáo dục; Module 2 về Quản lý chất lượng giáo dục.
PGS.TS Lê Hiếu Học trong đợt tư vấn cho thí sinh về các mã ngành đào tạo của ĐH Bách khoa Hà Nội năm 2023. |
Theo PGS.TS Lê Hiếu Học, sinh viên sẽ được trải nghiệm tại các cơ quan quản lý Nhà nước về giáo dục, các nhà trường, doanh nghiệp/tập đoàn hàng đầu về giáo dục.
Ngoài ra, các em còn được thực tập tại các phòng, ban chức năng của ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Bách khoa, và Trường THCS & THPT Tạ Quang Bửu – những điển hình trong công tác quản trị chất lượng, quản trị và chuyển đổi số trong các cơ sở giáo dục Việt Nam.
Nói về cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp ngành Quản lý giáo dục tại ĐH Bách khoa Hà Nội, PGS.TS Lê Hiếu Học nhấn mạnh, tùy năng lực và khả năng của mỗi em sẽ có thể đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác nhau.
Trong đó có: Chuyên viên đảm nhận vai trò quản lý hành chính giáo dục, làm việc tại cơ quan quản lý giáo dục; chuyên viên, nghiên cứu viên tại các trung tâm, các viện nghiên cứu giáo dục; chuyên viên các bộ phận chức năng (hành chính, tài chính, quản trị cơ sở vật chất, tuyển sinh, truyền thông, chuyển đổi số…) tại các cơ sở giáo dục từ cơ sở mầm non đến các trường đại học, cao đẳng.
Các thí sinh tới gian hàng của ĐH Bách khoa Hà Nội để nghe tư vấn xét tuyển. |
Các em cũng có thể làm chuyên viên khảo thí, kiểm định chất lượng, thanh tra giáo dục, quản lý nhân sự tại các cơ sở giáo dục, các tổ chức giáo dục quốc tế; chuyên viên phát triển chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đánh giá trong giáo dục; chuyên viên xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đảm bảo chất lượng, kiểm định chất lượng và các dữ liệu khác phục vụ cho nghiên cứu và quản lý đảm bảo chất lượng.
Chuyên viên xây dựng cơ sở dữ liệu về xếp hạng, so chuẩn đối sánh và gắn sao đại học, đánh giá chất lượng cơ sở giáo dục; chuyên viên triển khai các chương trình, dự án xúc tiến thương mại, đầu tư phát triển giáo dục, chính sách phát triển giáo dục tại các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục ở các cấp, tại các cơ sở giáo dục đào tạo.
Các em có thể khởi nghiệp nhằm cung ứng các dịch vụ giáo dục; học tiếp lên bậc học thạc sĩ Quản lý giáo dục để trở thành giảng viên thuộc chuyên ngành Quản lý giáo dục làm việc tại các cơ sở đào tạo và bồi dưỡng cán bộ cùng nhiều công việc khác.
"Những bạn trẻ đam mê với giáo dục; có khả năng giao tiếp tốt và thích ứng với môi trường làm việc; thích thử thách và có sở thích tìm hiểu, sáng tạo trong công việc; mong muốn được làm các công việc liên quan đến nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống, phát triển chương trình đào tạo, đảm bảo chất lượng giáo dục của các tổ chức giáo dục và các doanh nghiệp đa quốc gia đều có thể theo học ngành Quản lý giáo dục" - PGS.TS Lê Hiếu Học nói.
Tác giả bài viết: Đình Tuệ
Ý kiến bạn đọc