Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Xây dựng hình mẫu từ giáo viên

Chủ nhật - 20/02/2022 19:40 240 0
GD&TĐ - Theo các giáo viên và chuyên gia tâm lý, việc thành lập phòng tâm lý học đường trong các trường học phổ thông là rất cần thiết. Điều này rất tốt cho việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh.
Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Xây dựng hình mẫu từ giáo viên

Cần thiết thành lập phòng tư vấn học đường

ThS Mai Thanh Huyền – giáo viên Trường THCS Ngô Sĩ Liên (Hoàn Kiếm, Hà Nội) – nhìn nhận: Xã hội ngày càng phát triển, nhu cầu chia sẻ của học sinh cũng nhiều lên. Tuổi học trò là lứa tuổi còn non nớt trong tất cả cách xử lý tình huống, các con có hàng ngàn câu hỏi liên quan đến gia đình, bạn bè, xã hội, học tập, các mối quan hệ và cả tâm sinh lý của bản thân.

Phòng tư vấn học đường sẽ giúp học sinh gỡ rối, từ đó phát hiện ra các ca đặc biệt có tính chất đặc thù, để can thiệp kịp thời và tránh những điều đáng tiếc có thể xảy ra. Ngoài ra, phòng tư vấn tâm lý sẽ là cầu nối để học sinh được nói lên tâm tư, nguyện vọng với nhà trường, thầy cô, bạn bè và gia đình. Vì thế, việc thành lập phòng tâm lý học đường trong các trường học phổ thông là rất cần thiết.

TS Hoàng Trung Học – Trưởng khoa Tâm lý Giáo dục, Học viện Quản lý Giáo dục – cho rằng, phòng tâm lý học đường là bộ phận cấu thành ở môi trường giáo dục tiên tiến. Bằng các biện pháp tâm lý giáo dục, các chuyên gia tâm lý học đường hỗ trợ các thầy cô, ban giám hiệu, cha mẹ học sinh và các lực lượng xã hội khác, hoặc trực tiếp thực hiện các hoạt động phòng ngừa, can thiệp sớm và can thiệp chuyên sâu, giải quyết những vấn đề tâm lý cho học sinh, giúp các em học tập hiệu quả trong trường học hạnh phúc.

Về mặt pháp lý, Thông tư 31 của Bộ GD&ĐT đã quy định về vai trò chức năng, cách thức triển khai của phòng tham vấn học đường trong các nhà trường. Hiện tại, các thầy, cô đang kiêm nhiệm thực hiện chức năng của chuyên gia tâm lý học. Đây là công việc hữu ích nhưng rất khó khăn. Do đó, các thầy, cô cần được bồi dưỡng về nghiệp vụ tâm lý học đường để thực hiện có hiệu quả.

Theo thầy Đỗ Văn Giảng - cán bộ phụ trách phòng Tâm lý học đường, Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), người đóng vai trò quan trọng nhất đối với học sinh là giáo viên chủ nhiệm chứ không phải nhà tâm lý. Họ như một “hiệu trưởng con” tổ chức học tập, các hoạt động ngoại khóa và nắm bắt được đặc điểm từng học sinh. Chính vì vậy, giáo viên chủ nhiệm chính là người quan trọng nhất đối với các em!

Đã là nhà tư vấn, trước hết mọi quan hệ tiếp xúc với học sinh phải thân thiện. Dù học sinh đó trước đây được đánh giá là hư, hỗn, nhưng nhà tư vấn cũng đừng bị chi phối cảm xúc theo hướng đó. Không nên nhìn hành vi của học sinh theo cách của người khác, phải nhẹ nhàng tiếp xúc gần gũi với các em để các em chia sẻ với mình.

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Xây dựng hình mẫu từ giáo viên - Ảnh minh hoạ 2
Người đóng vai trò quan trọng nhất đối với học sinh là giáo viên chủ nhiệm. Ảnh minh họa/internet

“Kinh nghiệm của tôi, đừng bao giờ hỏi thẳng vào vấn đề khi em đó mắc lỗi, thay vào đó hãy trò chuyện. Mọi hành vi rối nhiễu của các em đều có căn nguyên, do xã hội bên ngoài hoặc do cha mẹ, thậm chí là quan hệ thầy cô.

