Khát khao trải nghiệm
Ở Đồng Tháp, thầy Tô Ngọc Sơn được biết nhiều trong giáo giới bởi chuyên môn giỏi. Thầy từng là giáo viên dạy giỏi cấp quốc gia năm 2012, hơn 11 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở, 3 lần đạt danh hiệu chiến sĩ thi đau cấp tỉnh, hơn 5 lần đón nhận bằng khen các cấp (UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Liên đoàn Lao Động Việt Nam, Chính phủ). Năm 2017, thầy được đón nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Thầy Tô Ngọc Sơn cũng từng bồi dưỡng học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi từ cấp huyện, tỉnh đến trung ương trong nhiều lĩnh vực: Thi kiến thức, thi đố em, đố vui, các phòng trào học đường do địa phương, các Bộ, các ngành; tham gia giúp đỡ, bồi dưỡng đồng nghiệp…
Trước khi sang Lào, thầy Sơn đã từng giảng dạy tại Trường Tiểu học Chu Văn An (Cao Lãnh, Đồng Tháp); sau đó là chuyên viên của phòng Giáo dục và Đào tạo, sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp.
“Tại sao đã gặt hái được nhiều thành công, công việc đang rất tốt, thầy lại tình nguyện tham gia chương trình giảng dạy Tiếng Việt tại Lào do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức?”. Câu trả lời của thầy Tô Ngọc Sơn cho câu hỏi này là khát khao được khám phá bản thân, khát khao được trải nghiệm để mở rộng tầm nhìn và hoàn thiện mình hơn.
Tất nhiên, con đường này ngay từ đầu đã nhiều khó khăn. Trong đó, trở ngại lớn nhất của thầy Sơn là gia đình phản đối. Thật khó lý giải cho việc từ bỏ một công việc tốt, cuộc sống gia đình ổn định để chọn con đường vất vả hơn và thay đổi toàn bộ cuộc sống, xa gia đình, con cái. Nhiều phụ huynh, bạn bè của thầy cũng phản đối rất mạnh mẽ về quyết định này.
Thuyết phục gia đình, ngày 1/11/2021, thầy Sơn và 26 giáo viên Việt Nam có mặt tại đất Lào, chính thức dấn thân vào cuộc hành trình gieo chữ Việt trên đất bạn.
Khó khăn trên đất bạn Lào
Đặt chân lên đất bạn, thầy Tô Ngọc Sơn và 26 đồng nghiệp bắt đầu phải đối mặt với những khó khăn chưa từng được trải nghiệm trong đời.
Thầy kể lại: Ngày đầu tiên đặt chân đến vùng đất này, tôi đã bật khóc trước vẻ vắng lặng lạ thường khi phải ngủ một mình trên ngọn đồi xung quanh không một bóng người. Lúc đó trường đang thực hiện dạy online nên cả sinh viên và thầy cô không ai đến trường.
Chúng tôi cũng đối mặt với thời tiết bất thường, khắc nghiệt. Cái lạnh một số vùng có khi lên đến âm độ C. Anh em phải chia sẻ kinh nghiệm, tự mình sưởi ấm để vượt qua cái rét khắc nghiệt trái mùa của xứ sở Hủa Phăn, hay vùng đất cao cố đô Luông Pha Bang.
Cùng với đó là khó khăn bởi khác biệt ngôn ngữ. Những anh em mới đặt chân đến Lào chỉ bập bẹ đánh vần từng chữ cái của tiếng Lào. Phải làm sao đây? Nói như thế nào? Dạy ra làm sao để người học hiểu, đọc và nói được tiếng Việt?,…
Chưa hết, đối diện với vật giá đắt đỏ hơn nhiều so với chi tiêu thường nhật tại quê hương, thầy Sơn và đồng nghiệp phải hết sức cân nhắc, tiết kiệm chi tiêu mới may ra đủ trang trải.
Để vượt qua lo âu, khó khăn, mặc dù mỗi người một nơi, nhưng thông qua các mạng xã hội (zalo, WhatsApp, faecbook), 27 thầy cô nhận nhiệm vụ trên đất Lào nhiệm kỳ 2021-2023 luôn sát cánh, chia sẻ, động viên nhau để thực hiện tốt nhiệm vụ mà ngành Giáo dục giao phó.
