Ghi nhận thành tựu Học viện Quản lý giáo dục đạt được trong Chương trình ETEP

Thứ năm - 12/05/2022 02:17 274 0
GD&TĐ - Sáng 12/5, Học viện Quản lý giáo dục tổ chức Hội nghị tổng kết Chương trình ETEP (Chương trình Phát triển các trường sư phạm để nâng cao năng lực đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông).
Ghi nhận thành tựu Học viện Quản lý giáo dục đạt được trong Chương trình ETEP

Báo cáo tổng kết các hoạt động Chương trình ETEP của Học viện Quản lý giáo dục, PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện – cho hay: Học viện là đơn vị chịu trách nhiệm bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông (CBQL CSGDPT) cốt cán để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Chương trình bồi dưỡng CBQL CSGDPT cốt cán thuộc khuôn khổ Chương trình ETEP hướng đến khắc phục những hạn chế, bất cập nảy sinh trong quá trình thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông.

Học viện Quản lý giáo dục có cơ hội được tham gia Chương trình ETEP và được giao nhiệm vụ là trường đầu mối trong bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông, với nhiệm vụ chủ trì phát triển chương trình bồi dưỡng, tài liệu, học liệu bồi dưỡng và tổ chức triển khai bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông các cấp học.

Nội dung chương trình bồi dưỡng được xây dựng theo hướng bám sát yêu cầu đạt chuẩn hiệu trưởng phổ thông và cán bộ quản lý Sở, Phòng GD&ĐT, đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời thực hiện nguyên tắc tăng tính thực hành, thực thi chương trình theo cách “cầm tay chỉ việc”.

Chương trình bồi dưỡng hiệu trưởng tập trung vào năng lực quản trị nhà trường, quản trị các hoạt động của nhà trường, hướng tới khắc phục các điểm hạn chế trong lãnh đạo, quản lý của đội ngũ hiệu trưởng trường phổ thông đã được đề cập ở trên. 

“Chương trình bồi dưỡng, tập huấn thực sự bổ ích, hiệu quả và đạt được sự hài lòng của học viên. Đây là cơ hội để các học viên phát huy kết quả thu được trong đợt tập huấn bồi dưỡng này vào thực tiễn công việc” – PGT.TS Trần Hữu Hoan nhấn mạnh, đồng thời cho hay: Học viện sẽ trao đổi, làm việc với một số Sở GD&ĐT để kiểm chứng tính hiệu quả mà các cán bộ quản lý cốt cán đã đóng góp cho các cơ sở giáo dục địa phương.

Ghi nhận thành tựu Học viện Quản lý giáo dục đạt được trong Chương trình ETEP - Ảnh minh hoạ 2
GS.TS Phạm Quang Trung - Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục

Phát biểu tại hội nghị, GS.TS Phạm Quang Trung – Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục khẳng định, nhìn từ góc độ đào tạo, bồi dưỡng, đây là đợt tập huấn mang tầm quốc gia và đặc biệt. Điều đó được thể hiện trong hình thức, phương pháp tổ chức và nội dung, học liệu, hình thức, phương pháp triển khai nội dung tập huấn, bồi dưỡng.

Trên cơ sở đó, đội ngũ học viên đã tiếp thu, lĩnh hội được nhiều điều bổ ích để vận dụng, triển khai vào thực tiễn của nhà trường. “Không gì khó khăn bằng việc bồi dưỡng để thay đổi nhận thức của con người, nhưng Chương trình ETEP đã làm được việc này” - GS.TS Phạm Quang Trung nhìn nhận.

Theo Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục, Học viện được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ bồi dưỡng 4.000 CBQL CSGDPT cốt cán theo Chương trình ETEP. Với số lượng học viên đông, số lượt bồi dưỡng, tập huấn “khổng lồ”, nên Học viện cũng gặp một số những khó khăn nhất định.

Tuy nhiên, vượt lên tất cả, các khoá tập huấn, bồi dưỡng đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Điều này được thể hiện thông qua tỷ lệ mức độ hài lòng của học viên lên 99%. Đây là con số biết nói và hiếm thấy ở các chương trình tập huấn, bồi dưỡng nào đạt được.

