Trong những năm qua, cơ chế chính sách về quản lý hoạt động khoa học và công nghệ ngày càng được hoàn thiện. Đáng chú ý, Nghị định số 99/2014/NĐ-CP ngày 25/10/2014 đã tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Nhà nước tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực khoa học - công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học; huy động nguồn lực tham gia đầu tư phát triển khoa học và công nghệ; xác định rõ trách nhiệm, quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học trong đầu tư phát triển cho khoa học - công nghệ, đặc biệt là hoạt động nghiên cứu khoa học.
Đến nay, hầu hết cơ sở giáo dục đại học đều xây dựng quy chế hoạt động khoa học - công nghệ của đơn vị và triển khai hoạt động này hiệu quả, góp phần hỗ trợ tích cực trong công tác đào tạo, phát triển nhà trường.
Không chỉ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, hoạt động khoa học - công nghệ trong trường đại học còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế, gắn nghiên cứu khoa học với chuyển giao công nghệ; thu hút nguồn lực, sự tham gia của chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài cùng triển khai nghiên cứu thông qua các nhiệm vụ khoa học - công nghệ.
Nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế được tổ chức, là diễn đàn khoa học cho các giảng viên, nghiên cứu viên, học viên sau đại học. Đây cũng là nơi diễn ra các thỏa thuận hợp tác về khoa học - công nghệ trong và ngoài nước...
Tuy những kết quả đạt được ngày càng tốt hơn, nhưng nhiều ý kiến cho rằng, điều này này chưa tương xứng với tiềm năng, yêu cầu đối với các cơ sở giáo dục đại học. Nhiều nghiên cứu nhỏ, lẻ, tản mạn, tính ứng dụng chưa cao, không rõ nét; chưa có đóng góp nổi bật trong nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển kinh tế - xã hội.
Sự gắn kết các viện nghiên cứu với cơ sở giáo dục đại học trong đào tạo nguồn nhân lực và sử dụng kết quả nghiên cứu cho đào tạo chưa mạnh; gắn kết doanh nghiệp trong nghiên cứu chưa được chú trọng đúng mức. Bên cạnh đó, kinh phí đầu tư cho nghiên cứu ở đại học còn thấp. Thủ tục tài chính cho hoạt động khoa học - công nghệ tuy có nhiều cải tiến nhưng vẫn rườm rà, chậm muộn và nặng về hành chính.
Giảng viên đại học - lực lượng nghiên cứu chính - gặp nhiều khó khăn vì vẫn tồn tại tình trạng quá tải trong giảng dạy; các chính sách chưa tạo được động lực đủ mạnh để giảng viên thực hiện nghiệm vụ nghiên cứu khoa học, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học... Thậm chí, ở một số trường, giảng dạy gắn liền với nghiên cứu khoa học, nghiên cứu khoa học đi liền với ứng dụng và phục vụ cho giảng dạy mới chỉ là khẩu hiệu, hô hào chứ chưa trở thành hoạt động thực tế...
Để khắc phục những hạn chế nói trên cần thực hiện đồng bộ giải pháp, cả vĩ mô và vi mô. Trong đó, một giải pháp quan trọng là cần có quy định để bảo đảm các cơ sở giáo dục đại học thực sự coi nghiên cứu khoa học là một trong hai nhiệm vụ quan trọng hàng đầu; có cơ chế, chính sách thu hút mạnh mẽ đội ngũ giảng viên, sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học. Ngoài tạo động lực, giảng viên, sinh viên cần có năng lực và môi trường nghiên cứu để có được thành công trong nghiên cứu khoa học; tuy nhiên, yếu tố động lực vẫn là quan trọng nhất.
Tác giả bài viết: Thảo Đan
Ý kiến bạn đọc