Nóng trong tuần: Triển khai nhiệm vụ năm học mới; đổi mới quản lý dạy học thêm

Chủ nhật - 25/08/2024 19:13 13 0
Tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025Ngày 19/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội kết nối tới 63 điểm cầu tỉnh/thành...
Nóng trong tuần: Triển khai nhiệm vụ năm học mới; đổi mới quản lý dạy học thêm

Tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025

Ngày 19/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2023-2024, triển khai nhiệm vụ năm học 2024-2025. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với điểm cầu chính tại Hà Nội kết nối tới 63 điểm cầu tỉnh/thành phố. Thủ tướng Phạm Minh Chính dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: Năm học 2023-2024 là thời điểm toàn ngành Giáo dục tập trung thực hiện nhiều nhiệm vụ lớn của ngành như thực hiện tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29; triển khai Nghị quyết 686 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT, cùng các nhiệm vụ quan trọng khác.

Với chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, với tinh thần chỉ đạo và định hướng quan trọng của Thủ tướng là “học thật, thi thật, nhân tài thật” và phương châm “nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm”; sự phối hợp hiệu quả của các ban, bộ, ngành Trung ương và các cấp uỷ đảng, chính quyền các địa phương; sự ủng hộ của đông đảo tầng lớp nhân dân, phụ huynh học sinh; đặc biệt sự quyết tâm, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục, sự cố gắng, nỗ lực của học sinh, sinh viên, toàn ngành Giáo dục đã hoàn thành kế hoạch năm học 2023-2024, trong đó có nhiều kết quả tốt đẹp, rất tích cực, có tác động gia tăng niềm tin, sự đồng thuận và ủng hộ của toàn xã hội.

bt-8093.jpg
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc Hội nghị.

Toàn ngành Giáo dục đã nỗ lực triển khai 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục đẩy mạnh đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, góp phần đưa giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt trình độ tiên tiến của khu vực Châu Á vào năm 2030 và đạt trình độ tiên tiến của thế giới vào năm 2045. Quá trình triển khai 12 tháng qua đã đạt được hầu hết mục tiêu, kế hoạch; là một năm gặt hái được nhiều kết quả quan trọng, tạo sự chuyển biến tích cực trong toàn ngành.

Tại hội nghị, đại diện địa phương, cơ sở giáo dục, chuyên gia, đại biểu khách mời đã có các ý kiến trao đổi, đánh giá về việc triển khai năm học 2023-2024, những khó khăn xuất phát từ thực tiễn và đề xuất để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ năm học 2024-2025.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính ghi nhận, đánh giá cao, biểu dương và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả quan trọng đạt được của ngành Giáo dục trong năm học vừa qua, góp phần vào thành tựu chung của đất nước.

Từ đánh giá, phân tích các kết quả đạt được, những tồn tại cần khắc phục, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm, Thủ tướng đã có những chỉ đạo cụ thể về 9 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024-2025.

Một là, chuẩn bị chu đáo các điều kiện cho năm học mới; tổ chức tốt Lễ khai giảng, tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho năm học mới. Đặc biệt là nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên ngày càng tốt hơn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

Hai là, tập trung tổ chức triển khai Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm xây dựng Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận 91 của Bộ Chính trị, trình Chính phủ ban hành trong quý III/2024.

Ba là, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung kịp thời thể chế, cơ chế, chính sách về đổi mới GD&ĐT, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về giáo dục.

Bốn là, tổng kết, đánh giá toàn diện việc triển khai đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Trên cơ sở đó, Bộ GD&ĐT tiếp tục nghiên cứu phát triển, hoàn thiện Chương trình GDPT phù hợp với mục tiêu, yêu cầu đặt ra trong giai đoạn mới; kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Năm là, Bộ GD&ĐT chủ trì, cùng các bộ, cơ quan, địa phương chuẩn bị thật kỹ để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT bảo đảm chất lượng, an toàn, nghiêm túc, hiệu quả, thiết thực, gọn nhẹ, giảm áp lực, tạo thuận lợi nhất cho học sinh.

Sáu là, đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch. Tập trung triển khai hiệu quả các Chương trình, đề án, dự án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là về vi mạch bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

thu-tuong-4309.jpg
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị.

Bảy là, tiếp tục tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa khu vực công và khu vực tư; thúc đẩy hợp tác công tư; đẩy mạnh giáo dục đào tạo phi lợi nhuận bậc đại học. Tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường phù hợp đối với lĩnh vực giáo dục đào tạo do tình hình kinh tế - xã hội còn khó khăn, còn tác động của đại dịch Covid-19.

