Những ngày này, em Nguyễn Thế Hùng, Trường THPT Đông Tiền Hải đang dồn sức ôn tập và luyện đề theo cấu trúc đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Sau khi xác định được nội dung cần ôn tập, các thầy cô chủ động đưa ra cho em kế hoạch ôn tập hiệu quả, vừa học lý thuyết để bổ sung kiến thức cơ bản, vừa luyện các dạng đề nâng cao để em đạt kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới”, Hùng nói.
Với phương châm “học đến đâu ôn chắc đến đấy”, nhà trường cũng đã phân lớp theo từng đối tượng học sinh, xây dựng các lộ trình ôn tập khác nhau. Đồng thời rèn cho các em kỹ năng, giúp các em nhìn nhận đúng khả năng của mình để có những thay đổi kịp thời, phù hợp cho kỳ thi.
Thầy giáo Thái Kiên Trung, Hiệu trưởng Trường THPT Đông Tiền Hải cho biết, nhà trường phân loại học sinh để các em có cơ hội học nâng cao sẽ đầu tư.
Các em có định hướng đi làm nhà trường kết hợp với các trường cao đẳng, trường trung cấp nghề định hướng cho các em. Học sinh chọn trường tốp đầu sẽ được chú trọng ôn tập nâng cao hơn để phù hợp với định hướng.
Bên cạnh sự hỗ trợ của giáo viên, hơn bao giờ hết đòi hỏi sự nỗ lực, cố gắng rất nhiều từ học sinh. Các em cần chủ động ôn tập, tham khảo đề thi những năm trước, luyện nhiều đề thi tham khảo của năm nay để tích lũy kinh nghiệm, kỹ năng làm bài và kiểm soát tốt về thời gian.
Tại Trường THPT Trần Thị Dung năm học này có 361 học sinh lớp 12. Ngay từ đầu năm học, cùng với việc khảo sát chất lượng học sinh, nhà trường thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa về định hướng, phân luồng sau tốt nghiệp THPT để các em có sự lựa chọn đúng đắn về ngành, nghề sau này.
Thầy giáo Vũ Xuân Trại, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Thị Dung cho biết, nhà trường đã phân hóa học sinh theo năng lực và khối thi các em đăng ký.
Phân công giáo viên kinh nghiệm, nhiều năm tham gia ôn thi tốt nghiệp THPT và có kế hoạch ôn tập cho phù hợp.
Sau khi phân loại học sinh theo năng lực, nguyện vọng, nhà trường yêu cầu giáo viên ôn tập chắc kiến thức nền cho học sinh, để các em bảo đảm mức độ nhận biết, từ đó nâng cao, tăng cường kiến thức chuyên sâu cho các em dự định dùng kết quả thi tốt nghiệp xét tuyển vào các trường đại học, học viện.
Năm 2024 là năm chuẩn bị chuyển sang giai đoạn mới nên trong đề thi tốt nghiệp THPT tăng cường một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn.
Qua đó từng bước tiệm cận với định hướng đánh giá năng lực, phù hợp mục tiêu, yêu cầu phát triển năng lực phẩm chất người học của Chương trình GDPT 2018.
Theo chia sẻ của các thầy cô giáo, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay cơ bản giữ ổn định cấu trúc định dạng đề thi như năm 2023, kiến thức trọng tâm vẫn nằm trong chương trình giáo dục THPT.
Tuy nhiên, đề thi còn yêu cầu vận dụng thực tiễn ở một số môn và tăng dần độ phân hóa để đạt các mục tiêu đề ra.
Các trường THPT ở Thái Bình có nhiều giải pháp ôn tập cho các em. |
Để đáp ứng Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, giáo viên bộ môn chủ động tổng hợp kiến thức nền tảng, giúp học sinh rà soát kiến thức còn thiếu sót để kịp thời bổ sung.
Bên cạnh kiến thức cơ bản, với những em định hướng thi các khối ngành khoa học tự nhiên, giáo viên sẽ lồng ghép các bài học gắn với thực tế để các em vừa vận dụng kiến thức, đồng thời rèn luyện kỹ năng, tích lũy thêm kinh nghiệm.
Đối với các em có định hướng thi khối ngành khoa học xã hội đòi hỏi nhiều kiến thức vận dụng thực tế. Bên cạnh kiến thức mà thầy cô đã truyền đạt trên lớp, học sinh cần theo dõi tình hình thời sự bằng việc xem sách, báo, theo dõi thông tin qua tivi...
Từ những thông tin xem, quan sát được, các em trình bày vào bài viết của mình sao cho sinh động, phong phú nhất để có thể đạt điểm cao.
Trong hành trình ôn thi, bên cạnh hỗ trợ giảng dạy, ôn tập đắc lực từ giáo viên, học sinh cần nắm vững kiến thức trong sách giáo khoa, luyện tập nhiều dạng bài với cùng một đơn vị kiến thức, bài học.
Ngoài ra, học sinh phải hiểu rõ cấu trúc đề thi; làm bài tập, bài kiểm tra theo các đề minh họa và thực hành làm bài thi dưới áp lực thời gian theo quy định.
Bà Trần Thị Bích Vân, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thái Bình cho biết, Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng của Chương trình GDPT 2006, do đó đề thi có một số nội dung liên quan đến vận dụng thực tiễn.
Với định hướng trên, bên cạnh hoàn thành chương trình, hiện nay các nhà trường đã chỉ đạo các tổ chuyên môn, nhóm bộ môn phân tích đề thi và xây dựng kế hoạch chi tiết. Dựa vào kết quả các đợt kiểm tra, khảo sát và thi thử để phân hóa học sinh.
Đặc biệt, các trường cũng thường xuyên thông tin định kỳ, thường xuyên trao đổi với cha mẹ học sinh về kết quả học tập, ôn tập, từ đó làm tốt công tác phối hợp với cha mẹ học sinh trong cả giai đoạn ôn thi.
Đồng thời, nhắc nhở các em phân bổ thời gian ôn hợp lý, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để đảm bảo sức khoẻ, sẵn sàng bước vào kỳ thi với tâm thế vững vàng nhất. - bà Trần Thị Bích Vân.
Tác giả bài viết: Mai Chiên
Ý kiến bạn đọc