Các trường học không chỉ là nơi truyền đạt kiến thức mà còn là nơi hình thành những giá trị nhân văn và đạo đức. Xác định được vai trò đó, những năm qua, ngành GD&ĐT tỉnh đã không ngừng nỗ lực đổi mới góp phần xây dựng con người Yên Bái thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo và hội nhập.
Mục tiêu xây dựng con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, toàn ngành đã triển khai hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nhằm nâng cao trí lực, bồi dưỡng tri thức; phát triển toàn diện “đức, trí, thể, mỹ” gắn với bồi đắp tinh thần yêu nước.
Yên Bái hiện có 466 cơ sở giáo dục, có 326 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia, chiếm 73,8%. Chất lượng giáo dục đã có những chuyển biến tích cực, đặc biệt là giáo dục mũi nhọn. Hình thức dạy học được đổi mới và mở rộng ra bên ngoài lớp học; chú trọng dạy theo chuyên đề, tích hợp, giáo dục STEM, mô hình lớp học không biên giới, hoạt động trải nghiệm sáng tạo, nghiên cứu khoa học kỹ thuật…
Một trong những giải pháp mà ngành GD&ĐT Yên Bái đưa ra nhằm thực hiện mục tiêu xây dựng con người Yên Bái là nâng cao chất lượng giáo viên đã được đặt lên hàng đầu. Các giáo viên được đào tạo và có kiến thức sâu rộng giúp học sinh phát triển tư duy sáng tạo và kỹ năng sống cần thiết.
Việc xây dựng trường học hạnh phúc tại Yên Bái đạt hiệu quả cao. |
Bên cạnh đó, chú trọng đến việc xây dựng môi trường học tập khuyến khích sự sáng tạo và hội nhập. Trường học được trang bị các phòng học hiện đại, thư viện đa phương tiện và các phòng thí nghiệm. Ngoài ra, việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa, hội thảo và trao đổi với các trường học khác cũng giúp học sinh Yên Bái có cơ hội giao lưu với bạn bè trong và ngoài tỉnh, từ đó mở rộng tầm nhìn và có điều kiện được học hỏi.
Ngành cũng đặc biệt quan tâm đến việc truyền đạt giá trị nhân ái và đoàn kết cho học sinh. Các chương trình giáo dục xã hội giúp học sinh hiểu về vai trò và trách nhiệm của mình trong xã hội. Các hoạt động tình nguyện và từ thiện cũng được tổ chức thường xuyên, khuyến khích học sinh thể hiện lòng nhân ái và giúp đỡ những người khó khăn trong cộng đồng.
Nội dung giáo dục địa phương được đưa vào giảng dạy trong các cơ sở giáo dục từ cấp tiểu học đến trung học (từ lớp 1 đến lớp 11); lồng ghép hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái vào các hoạt động sinh hoạt và hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm.
Các nhà trường đã phối hợp với nhau theo cụm hoặc phối hợp với Bảo tàng, thư viện tỉnh, các địa danh, thắng cảnh trong tỉnh để triển khai cho học sinh trực tiếp tham quan, trải nghiệm. Nhiều đơn vị tổ chức tham quan, trải nghiệm theo hình thức trực tuyến; lồng ghép hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa các dân tộc tỉnh Yên Bái vào các hoạt động sinh hoạt và hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm gắn với sự kiện về di tích lịch sử và các ngày lễ lớn trong năm.
Nhiều đơn vị đã xây dựng mô hình trường học gắn với thực tiễn như trường học gắn với du lịch, trường học bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể; phát huy vai trò của nhà trường trong xây dựng môi trường văn hóa, con người…
Phong trào xây dựng trường học hạnh phúc tại Yên Bái được triển khai sâu rộng đến 100% các cơ sở giáo dục, tạo sự chuyển biến căn bản trong nhận thức, hành động của đội ngũ cán bộ, nhà giáo, học sinh.
Hướng tới xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện, tích cực; phát động thi đua xây dựng trường học văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh, lịch sự trong cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, học sinh; bổ sung 5 chuẩn mực về con người Yên Bái “Thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập” trong bộ quy tắc ứng xử của mỗi nhà trường…
Tác giả bài viết: Long Anh - Đức Hạnh
Ý kiến bạn đọc