Giáo dục “ngoài luồng” - cái bóng của giáo dục chính khóa

Chủ nhật - 08/09/2019 08:56 536 0

Giáo dục “ngoài luồng” - cái bóng của giáo dục chính khóa

GD&TĐ - Tổ chức UNESCO gọi hoạt động dạy thêm, học thêm là “giáo dục ngoài luồng”. Chính xác hơn, giáo dục ngoài luồng (Shadow Education - SE) là “thuật ngữ nhằm chỉ việc phụ đạo cho các môn học chính, có thu phí và được tổ chức ngoài giờ học chính khóa tiêu chuẩn của nhà nước”.

Điều đó được hiểu là giáo dục “ngoài luồng”, như “cái bóng”, song hành của giáo dục chính khóa trong các nhà trường. Phân tích SE của một số nước châu Á có thể giúp ta có cách nhìn, tham khảo về quan niệm và cách tổ chức học thêm ở Việt Nam sao cho có hiệu quả giáo dục tốt nhất.

Học sinh châu Á học thêm khá cao

Hiện tượng SE có một lịch sử lâu dài tại khu vực châu Á. Ngay từ năm 1943 đã có hình thức giáo dục này ở Sri Lanka. Cùng với sự phát triển của hệ thống giáo dục chính quy của các quốc gia, SE cũng từ đó mà nổi lên, trở thành lực lượng giáo dục hùng hậu ở nhiều nước. Nhật Bản và Hàn Quốc là các quốc gia mà chính phủ rất quan tâm, đầu tư nghiên cứu về SE để từ đó đưa ra nhiều chính sách phù hợp và được áp dụng từ những năm 60 của thế kỷ trước.

Qua kết quả khảo sát mẫu ở nhiều trường phổ thông của 32 nước cho thấy, tỷ lệ học sinh học thêm là khá cao, ví dụ: Trung Quốc có 73,8% học sinh tiểu học, 65,6% học sinh THCS và 53,5% học sinh THPT; tỉ lệ này ở Hàn Quốc lần lượt là 87,9%, 72,5% và 60,5%; Nhật Bản là 15,9%, 65,2% và 24,8%; Azerbaijan có 93,1% học sinh cuối cấp THPT; Mông Cổ có 66% học sinh cuối cấp THPT; Singapore có 97% học sinh phổ thông.

Giáo dục “ngoài luồng” - cái bóng của giáo dục chính khóa - Ảnh minh hoạ 2
Số tiền đầu tư cho học thêm ngoài nhà trường là rất lớn

Các dữ liệu thống kê nêu trên, mặc dù không được bảo đảm độ chuẩn xác như dữ liệu về hệ thống trường học chính khóa, tuy nhiên cũng cho ta thấy một bức tranh phác thảo SE khu vực châu Á.

Một số giáo viên “dạy trước” khiến cho việc giảng dạy chính khóa gặp khó khăn do trình độ học sinh không đồng đều. Học sinh Nhật Bản có tới trên 50% các em thích học thêm có nội dung nâng cao. Gần đây Internet cũng trở thành phương tiện sử dụng hiệu quả trong dạy thêm và góp phần thúc đẩy SE phát triển ngày càng mạnh mẽ.

Học thêm nhiều nhất là các môn được coi là cần thiết để tiếp tục học cao hơn trong hệ thống giáo dục, như Toán, Ngữ văn hay Anh văn. Ngoài bám theo trực tiếp các môn học ở trường, các lớp học thêm thường bổ trợ các môn học chính khóa theo nhiều cách khác nhau. Giáo viên dạy thêm thường thể hiện sự khác biệt, thương hiệu của bản thân, thông qua nội dung và phương pháp dạy thêm.

Dạy theo giáo án riêng cho nhóm nhỏ, nhóm lớn và cả hình thức một kèm một. Đôi khi dạy nâng cao, mở rộng giáo án dạy chính khóa. 

Số tiền rất lớn chi cho học thêm

Chi phí học thêm khác nhau rất nhiều, nó phụ thuộc vào chất lượng, địa điểm, quy mô lớp học, tính chất của cơ sở dạy thêm… và cả “uy tín” của người dạy. Tỷ lệ học sinh ở các hộ giàu có con đi học cao hơn hộ nghèo và học phí cho học thêm cũng chi trả cao hơn.

