PGS.TS Nguyễn Kim Sơn làm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT
Ngày 8/4, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khoá XIV đã thông qua Nghị quyết bầu PGS.TS Nguyễn Kim Sơn - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHQG Hà Nội giữ chức Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, với 455/459 đại biểu có mặt bỏ phiếu tán thành (94,79%).
Ngay sau khi nhận nhiệm vụ, tân Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã có thư gửi nhà giáo cả nước. Nhiều cán bộ, giáo viên cho biết họ như được “tiếp thêm động lực”.
Bức thư của Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh vai trò cốt yếu của người thầy trong sự nghiệp xây dựng và phát triển giáo dục, bày tỏ nỗi trăn trở về chất lượng giáo dục cũng như sự tôn nghiêm của nghề giáo. Bên cạnh đó là lời hứa sẽ tận tâm, tận lực với sự nghiệp chung của một trưởng ngành.
Trong thời điểm hiện nay của nền giáo dục quốc gia, bức thư của Bộ trưởng đem đến một ý nghĩa lớn, có tác dụng động viên tinh thần sâu sắc đối với nhà giáo cả nước.
Lịch thi tốt nghiệp THPT 2021
Tuần qua, Bộ GD&ĐT chính thức công bố lịch thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Theo đó, kỳ thi sẽ diễn ra từ ngày 6-9/7/2021. Trong đó, ngày 6/7 là thời gian làm thủ tục dự thi; 9/7 là ngày dự phòng. 2 ngày thi chính thức là 7-8/7/2021.
Năm 2021, để xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh giáo dục THPT phải dự thi 4 bài thi, gồm 3 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.
Thí sinh giáo dục thường xuyên dự thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp do thí sinh tự chọn.
Thí sinh giáo dục thường xuyên có thể đăng ký dự thi thêm bài thi Ngoại ngữ để lấy kết quả xét tuyển sinh.
Trước đó, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Theo đó, những sửa đổi, bổ sung liên quan đến hội đồng thi, xếp phòng thi; sử dụng thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông; đối tượng, điều kiện dự thi; đề thi và in sao, vận chuyển, bàn giao đề thi; chấm thi, bảo lưu điểm thi, điểm khuyến khích; cấp Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông; thanh tra, kiểm tra thi; xử lý thí sinh vi phạm quy chế.
Nhiều nội dung quan trọng thí sinh cần ghi nhớ khi thực hiện đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT năm 2021.
Xem lưu ý chi tiết TẠI ĐÂY.
Ủng hộ chủ trương giảng dạy chương trình văn hoá bậc THPT trong các trường nghề
Chiều 6/4, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã làm việc với các Bộ: GD&ĐT, Văn hóa Thể thao và Du lịch, LĐ-TB&XH, Tư pháp… về dạy học chương trình văn hoá giáo dục phổ thông trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, thảo luận về những hạn chế, vướng mắc đang đặt ra trong việc giảng dạy chương trình văn hoá giáo dục phổ thông tại các trường nghề cũng như giải pháp tháo gỡ nhằm bảo đảm quyền lợi tối đa cho học sinh.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, tinh thần của Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Luật Giáo dục, các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các bộ, ngành liên quan đều mong muốn thực hiện giáo dục mở, liên thông giữa các trình độ, giữa các hệ thống và hình thức đào tạo.
Theo Phó Thủ tướng, chúng ta đang thực hiện tốt việc này. Những năm gần đây, tín hiệu đáng mừng là số lượng học sinh tốt nghiệp THPT đi học nghề nhiều hơn trước.
Bộ GD&ĐT, Bộ LĐ-TB&XH đã bàn phương án để học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở được chuyển sang học nghề và cho tuyển sinh hệ cao đẳng nghề.
Tuy nhiên, bên cạnh việc khuyến khích học sinh học nghề, chúng ta cũng phải có giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông để đạt chuẩn chung và thực hiện hội nhập quốc tế, để văn bằng tốt nghiệp THPT quốc gia của Việt Nam được các nước công nhận.
Trong khi chưa ban hành thông tư hướng dẫn, Bộ GD&ĐT đã có Văn bản số 2857/BGDĐT-GDTX về việc hướng dẫn tổ chức dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT kết hợp với dạy nghề tại các cơ sở GDTX, góp phần phân luồng học sinh sau THCS từ năm học 2020-2021.
Theo đó, trước mắt chưa mở rộng quy mô để các trường nghề trực tiếp dạy chương trình văn hoá tương đương với chương trình THPT.
Đại diện Bộ LĐ-TB&XH, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội… ủng hộ chủ trương của Bộ GD&ĐT để việc giảng dạy chương trình văn hoá bậc THPT trong các trường nghề bảo đảm mặt bằng chung, đồng thời mong muốn Bộ GD&ĐT tiếp tục tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thực hiện.
Ngoài ra, đại diện các bộ, ngành cũng thống nhất, đối với những trường nghề đang tiếp tục tuyển sinh, sắp tới Bộ GD&ĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể để đảm bảo chất lượng giáo dục.