Tám là, xây dựng, rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ giáo viên phù hợp hài hòa với hoàn cảnh đất nước, với các ngành khác; thực hiện việc tuyển dụng, cơ cấu lại đội ngũ giáo viên theo biên chế được giao, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các cơ sở giáo dục, bảo đảm nguyên tắc “có học sinh phải có giáo viên đứng lớp” và phù hợp, hợp lý, hiệu quả với thực tiễn.

Chín là, tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục khuyết tật, giáo dục đại học và cao đẳng sư phạm. Việc quy hoạch xây dựng, bảo đảm quỹ đất phù hợp để xây dựng trường, lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập gắn với xu hướng đô thị hóa, dịch chuyển dân số

Nhấn mạnh phương châm: “Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm - chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng”, Thủ tướng đề nghị Bộ GD&ĐT, các Bộ, ngành, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền tập trung triển khai thực hiện hiệu quả phương châm này; ưu tiên bố trí nguồn lực, nâng cấp cơ sở vật chất, bảo đảm vệ sinh, an ninh, an toàn trường học; đánh giá rõ kết quả hằng năm để rút kinh nghiệm và tiếp tục làm tốt hơn trong thời gian tới.

Dự thảo quy định về quản lý dạy thêm, học thêm

Tuần qua, Bộ GD&ĐT công bố dự thảo quy định về quản lý dạy thêm, học thêm xin ý kiến góp ý rộng rãi. Nội dung này thu hút nhiều sự quan tâm chú ý của dư luận.

Điểm mới của dự thảo là không nêu cụ thể những trường hợp không được dạy thêm như quy định hiện hành; hướng tới quy định việc tổ chức dạy thêm, học thêm một cách công khai, minh bạch để khi có ý kiến thắc mắc, khi có thanh kiểm tra thì mọi thứ đều phải có giấy tờ xác minh.

PGS Nguyen xuan Thanh.jpg
Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành.

Cụ thể, với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, dự thảo quy định rõ phải bắt đầu từ đề xuất của tổ chuyên môn: Muốn dạy thêm môn nào, lý do vì sao phải dạy thêm? Mục tiêu dạy thêm là gì? Để đạt mục tiêu đó thì nội dung dạy thêm là gì, thời lượng là bao nhiêu? Danh sách cụ thể giáo viên đăng ký dạy thêm?

Hiệu trưởng căn cứ đề xuất của các tổ chuyên môn tổ chức cuộc họp với thành phần gồm lãnh đạo nhà trường, tổ trưởng tổ chuyên môn, đại diện Ban đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường để thống nhất việc tổ chức dạy thêm, học thêm môn học nào, ở khối lớp nào, bảo đảm thiết thực, công bằng, minh bạch, vì quyền lợi học sinh. Tổng thời lượng dạy học và tổ chức các hoạt động giáo dục theo kế hoạch giáo dục của nhà trường và dạy thêm, học thêm không quá 35 tiết/tuần đối với cấp tiểu học, không quá 42 tiết/tuần đối với cấp THCS, không quá 48 tiết/tuần đối với cấp THPT.

Đối với dạy học thêm ngoài nhà trường, tổ chức hoặc cá nhân kinh doanh hoạt động dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (cơ sở dạy thêm) phải làm hai việc. Trước hết là phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật (đây không phải quy định của Bộ GD&ĐT mà là quy định của pháp luật về đăng ký kinh doanh).

Thứ hai, cơ sở dạy thêm phải công khai các môn học được tổ chức dạy thêm, học thêm; thời lượng dạy thêm của từng môn học theo từng khối lớp; địa điểm, thời gian tổ chức dạy thêm, học thêm; danh sách giáo viên dạy thêm và mức thu tiền học thêm trước khi tuyển sinh các lớp dạy thêm, học thêm. Việc công khai là để toàn dân cùng giám sát.

Quy định giáo viên trường công lập không được “tổ chức” dạy thêm, học thêm vẫn giữ nguyên, đúng với quy định chung về việc viên chức thì không được tổ chức kinh doanh; nhưng thầy cô vẫn được “tham gia” dạy thêm.

Tuy nhiên, nếu giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải làm hai việc. Thứ nhất, phải báo cáo Hiệu trưởng về môn học, địa điểm, thời gian tham gia dạy thêm và cam kết với Hiệu trưởng hoàn thành nhiệm vụ được giao, không vi phạm quy định về các nguyên tắc dạy thêm, học thêm. Thứ hai, trường hợp trong lớp dạy thêm ngoài nhà trường của giáo viên có học sinh của lớp mà giáo viên đang trực tiếp dạy học trong nhà trường thì giáo viên phải báo cáo, lập danh sách các học sinh đó (họ và tên học sinh; lớp đang học trong nhà trường) gửi Hiệu trưởng và cam kết không dùng bất kỳ hình thức nào ép buộc học sinh học thêm.

