Môi trường giáo dục mầm non được ví như hạt giống đầu đời, gieo vào tâm hồn trẻ những mầm xanh tươi tốt. Việc xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm không chỉ đơn thuần tạo ra không gian vui chơi, học tập mà còn là quá trình nuôi dưỡng, phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tình cảm và xã hội cho trẻ.
Nhấn mạnh tới yếu tố đổi mới trong tổ chức các hoạt động giáo dục trải nghiệm cho trẻ, cô Nguyễn Thị Hà - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Sở (Hoài Đức, Hà Nội) cho rằng, nhà trường chỉ đạo từng nhóm lớp xây dựng kế hoạch giáo dục cũng như hệ thống các hoạt động trải nghiệm cho trẻ đảm bảo từ dễ đến khó; làm đồ dùng đồ chơi và tạo dựng môi trường cho trẻ hoạt động.
Lựa chọn đề tài hoạt động giáo dục theo hướng trải nghiệm cho trẻ cần thực hiện dựa vào Chương trình Giáo dục mầm non, tính đến các hiện tượng tự nhiên, sự kiện xã hội diễn ra xung quanh trẻ. Nhà trường đã tổ chức cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng về phương pháp giáo dục STEAM, Montessori của chuyên gia nước ngoài do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức.
Nhà trường tận dụng không gian còn trống tại các sảnh, xây dựng thêm góc cho trẻ hoạt động tạo hình theo phương pháp Reggio với nhiều loại nguyên liệu từ thiên nhiên như: Mẫu gỗ, lá cây, sỏi. Ở không gian ngoài trời, nhà trường sử dụng nguồn vật liệu thiên nhiên, phế thải tận dụng làm các thiết bị vui chơi trải nghiệm như: Cầu thăng bằng, cầu khỉ, thang leo… Trên sân trường vẽ các sơ đồ trò chơi vận động giúp trẻ vừa học vừa chơi mỗi ngày.
Theo cô Nguyễn Thị Đàm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Đội Bình (Ứng Hòa, Hà Nội), để xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, ban giám hiệu nhà trường tăng cường công tác quản lý chỉ đạo thực hiện chuyên đề. Xây dựng các tiết dạy mẫu để giáo viên được trao đổi, học hỏi chuyên môn; tổ chức kiểm tra đánh giá rút kinh nghiệm cho giáo viên và tổng kết chuyên đề.
Tăng cường cho giáo viên tự học tập, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về phương pháp. Căn cứ vào khả năng của trẻ, các cô sẽ xác định mục tiêu giáo dục, lựa chọn nội dung, hoạt động giáo dục phù hợp. Đồng thời, phối hợp với phụ huynh làm đồ dùng dạy học, đồ chơi cho trẻ. Vận động cha mẹ thu gom các nguyên vật liệu có sẵn ở địa phương để các hoạt động trải nghiệm của trẻ được phong phú.
Cô Đàm nhìn nhận, tổ chức hoạt động giáo dục trải nghiệm sẽ giúp trẻ thỏa sức tìm tòi và khám phá; có những bài học thực tiễn, bổ ích và lý thú. Cùng đó, trẻ được thực hành và lĩnh hội kiến thức; tạo niềm say mê tìm hiểu, có cơ hội trải nghiệm dưới nhiều hình thức đa dạng, đáp ứng nhu cầu của trẻ theo phương châm “Học bằng chơi, chơi bằng học”.
Hoạt động trải nghiệm giúp trẻ được đi tham quan dã ngoại, tham gia một số hoạt động giao lưu, trò chơi nhằm nâng cao hiểu biết về môi trường xung quanh, quê hương đất nước và biết thêm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử tại địa phương cũng như một số huyện lân cận. Có không gian học tập thân thiện, trẻ sẽ thêm hứng thú khi tiếp nhận các bài học từ cô giáo.
Đội ngũ giáo viên luôn đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành công của công tác giáo dục ở mỗi nhà trường. Nắm bắt xu thế đó, cô Trương Thị Ngọc Bích - Hiệu trưởng Trường Mầm non 10-10 (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết, với hoạt động trong lớp học, nhà trường ứng dụng các phương pháp giáo dục tiên tiến như Montesori, STEAM cho trẻ hoạt động.
Khi ứng dụng phương pháp giáo dục Montessori, giáo viên trên lớp đã tăng cường hoạt động trải nghiệm với giáo cụ ở các lĩnh vực như: Toán học, thực hành cuộc sống, văn hóa địa lý. Thông qua thực hành trải nghiệm, trẻ có cơ hội học kiến thức, kỹ năng một cách tự nhiên, hiệu quả.
Tổ chức hoạt động giáo dục theo dự án, giúp trẻ cơ hội được trải nghiệm tự đặt câu hỏi, tự hoạt động với đồ vật, đồ chơi, cùng nhau là chia sẻ, thảo luận để cùng làm nên dự án STEAM thú vị như: Làm khinh khí cầu, núi lửa, cần cẩu nâng hàng… Cô giáo thực hiện tốt hoạt động trò chuyện vào mỗi buổi sáng nhằm giúp trẻ được trải nghiệm về ngôn ngữ, sự tự tin và bày tỏ cảm xúc với mọi người.
Dưới góc độ quản lý, cô Nguyễn Thị Minh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Hải Đường (Hải Hậu, Nam Định) khẳng định, môi trường giáo dục mầm non đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nhân cách và phát triển toàn diện cho trẻ. Trong những năm gần đây, xu hướng xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm ngày càng được các trường mầm non quan tâm và áp dụng có hiệu quả.
Với thực tế tại đơn vị, để xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm, nhà trường tập trung vào 4 giải pháp chính gồm: Xây dựng tập thể đoàn kết, tận tụy với nghề, hăng say công việc, tham gia bồi dưỡng và tự học để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ; tạo dựng môi trường trong và ngoài lớp học theo hướng thân thiện; cách thức tổ chức các hoạt động giáo dục linh hoạt; làm tốt công tác phối hợp với cha mẹ học sinh.
Quá trình xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm còn nhiều khó khăn. Một trong những thách thức lớn nhất là thiếu nguồn lực về con người cũng như điều kiện cơ sở vật chất phục vụ dạy và học. Nhiều trường còn thiếu trang thiết bị hiện đại, phòng học chật hẹp, số lượng trẻ/giáo viên lớn. Để giải quyết những vấn đề này cần có sự đầu tư mạnh mẽ hơn từ Nhà nước, cộng đồng và các tổ chức xã hội.
Tác giả bài viết: Đình Tuệ
Ý kiến bạn đọc