Riêng học sinh lớp 1 tại TPHCM đã tựu trường từ ngày 19/8. Học sinh mầm non không tựu trường trước khai giảng.
Ghi nhận tại các trường sáng 26/8, không khí vui tươi, phần đông học sinh hớn hở khi được trở lại trường gặp các bạn và bắt đầu hành trình học tập mới.
Tại Trường THCS Nguyễn Thái Bình (quận 6), từ sáng phụ huynh đã dẫn học sinh đến tựu trường. Được học trong ngôi trường mới, khang trang, hiện đại nên cô trò đều vui.
Bà Phạm Thị Phương Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Thái Bình cho biết trường được khánh thành vào tháng 1/2024. Trường chính thức đi vào hoạt động từ năm học 2024-2025 và có 3 khối lớp 6,7,8.
Trường có diện tích gần 19.000m2, với tổng mức đầu tư gần 162 tỷ đồng, gồm 40 phòng học và các phòng chức năng (phòng thực hành thí nghiệm, phòng công nghệ, phòng lab) sân bóng, nhà thi đấu, nhà ăn…
“Với cơ sở vật chất được đầu tư, trường sẽ phấn đấu đạt chuẩn quốc gia. Hiện trường có 15 lớp, trung bình sĩ số học sinh 42 em/lớp”, bà Hồng nói.
Tương tự, sáng nay, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP Thủ Đức) đã có diện mạo mới để đón học sinh tựu trường.
Sau khi thực hiện việc chia tách Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa theo đề án của TPHCM, trường được đặt tại địa chỉ: Lô P2 Khu tái định cư 38,4 ha, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM. Trường thực hiện tuyển sinh và đào tạo lớp 10 chuyên cấp THPT kể từ năm học 2024-2025.
Là thủ khoa đầu vào của lớp 10 chuyên Văn, Hồ Ngọc Mai Phương, bày tỏ niềm tự hào và khá bất ngờ. Mai Phương hi vọng các thành viên lớp đoàn kết và có thể tạo thành một tập thể lớp tiến bộ.
Ông Phạm Thanh Yên, Phó hiệu trưởng Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho biết năm nay khối 10 có số lượng là 347 em, với 13 lớp chuyên.
Đây là lần đầu tiên khối lớp 10 sẽ học tại cơ sở Thủ Đức, thay vì quận 1 như các năm trước. Để đảm bảo cơ sở vật chất cho các em, nhà trường sẽ đầu tư cải tạo trang thiết bị, xây dựng thêm hội trường, 4 phòng thí nghiệm nhằm phục vụ công tác giảng dạy và học tập.
Theo Sở GD&ĐT TP HCM, năm học 2024-2025, toàn thành phố tăng 24.097 học sinh (gồm 22.592 công lập và 12.463 ngoài công lập). Trong đó, mầm non tăng 6.262 học sinh (công lập tăng 2.987, ngoài công lập tăng 3.275); tiểu học giảm 6.185 học sinh (công lập giảm 6.966, ngoài công lập tăng 781); THCS tăng 7.022 học sinh (công lập tăng 7.437, ngoài công lập giảm 415); THPT tăng 16.999 học sinh (công lập tăng 13.831, ngoài công lập tăng 3.168).
Tuy nhiên, năm học 2024-2025, TPHCM vẫn đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học. Số học sinh chỉ tăng nhiều ở cấp THPT do chênh lệch giữa học sinh khối lớp 12 ra trường và lớp 9 tốt nghiệp vào học lớp 10.
Dự kiến trong năm 2024, TP HCM sẽ đưa vào sử dụng 23 dự án với 476 phòng học mới (số phòng học tăng thêm là 412) với tổng mức đầu tư trên 2.237 tỉ đồng.
Theo Sở GD&ĐT TP HCM, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho năm học 2024 - 2025 (tính đến tháng 7-2024) gồm 3.522 giáo viên (chuyên biệt: 79 giáo viên, mầm non: 649 giáo viên, tiểu học:1.243 giáo viên, THCS: 1.151 giáo viên) và 720 nhân viên (chuyên biệt: 33 nhân viên, mầm non: 124 nhân viên, tiểu học: 241 nhân viên, THCS: 276 nhân viên).
Tính đến tháng 8/2024, nhu cầu tuyển dụng viên chức công tác ở các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở GD&ĐT đợt 1 là 337 người, gồm 263 giáo viên và 74 nhân viên. Có 279 ứng viên trúng tuyển (gồm 253 giáo viên và 44 nhân viên). 11 quận, huyện đã và đang thực hiện quy trình tuyển dụng sau khi được UBND địa phương phê duyệt; 9 quận, huyện và TP Thủ Đức đang chờ phê duyệt kế hoạch tuyển dụng...
Tác giả bài viết: Minh Anh
Ý kiến bạn đọc