Tại Hàn Quốc, chi tiêu cho SE khoảng 17,3 tỷ USD/năm, tương đương 80% chi tiêu của chính phủ cho giáo dục công; còn tại Nhật Bản là 12 tỷ USD/năm, tại Singapore là 680 triệu USD/năm…

Rõ ràng có một số tiền lớn của phụ huynh ở các nước phát triển được chi cho SE. Sự nở rộ SE có tác động mạnh về phân tầng xã hội và tạo ra sự bất bình đẳng lớn. Giáo viên dạy thêm có thu nhập cao hơn nhiều giáo viên không dạy. Hộ gia đình giàu có, có điều kiện cho con đi học, trong khi hộ nghèo và khó khăn không đủ tiền đóng học phí học thêm cho con. SE thực sự là gánh nặng tài chính, đáng lẽ không đáng có. Thanh thiếu niên bị tạo thêm áp lực khi phải tham gia học thêm. Vì thế tuyên bố chính thức về giáo dục miễn phí, công bằng xã hội không còn có nhiều ý nghĩa và nguy cơ đe dọa mục tiêu chung của các nước và toàn cầu...

Giáo dục “ngoài luồng” - cái bóng của giáo dục chính khóa - Ảnh minh hoạ 3
Giáo dục Việt Nam đang tập trung đổi mới giáo dục phổ thông chính khóa 

Giải pháp cho Việt Nam

Ở Việt Nam, hiện tượng SE cũng không khác nhiều so với các nước châu Á. Những nội dung thuộc về bản chất, nguyên nhân, nhận định mặt tốt và chưa tốt của SE ở Việt Nam, có nhiều điểm cũng tương đồng như các nước khác trong khu vực.

Chúng ta đã có Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT, ngày 16/5/2012 ban hành quy định về dạy thêm, học thêm để hướng dẫn cho các trường phổ thông. Thông tư đã quy định đầy đủ về nguyên tắc; cách tổ chức; cấp giấy phép; trách nhiệm của các bên liên quan; Kiểm tra và xử lý vi phạm của hoạt động SE.

Hầu hết các địa phương đã thực hiện tốt Điều 15 trong Thông tư, bằng cách ban hành văn bản của UBND tỉnh, thành phố quy định cụ thể và chi tiết để quản lý SE trên địa bàn. Tuy nhiên, nhìn chung hiệu lực của Thông tư 17/2012 vẫn còn hạn chế, dẫn đến hiện tượng SE ở nhiều nơi vẫn xảy ra tiêu cực, khó quản lý, gây bức xúc trong ngành và dư luận xã hội. Xin đưa ra một số nhận định và lưu ý như sau:

Cần thống nhất quan điểm: Công nhận sự tồn tại, bản chất và ý nghĩa của SE. SE là một hiện tượng xã hội, không tự mất đi và cũng không thể cấm hoạt động. SE là một lĩnh vực phức tạp, nhưng vẫn có thể tìm ra cách quản lý phù hợp, hiệu quả hơn bằng cách thảo luận rộng rãi, công khai và có trách nhiệm thay vì bỏ qua hoặc thiếu trách nhiệm tới vấn đề này. Quy định học thêm cần cụ thể để khuyến khích những khía cạnh tích cực và hạn chế những mặt tiêu cực của SE. Cần làm cho cha mẹ học sinh và xã hội thấy được lợi ích tới đâu khi học sinh tham gia học thêm. Trừ trường hợp vì mục đích trông trẻ, thì việc học thêm cho học sinh này thì tốt, nhưng học sinh khác lại không tốt, thậm chí lại có hại.

Từng bước cải tiến việc đánh giá học sinh, đổi mới phương thức, nội dung thi tuyển trong trường, từng địa phương và quốc gia, nhằm giảm áp lực học thêm. Đây có thể coi là nguyên nhân chính và là giải pháp nòng cốt để chuyển hướng tích cực cho SE.

Xây dựng dữ liệu về SE một cách chuẩn xác, giúp cho việc ban hành các văn bản quản lý học thêm ở các nhà trường có tính khả thi cao. Lấy dữ liệu thông qua báo cáo thống kê hàng năm, qua điều tra dân số quốc gia hoặc qua các tổ chức xã hội hay nghề nghiệp.

Giáo dục chính khóa cần học hỏi SE và tìm cách tự điều chỉnh mình, như: Mở rộng các chương trình chính khóa để cải thiện dịch vụ các trường học; Trung tâm, lớp học SE thu hút dễ dàng hơn nhân sự từ hệ thống các trường chính khóa; Giáo viên dạy chính khóa dạy học sinh đông thường không có hiệu quả so với SE dạy học sinh trên giảng đường; Một số giáo viên của SE chưa qua đào tạo nhưng vẫn thu hút số đông học sinh học thêm; Các trường chính khóa cần tự chủ về linh hoạt thời gian và nội dung dạy học theo cách như SE.

Tác giả bài viết: Đặng Tự Ân (Giám đốc Quỹ VIGEF)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập758
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm757
  • Hôm nay28,213
  • Tháng hiện tại306,343
  • Tổng lượt truy cập51,662,302
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944