Đặc biệt, không chỉ học viên được tập huấn, bồi dưỡng mà cán bộ, giảng viên cũng lĩnh hội được nhiều kiến thức mới, hiểu hơn về mục tiêu, nội dung, yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018; từ đó góp phần hỗ trợ các trường phổ thông thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Được tham gia các khoá tập huấn, bồi dưỡng do Học viện Quản lý giáo dục tổ chức, thầy Đỗ Hồng Duy - Hiệu trưởng Trường Tiểu học thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng, Nam Định) bày tỏ, nội dung bồi dưỡng phong phú, có nhiều điểm mới, bài bản, cụ thể, rõ ràng, đáp ứng nhu cầu của cán bộ quản lý.

Thông qua tập huấn, bồi dưỡng đã tạo nên một cộng đồng kết nối, học tập sâu rộng, hiệu quả giữa các CBQL cốt cán với nhau, CBQL cốt cán với giảng viên quản lý giáo dục chủ chốt và giữa CBQL cốt cán với CBQL đại trà; giữa giáo viên tỉnh này với tỉnh khác.

Ghi nhận thành tựu Học viện Quản lý giáo dục đạt được trong Chương trình ETEP - Ảnh minh hoạ 3
PGS.TS Trần Hữu Hoan – Phó Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục báo cáo tại hội nghị

“Với vai trò trách nhiệm là cán bộ quản lý cốt cán; tôi nhận thấy phải luôn luôn tự học, tự bồi dưỡng để phát triển chuyên môn. Hoạt động bồi dưỡng giúp chúng tôi tự đánh giá được năng lực hiện tại của mình đang ở mức nào và cần phải cố gắng, trau dồi kiến thức chuyên môn như thế nào để đạt mức cao hơn. Đồng thời hỗ trợ các đồng nghiệp được tốt hơn” - thầy Đỗ Hồng Duy nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Ngọc Dũng – Giám đốc Chương trình ETEP ghi nhận, Học viện Quản lý giáo dục là một trong các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục hàng đầu của cả nước và được phân công chủ trì hoạt động bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông trong toàn quốc trong sự phối hợp với 7 trường đại học sư phạm trọng điểm để bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán và đại trà trong khuôn khổ Chương trình ETEP.

Ghi nhận thành tựu Học viện Quản lý giáo dục đạt được trong Chương trình ETEP - Ảnh minh hoạ 4
Một lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý cơ sở giáo dục phổ thông cốt cán được tổ chức ở TP Đà Nẵng năm 2020.

Học viện đã bồi dưỡng được gần 4.000 CBQL CSGDPT cốt cán và đã hoàn thành 6 mô-đun, đạt 107%. Ban quản lý đánh giá cao chất lượng bồi dưỡng đội ngũ cốt cán do Học viện tổ chức, đội ngũ cốt cán đã trở thành lực lượng vô cùng quan trọng trong hỗ trợ, tác động mạnh mẽ và sâu sắc đến sự phát triển năng lực lãnh đạo và quản trị trường học cho đội ngũ CBQL CSGDPT đại trà triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 của 63 tỉnh/thành phố trong toàn quốc.

Ngoài ra, Học viện đã tổ chức hỗ trợ 63 tỉnh/thành phố trong toàn quốc bồi dưỡng trên 31.600 CBQL CSGDPT hoàn thành 5 mô-đun bồi dưỡng. Kết quả này đã có tác động ảnh hưởng rất tích cực đến các CBQL CSGDPT ở các địa phương trong triển khai thực hiện Chương trình GDPT 2018 theo chỉ đạo của ngành giáo dục đại học.

Theo PGS.TS Trần Hữu Hoan, thực hiện chức năng của trường đầu mối trong bồi dưỡng CBQL CSGDPT, từ năm 2019 đến nay, Học viện đã phối hợp với 7 trường sư phạm tham gia Chương trình ETEP, triển khai bồi dưỡng cho 4.000 CBQL CSGDPT cốt cán; trong đó có khoảng hơn 2.100 hiệu trưởng bậc tiểu học và gần 2.000 hiệu trưởng THCS và THPT. Đây là hướng đi đúng, tạo sự lan tỏa mạnh, hiệu quả để triển khai bồi dưỡng cho khoảng 76.000 cán bộ quản lý trường phổ thông còn lại.

Tác giả bài viết: Minh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập339
  • Hôm nay24,471
  • Tháng hiện tại302,601
  • Tổng lượt truy cập51,658,560
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944