Một số thầy cô được giảng dạy ở trường phổ thông gồm đủ các cấp học: Tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông. Một số thầy cô giảng dạy cho cán bộ công chức tỉnh tại các trung tâm Tiếng Việt, trường đại học, trường dân tộc nội trú gồm nhiều cấp học.
Tất cả các công việc mà đoàn giáo viên tiếp nhận đều hoàn toàn mới lạ. Nội dung giảng dạy, phong cách dạy, phương pháp dạy hoàn toàn thay đổi theo chiều hướng mới. Không có chương trình giảng dạy cụ thể, không có hướng dẫn giảng dạy hay kế hoạch dạy học như đã từng thực hiện trong nước trước đây. Mọi công việc có phần xa lạ, bỡ ngỡ như những ngày mới bước vào nghề dạy học.
Đất nước Lào có nhiều dân tộc và do ảnh hưởng khí hậu, thời tiết, thổ nhưỡng khác nhau nên mỗi nơi có cách sống, cách phát âm, cách nói khác nhau cùng với sự phân bố dân cư không đồng đều nên một số thầy cô phải tiếp cận với số lượng học sinh quá lớn. Nhiều thầy cô đến những vùng trọng điểm có khi phải giảng dạy cả ngày, cả tuần lên hơn 30 tiết.
Khó khăn qua đi, niềm vui ở lại
Nhưng, thầy Sơn cho biết, những lo lắng, khó khăn thời gian đầu nhanh chóng qua đi, bởi thầy cô luôn những người Lào giỏi tiếng Việt sát cánh, đồng hành. Mỗi giáo viên được Cục hợp tác tại Lào giao nhiệm vụ rất phù hợp với trình độ, năng lực và sở trường của từng người. Học sinh, học viên Lào đều tích cực hăng say học Tiếng Việt. Anh em bạn Lào ai nấy đều hiền hoà, thân thiện, lo lắng, động viên và tạo đều kiện tốt nhất để thầy cô an tâm công tác.
Qua những ngày tháng đầu nghiên cứu, mọi người đều nắm bắt được chương trình, thiết kế chương trình giảng dạy cho phù hợp với thời gian đang thực hiện, đồng thời sắp xếp nội dung giảng dạy hợp lý để đạt mục tiêu chung: Người học hiểu biết nghe và nói được Tiếng Việt một cách nhanh nhất đạt được mục tiêu chương trình đã đề ra.
Được tiếp nhận công việc giảng dạy tiếng Việt tại trường Đại học Champasak, do sinh viên tham gia ngành học ít nên công việc của thầy Tô Ngọc Sơn có phần rảnh rỗi hơn các đồng nghiệp ở những tỉnh khác.
Để bù đắp thời gian rảnh này, thầy Sơn nhận thêm nhiệm vụ mới hỗ trợ nhà trường, trợ giúp thầy cô biên soạn khung chương trình giảng dạy, giáo trình các môn học.
Mặc dù công việc có phần khá lớn, khá nặng, nhưng nhờ thời gian công tác tại Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Tháp được trải nghiệm việc nghiên cứu, thiết lập chương trình và tham gia biên soạn sách giáo khoa lịch sử địa phương, nên thầy Sơn đã mạnh dạn đảm nhận.
Đã ngót 6 tháng thực thi nhiệm vụ, các thầy cô giáo Việt Nam nhận nhiệm vụ trên đất bạn Lào đã quen với công việc và làm việc hăng say, nhiệt huyết.
Thầy Sơn và những thầy cô gieo chữ trên đất Lào rất mong muốn được các bộ ngành, các cấp quan tâm nhiều hơn nữa, tạo điều kiện tốt hơn nữa về vật chất, tinh thần. Đồng thời, Chính phủ cần nhanh chóng thực thi chính sách ưu đãi (tăng tiền lương như dự án đã đề ra) cho những thầy cô xông pha gieo chữ Việt trên những vùng đất mới.