Những báo cáo này để Hiệu trưởng nhà trường có thông tin và lưu hồ sơ, trường hợp giáo viên vi phạm sẽ có minh chứng xử lý.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học (Bộ GD&ĐT) Nguyễn Xuân Thành đã có những chia sẻ cụ thể về những vấn đề xung quanh quy định tại dự thảo này.

Trong đó, ông Nguyễn Xuân Thành nhấn mạnh vấn đề là minh bạch thông tin và dự thảo đã đưa ra nhiều quy định mới về việc phải công khai những thông tin gì, báo cáo ra sao khi tổ chức dạy thêm, học thêm. Điều quan trọng dự thảo hướng đến là cấm những hiện tượng tiêu cực, không cấm nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.

Bên cạnh đó, dự thảo cũng thêm vào nguyên tắc: “Không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã dạy thêm, học thêm để kiểm tra, đánh giá học sinh” tránh hiện tượng gây bức xúc lâu nay: học sinh nào học thêm thì có điểm cao trong bài kiểm tra, đánh giá và ngược lại.

Hơn nữa, giám sát việc dạy thêm, học thêm không chỉ có ngành GD-ĐT hay chính quyền địa phương mà còn phải có giám sát toàn dân, của chính học sinh và phụ huynh trên cơ sở những quy định đã được ban hành.

giaoducdaihoc-8076.jpg

Thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục ĐH, CĐ sư phạm

Ngày 23/8, Bộ GD&ĐT ban hành Công văn số 4606/BGDĐT-GDĐH gửi các đại học, học viện, trường đại học; các trường cao đẳng sư phạm về thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm.

Theo đó, Bộ GD&ĐT đưa ra 5 nhiệm vụ trọng tâm, đột phá là: Hoàn thiện chiến lược phát triển, kiện toàn tổ chức bộ máy, huy động mọi nguồn lực để nâng cao năng lực quản trị đại học, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục, hoàn thiện và phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong, cải thiện các chỉ số hoạt động của mỗi cơ sở đào tạo, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của chuẩn cơ sở giáo dục đại học.

Đổi mới mạnh mẽ chương trình và phương thức đào tạo gắn với tăng cường công tác quản lý, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực và năng lực nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, nhất là trong các lĩnh vực, ngành trọng điểm theo định hướng phát triển của các vùng và địa phương.

Tăng cường ứng dụng công nghệ số, nhất là trí tuệ nhân tạo trong toàn hệ thống giáo dục đại học, gắn với cải cách hành chính, đổi mới phương thức quản lý và quản trị nhà trường, đổi mới phương pháp dạy và học, thi và kiểm tra, đánh giá, tạo tác động tích cực cho đổi mới giáo dục phổ thông.

Đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng, thu hút, phát triển đội ngũ giảng viên, nhà khoa học trình độ cao, chuyên gia đầu ngành, đặc biệt là trong một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, then chốt, công nghệ cao.

Tổ chức triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, chuẩn bị tốt các đề án, dự án theo các chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các nghị quyết của Trung ương và Bộ Chính trị; các chiến lược, quy hoạch, chương trình, đề án do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhất là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành công nghệ cao của Việt Nam, trong đó tập trung vào các ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, công nghệ sinh học và năng lượng xanh.

Tuần qua cũng diễn ra 2 hoạt động đáng chú ý liên quan đến hợp tác quốc tế về giáo dục và đào tạo. Theo đó, chiều 20/8, tại Bộ GD&ĐT đã diễn ra Lễ ký kết Hiệp định hợp tác giáo dục giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Sri Lanca. Tham dự Lễ ký kết có Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Việt Nam Nguyễn Văn Phúc, ngài A.Saj U.Mendis - Đại sứ Sri Lanca tại Việt Nam, cùng lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Bộ GD&ĐT và Đại sứ quán Sri Lanca tại Việt Nam.

Cùng ngày, tại Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã có buổi tiếp đồng chí Manuel Domingos Augusto, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng phụ trách đối ngoại Đảng Phong trào Nhân dân Giải phóng Angola (MPLA) và đoàn công tác đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam. Tại buổi tiếp, nhiều vấn đề về hợp tác giáo dục, đào tạo giữa hai nước đã được trao đổi, bàn thảo.

Tác giả bài viết: Hải Bình t/h

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1143 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập653
  • Hôm nay64,910
  • Tháng hiện tại343,040
  • Tổng lượt truy cập51,698,999
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944