Cùng dự có đại diện các Vụ, Cục thuộc Bộ Y tế; Quỹ Thiện Tâm thuộc Tập đoàn Vingroup; Trường Đại học Y Dược; Đại học Thái Nguyên; Đại diện Lãnh đạo Sở Y tế 8 tỉnh Hòa Bình, Lào Cai, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Lai Châu và Bắc Giang; Lãnh đạo các đơn vị Y tế tuyến huyện khó khăn, biên giới các thầy cô hướng dẫn và 30 bác sĩ trẻ.
Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ưu tiên 62 huyện nghèo” (Dự án 585) đã góp phần quan trọng trong việc cung cấp nguồn nhân lực có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao đáp ứng được nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của nhân dân ở các địa phương còn khó khăn.
Dự án tạo cơ hội cho đông đảo người nghèo, người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng ngày một tốt hơn, hạn chế chuyển tuyến điều trị không cần thiết, góp phần giảm quá tải ở các bệnh viện tuyến trên, tránh lãng phí cho người dân, cộng đồng và xã hội. Triển khai tốt Dự án này còn tạo điều kiện để các thầy thuốc trẻ có cơ hội cống hiến sức lực và trí tuệ, phát huy tính xung kích, tình nguyện góp phần xây dựng và phát triển đất nước.
Phát biểu tại buổi lễ, TS.BS. Nguyễn Tri Thức - Thứ trưởng Bộ Y tế bày tỏ niềm vui khi được tham dự lễ khai giảng lớp bác sĩ chuyên khoa cấp I thuộc dự án 585.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Y tế, Thứ trưởng trân trọng cảm ơn sự hỗ trợ, đồng hành của Quỹ thiện tâm thuộc Tập đoàn Vingroup trong thời gian qua đã tài trợ 100% kinh phí đào tạo cho các học viên khai giảng hôm nay.
Thứ trưởng nhiệt liệt hoan nghênh, biểu dương thành tích của tập thể lãnh đạo, cán bộ, viên chức, học viên, sinh viên của Trường Đại học Y - Dược, Đại học Thái Nguyên về những cố gắng và đóng góp của trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực y tế cho đất nước.
Thứ trưởng đề nghị: Trong thời gian tới Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Vụ Tổ chức cán bộ phối hợp chỉ đạo Ban Quản lý Dự án và các đơn vị liên quan tiếp tục rà soát nhu cầu đào tạo của các huyện nghèo, khó khăn để triển khai mở các lớp đào tạo chuyên khoa I thuộc phạm vi của dự án, thực hiện công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm chất lượng đào tạo.
Đối với 8 tỉnh và 21 huyện hưởng thụ số nhân lực được đào tạo, Thứ trưởng đề nghị: UBND tỉnh, Sở Y tế, Trung tâm Y tế các địa phương ngoài tạo điều kiện cho học viên bảo đảm thời gian tham gia khoá đào tạo, cũng cần quan tâm về chế độ chính sách theo quy định như các chế độ đối với cán bộ Y tế làm việc tại vùng sâu, miền núi, vùng khó khăn theo các quy định hiện hành và chính sách của Dự án.
Các học viên tham gia lớp học cần tuân thủ nghiêm túc các quy chế, nội quy, bảo đảm học tập đúng thời gian quy định, nỗ lực hết sức trong từng giờ học, giờ thực hành để lĩnh hội được đầy đủ kiến thức, kỹ năng, y đức từ các thầy cô, đồng nghiệp, người bệnh trong quá trình học tập để đạt được kết quả tốt nhất.
Ngay sau lễ khai giảng 30 bác sĩ sẽ được đào tạo chuyên khoa cấp I thuộc 6 chuyên ngành: Ngoại khoa, Nhi khoa, Nội khoa, Chẩn đoán hình ảnh, Sản khoa và Xét nghiệm tại trường Đại học Y Dược trong 24 tháng. Sau khi hoàn thành thời gian đào tạo, các bác sĩ trẻ được đào tạo sẽ công tác tối thiểu 5 năm tại các huyện nghèo đã cử đi đào tạo.
Nhân dịp này, Trường Đại học Y - Dược công nhận tốt nghiệp và trao bằng ngành y khoa niên khoá 2018-2024, chương trình đổi mới cho 313 sinh viên.
Đến nay, Dự án “Thí điểm đưa bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn ưu tiên 62 huyện nghèo” đã tiếp nhận, đào tạo tổng 699 bác sỹ chuyên khoa cấp I đang công tác tại 171 huyện khó khăn, biên giới, hải đảo thuộc 40 tỉnh.
Ý kiến bạn đọc