Với 30 gian hàng trưng bày các dự án giảng dạy, các thầy cô giáo đã mang đến Ngày hội rất nhiều những ý tưởng và sản phẩm độc đáo, thú vị. Điều này như khẳng định vai trò quan trọng của giáo viên trong việc định hướng học sinh để phát huy những năng lực tiếp thu kiến thức của học sinh. Và để làm được điều đó thì mỗi giáo viên phải không ngừng thay đổi, đam mê, khám phá đưa ra cách thức truyền đạt mới cho học sinh.
Gần 200 giáo viên khắp miền Bắc tham gia 'Ngày hội Giáo viên sáng tạo' |
Là lần thứ 2 tham gia ngày hội Giáo viên Sáng tạo, nhưng dự án “Bữa tiệc âm nhạc” của môn Vật lý lớp 7, do thầy Dương Văn Nam, thầy Vũ Hoài Nam và cô Nguyễn Thị Len vẫn mang đến nhiều nét hoàn toàn mới. Học sinh được tự tay chế tạo ra những nhạc cụ, sau đó quay trở lại tìm hiểu kiến thức để tìm ra cốt lõi của chủ đề sóng âm.
Thầy Nam cho biết: Dự án thực hiện bằng phương pháp liên môn với các môn Kỹ năng, nghệ thuật, STEM hay Vật lý kết hợp ứng dụng công nghệ giúp học sinh phát huy hết những năng lực của người học trong quá trình sáng chế các nhạc cụ của mình, tạo ra những bản nhạc sống động. Thành quả của dự án thực sự đem đến một bữa tiệc âm nhạc. Thực tế cho thấy dự án này đã tạo ra động lực học tập, sự hứng thú rất lớn cho học sinh.
Tác giả của dự án “Nhà tuyên truyền cộng đồng”, cô Lê Thị Phương Thảo (trường THPT Wellspring) chia sẻ: với dự án này học sinh đóng vai như các tuyên truyền viên, chia sẻ đến các học sinh trong trường về những kiến thức và kỹ năng an toàn khi tiếp nhận thông tin.
Các gian hàng triển lãm sản phẩm giáo dục. Các thầy cô có cơ hội chia sẻ những ý tưởng dạy học của mình, những dự án đã thực hiện và những dự án đang ấp ủ |
Với nhiều chủ đề khác nhau như: phòng tránh chất gây nghiện, phòng chống bắt nạt học đường, mạng xã hội an toàn, phòng chống tai nạn hỏa hoạn và điện giật... các bạn học sinh được cô Thảo và các chuyên gia hướng dẫn để có những cách nhìn nhận đúng nhất. Từ những điều tiếp thu được, học sinh đã thiết kế thành các sản phẩm video, infographic, brochure, poster tuyên truyền....
Là một giáo viên Địa lý, cô Trịnh Phương Dung (trường THPT Wellspring) rất tâm huyết với dự án “Ứng dụng Nearpod trong Giảng dạy Địa lý”. Nearpod là một website cho phép tăng cường sự tương tác trực tiếp giữa giáo viên và học sinh. Các tiết học Địa lý sử dụng ứng dụng Nearpod giúp học sinh được viết những ý kiến thảo luận của mình với các bạn trong lớp và nhận phản hồi ngay lập tức của giáo viên.
“Áp dụng công nghệ một cách chính xác, hiệu quả sẽ dẫn bạn đi trên một lối đi tắt tiên phong và ngập tràn cảm hứng” - cô Phương Dung chia sẻ.
Cùng với các gian hàng triển lãm ý tưởng giảng dạy và sản phẩm giáo dục do chính học sinh thực hiện, các thầy cô giáo đến tham dự WITEACH 2019 - Ngày hội Giáo viên Sáng tạo còn có cơ hội lắng nghe, trao đổi với những diễn giả nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục.