Không còn “vùi đầu” vào hồ sơ, sổ sách
Là giáo viên chủ nhiệm lớp 4A6 - Trường Tiểu học Lê Văn Tám (TP Lào Cai), cô Lê Thị Mùi cho biết: So với trước đây, giáo viên đã giảm được 30% các loại hồ sơ, sổ sách. Không chỉ số lượng đầu sổ sách giảm mà các thao tác trên sổ sách cũng được cắt giảm đi rất nhiều và giáo viên có thể ứng dụng công nghệ thông tin để thực hiện các phần việc hành chính của mình.
“Trước đây, cứ đến giờ ra chơi, chúng tôi phải tranh thủ “vùi đầu” vào làm hồ sơ, sổ sách trên lớp. Làm không hết, thì ôm về nhà hoàn thiện nốt. Công việc này chiếm khá nhiều thời gian, làm ảnh hưởng đến quá trình soạn giáo án hoặc nghiên cứu bài dạy của mình. Nay mọi thứ đã được giải phóng và đơn giản hóa rất nhiều; thậm chí được rút gọn hoặc xóa bỏ nên chúng tôi có thời gian để đầu tư cho bài giảng hơn” - cô Mùi bộc bạch.
Theo cô Mùi, việc cắt, giảm hồ sơ, sổ sách đã giúp giáo viên có thời gian quan tâm đến học sinh nhiều hơn. Buổi tối về nhà các thầy cô có thời gian nghiên cứu tài liệu, kiến thức liên quan đến bài dạy, hoặc có thời gian để sưu tầm, làm đồ dùng dạy học, giúp bài giảng trở nên sinh động và hấp dẫn hơn.
Liên quan đến nội dung này, cô Nguyễn Thị Thu Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lê Văn Tám nhận xét, Chỉ thị 138/CT- BGDĐT đã “chạm” vào một vấn đề bất cập, tồn tại trong suốt nhiều năm qua và đã “cởi trói” cho giáo viên rất nhiều về công việc “không tên”.
Cô Hương dẫn giải: Trước đây, giáo viên phải có riêng một quyển sổ để ghi chép các cuộc họp, sổ bồi dưỡng chuyên môn... thì nay, những quyển sổ này có thể tích hợp với nhau, thậm chí giáo viên có thể sử dụng máy tính để lưu trữ. Hay như việc giáo viên phải soạn giáo án cũng vậy. Trước đây, họ phải soạn chi tiết và phải viết tay, thì nay công việc này không bắt buộc phải tỉ mỉ đến từng chi tiết.
Ảnh minh họa |
Giảm áp lực cho giáo viên
Bà Trần Thị Thùy Dung - Phó Trưởng phòng GD&ĐT TP Lào Cai cho biết: Ngay sau khi có Chỉ thị 138/CT- BGDĐT, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai đã có công văn về việc hướng dẫn giáo viên sử dụng hồ sơ, sổ sách. Cùng với đó, Phòng GD&ĐT TP Lào Cai cũng có văn bản hướng dẫn về việc này. “Chúng tôi cũng đã tổ chức tập huấn, quán triệt đến lãnh đạo các nhà trường. Theo đó, chúng tôi yêu cầu các trường tuyệt đối không được để phát sinh thêm các loại hồ sơ, sổ sách, các công việc hành chính ngoài quy định cho giáo viên; đồng thời tạo điều kiện để giáo viên phát huy sở trường, năng lực và tập trung vào công tác giảng dạy” - bà Dung cho hay.
Chỉ thị 138/CT- BGDĐT đã giúp giáo viên giải tỏa áp lực vì đã được cắt giảm những việc “không tên” để tập trung cho giảng dạy. Vấn đề còn lại là các địa phương, trường học thực thi và áp dụng như thế nào, có triển khai triệt để hay không. Đây cũng được coi là bước chuẩn bị cần thiết để các trường triển khai, áp dụng chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới.
Cũng theo bà Trần Thị Thùy Dung, qua dự giờ theo dõi và nắm bắt ban đầu cho thấy, giáo viên hồ hởi đón nhận Chỉ thị 138/CT- BGDĐT và chuyên tâm vào bài giảng hơn.
Các tiết dạy có sự đầu tư và chú trọng đổi mới phương pháp dạy học hơn. Có thể nói, bước đầu đã có tín hiệu tích cực, tạo được hiệu ứng tốt trong các trường học nói chung và đội ngũ giáo viên nói riêng. “Hy vọng, với những gì ngành Giáo dục đã và đang làm sẽ tiếp thêm động lực và niềm tin để các giáo viên cống hiến hết mình cho sự nghiệp GD-ĐT” - bà Dung nhấn mạnh.