Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thị Nghĩa, đã có sự chuyển biến trong nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các cán bộ nhà giáo, HSSV về vai trò vị trí môn giáo dục thể chất trong việc nâng cao sức khỏe, phát triển thể lực tầm vóc và hình thành ý thức thói quen thường xuyên luyện tập TDTT cho HSSV.
Từ đó các nhà trường cũng quan tâm hơn đến giáo dục thể chất trong trường học. Cụ thể, chương trình GDTC đã được triển khai, thực hiện đầy đủ ở tất cả các cấp học từ mầm non cho đến phổ thông đại học.
Chương trình GDTC được tích hợp trong hoạt động giáo dục phát triển vận động và các hoạt động khác của chương trình giáo dục mầm non. Đặc biệt từ 2013 đến nay, Bộ đã triển khai chương trình tăng cường phát triển giáo dục vận động cho trẻ mầm non. Chương trình có tác dụng thiết thực, không chỉ nâng cao khả năng vận động của trẻ mà còn hình thành tình cảm thẩm mĩ và ý thức thói quen tập luyện tốt cho trẻ mầm non qua đó phát triển toàn diện cho trẻ em.
Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc được tổ chức 4 năm 1 lần
Còn tại tại các cấp học giáo dục phổ thông, đã thực hiện chương trình thể dục từ lớp 1 đến lớp 12. Vừa rồi Bộ GD&ĐT đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông mới trong đó môn giáo dục thể chất có rất nhiều điểm mới. Chương trình có hướng mở, tăng tính tự chọn để phù hợp với khả năng của học sinh. Cùng với việc ban hành chương trình, Bộ đã chỉ đạo đẩy mạnh đổi mới về phương pháp dạy học, cách kiểm tra đánh giá GDTC.
Đối với bậc đại học, các trường đã thực hiện các chương trình tín chỉ theo hướng dẫn của Bộ GDDT. Có thể nói chương trình GDTC triển khai đã mang lại kết quả tốt trong các nhà trường.
Có thể nói, hoạt động thể thao, GDTC trong trường học đã góp phần phát triển thể lực, nâng cao tầm vóc của học sinh, sinh viên. Không những thế còn góp phần giáo dục đạo đức, lối sống lành mạnh, qua đó đẩy lùi các tệ nạn xã hội có thể xâm nhập trong nhà trường.
Đội ngũ giáo viên GDTC cũng được tăng cường, đầu tư nhiều hơn cả về số lượng lẫn chất lượng. Cơ sở vật chất luyện tập TDTT cũng được tăng cường, đáp ứng nhu cầu tối thiểu của các nhà trường.
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Bên cạnh GDTC thì hoạt động thể thao, các phong trào thể thao đã được phát triển. Nhiều trường đã thành lập các CLB thể thao thu hút học sinh tham gia. Các giải thể thao do Bộ tổ chức thu hút được số lượng lớn.
Tại Hội khỏe Phù Đổng năm 2016 tổ chức tại Nghệ An, học sinh của tất cả 63 tỉnh, thành phố đã tham gia hào hứng và đã góp phần thúc đẩy hoạt động thể thao trong nhà trường. Cùng với đó, Đại hội thể thao sinh viên toàn quốc, các giải thể thao hàng năm như giải điền kinh, bơi lội, bóng đá, bóng rổ… đã thu hút lượng lớn HSSV tham gia.
Các trường học đẩy mạnh dạy bơi cho học sinh
Đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động thể thao trường học
Từ khi thực hiện quyết định 1076 của Chính phủ, công tác xã hội hóa đã được đẩy mạnh. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã hỗ trợ cho ngành GD về cơ sở vật chất, cùng với các nhà trường tổ chức các hoạt động thể dục thể thao.
Đó là việc đưa võ cổ truyền vào nhà trường, các giải bóng đá do Nestle tài trợ, các giải thể thao do Nuti Food tài trợ. Và mới đây, Bộ GD&ĐT cùng Tập đoàn T&T đã tổ chức Lễ ký kết triển khai “Nâng cao chất lượng công tác thể dục thể chất và hoạt động thể thao trong nhà trường”.
Có thể khẳng định GDTC và phong trào thể thao trong nhà trường đã có những chuyển biến tích cực, tuy nhiên vẫn còn những bất cập hạn chế cần khắc phục như: Phương pháp đánh giá GDTC chưa được đẩy mạnh, hoạt động thể thao trong nhà trường chưa đồng đều, nhất là các phong trào TDTT.
Giải bóng đá học sinh do Nestle tài trợ
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa nhấn mạnh: Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn cụ thể về phong trào tập luyện thể dục buổi sáng và thể dục giữa giờ trong các nhà trường, là hoạt động rất quan trọng trong việc thay đổi động thái và giảm sự mệt mỏi cho học sinh, qua đó nâng cao chất lượng dạy học.
Tuy nhiên việc thực hiện ở các nhà trường chưa đồng đều. Có những trường do điều kiện sân bãi chật hẹp, có những trường chưa quan tâm đúng mức nên chất lượng cũng như hiệu quả chưa cao, có những nơi tổ chức hình thức đối phó.
Hoạt động thể thao trong nhà trường, các CLB thể thao chưa hiệu quả. Hiện nay có gần 40% trường phổ thông và gần 10% trường đại học chưa có CLB thể thao nên cần phải đẩy mạnh hơn nữa. CLB thể thao hoạt động hiệu quả sẽ giúp duy trì hoạt động thể thao trong nhà trường.
Các giáo viên GDTC cũng còn thiếu về số lượng và hạn chế về trình độ năng lực. Đặc biệt khó khăn nhất là cơ sở vật chất cho hoạt động thể thao, thiếu sân chơi bãi tập thiếu nhà thi đấu. Đặc biệt, ngành GD đang đẩy mạnh dạy bơi nhưng tỉ lệ nhà trường có bể bơi rất thấp. Công tác XHH mới chỉ đạt được kết quả bước đầu và cần có những cơ chế chính sách đủ mạnh để XHH nhiều hơn nữa.
Trả lời thắc mắc về việc những năm gần đây Bộ GD&ĐT không tổ chức các giải thi đấu thể thao cấp quốc gia nhiều như những năm trước, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa cho biết: Chủ trương của Bộ là tăng cường các giải thi đấu cấp trường để thúc đẩy phòng trào thể thao trong nhà trường, không tập trung nhiều vào các giải cấp quốc gia.
Bộ chỉ tổ chức một số hoạt động tầm quốc gia như Hội khỏe Phù Đổng, Đại hội thể thao sinh viên toàn quốc (4 năm 1 lần), hoặc tổ chức các giải hàng năm một số môn trọng tâm. Việc chú trọng các hoạt động cấp trường để giải tỏa áp lực cho các địa phương, các nhà trường vì tổ chức cấp quốc gia thì rất tốn kém. Mục đích tiếp theo là tăng cường trách nhiệm của những người đứng đầu các cơ sở giáo dục trong việc đẩy mạnh việc luyện tập thể dục thể thao.