Thường thì người lớn luôn cho rằng mình đúng, vậy thì rất khó để tiếp cận học sinh. Khi các em tiếp cận tốt thì mình đã thành công 50% rồi, còn nếu vội kết luận theo hướng đánh giá của xã hội thì không bao giờ giải quyết được vấn đề vì các em không chia sẻ gì với mình” – thầy Giảng nói.

Thầy cô là những cây nhân cách...

Theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga  - Viện Tâm lý học (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), nhà trường có thể xây dựng các nội dung giáo dục lối sống cho học sinh dựa trên các hiện tượng nổi cộm trong xã hội, các hành vi lệch chuẩn xuất hiện trong đời sống học đường.

Một nguyên lý mà nhà giáo dục nào cũng cần hiểu đó là: “Chúng ta chỉ có thể cho người khác cái mà chúng ta có”. Trong giáo dục đạo đức, lối sống cũng vậy, chỉ khi nào các thầy cô là những cây nhân cách, là những bậc thầy hiền trí chúng ta mới có thể trao truyền cho thế hệ học trò những phẩm chất đạo đức tốt đẹp được.

Giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh: Xây dựng hình mẫu từ giáo viên - Ảnh minh hoạ 3
Học sinh trường PTDT Nội trú THCS Tương Dương. Ảnh tư liệu

“Vì vậy, tôi đề cao vấn đề xây dựng hình mẫu từ chính đội ngũ giáo viên và nhân viên trong nhà trường” - TS Nguyễn Thị Thanh Nga nêu quan điểm, đồng thời nhấn mạnh: “Tam bảo” để giáo dục đạo đức lối sống cho học sinh gồm: Người thầy hiền trí, bạn tốt và tủ sách hay. Thầy cần là người thầy đủ năng lực và phẩm chất nhân cách.

Trong nhà trường bắt buộc phải xây dựng bằng được thư viện, và không thể thiếu những cuốn sách hay về các vĩ nhân. Nên xây dựng văn hóa đọc, hướng dẫn cách chọn sách và cách đọc sách cho học sinh.

Vì tự học vẫn là một kỹ năng quan trọng nhất trong quá trình phát triển nhân cách của mỗi người. Giáo dục đạo đức, lối sống cũng có thể thông qua các nhóm bạn. Vì với học sinh, quan hệ bạn bè yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến nhân cách của các em.

Ngoài ra, cần có sự gắn kết các lực lượng giáo dục trong việc giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh. Cần thay đổi hình thức họp phụ huynh theo hướng thiết thực nhất như: tổ chức nhiều buổi “Parenting” trong đó tập trung trao đổi, chia sẻ về phương pháp giáo dục để nhà trường, gia đình hiểu nhau hơn, phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác giáo dục con trẻ.

Cũng theo TS Nguyễn Thị Thanh Nga, hoạt động giáo dục ngoại khóa là một trong những nội dung quan trọng trong việc giáo dục phát triển toàn diện cho học sinh. Riêng theo ghi nhận từ con tôi và những học sinh, sinh viên mà tôi biết, các em rất hào hứng với những giờ ngoại khóa.

Khi tham gia các hoạt động này, các em được xả căng thẳng sau các giờ ngồi bó hẹp trong không gian lớp học. Nếu chúng ta tổ chức tốt, hoạt động này giúp cho người học phát huy được nhiều kỹ năng, năng lực và chính là hoạt động củng cố, mở rộng các kiến thức trên lớp.

Tác giả bài viết: Minh Phong

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1350 | lượt tải:293

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1046 | lượt tải:272

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2347 | lượt tải:370

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2889 | lượt tải:471

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2212 | lượt tải:317
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập183
  • Hôm nay4,380
  • Tháng hiện tại30,530
  • Tổng lượt truy cập49,736,295
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944