63 tỉnh, thành phố đều tổ chức dạy học trực tuyến
Báo cáo tại hội nghị, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất, Bộ GD&ĐT Nguyễn Thanh Đề cho biết: Đến ngày 22/2, đã có 49 trẻ mầm non, học sinh, sinh viên (38 tại Hải Dương, 4 tại Hà Nội, 1 tại Bình Dương, 5 tại Quảng Ninh, 1 tại Gia Lai) và 7 giáo viên (2 tại Hải Dương, 2 tại Quảng Ninh, 1 tại Hưng Yên và 2 tại Gia Lai) được xác định dương tính với SARS-CoV-2 và nhiều học sinh, giáo viên thuộc diện F1 phải cách ly y tế.
Đến 19h00 ngày 25/2/2021, sau khi kết thúc kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, căn cứ tình hình dịch bệnh, hầu hết các tỉnh, thành phố đã có quyết định cho học sinh đi học trở lại (còn Hải Dương, Hải Phòng và Hà Nội chưa có thông báo chính thức, trong đó Hà Nội dự kiến cho học sinh đi học trở lại vào ngày 2/3/2021; Hải Dương và Hải Phòng dự kiến cho học sinh học trở lại từ ngày 1/3/2021, riêng đối với các huyện có dịch tiếp tục nghỉ học trên lớp và tổ chức dạy học trực tuyến).
Đến ngày 25/2/2021, tất cả 63 tỉnh, thành phố đều tổ chức dạy học trực tuyến, điều chỉnh kế hoạch dạy học và triển khai chương trình giáo dục kịp thời trong bối cảnh dịch bệnh.
Với các cơ sở giáo dục đại học, tính đến thời điểm ngày 22/2/2021, có 28 cơ sở đào tạo (không có trường thuộc khối an ninh quốc phòng) đã cho sinh viên học tập trung từ ngày 22/2/2021; 31 cơ sở dự kiến cho sinh viên học tập trung ngày 1/3/2021; 59 cơ sở báo cáo tùy vào tình hình diễn biến bệnh dịch tại địa phương sẽ tổ chức để sinh viên đi học tập trung sớm nhất có thể.
Trong số các cơ sở chưa tổ chức cho sinh viên học tập trung trong tuần từ 22-26/2/2021 có 58 cơ sở tổ chức học trực tuyến online cho sinh viên từ ngày 22/2/2021 và 8 cơ sở dự kiến bắt đầu tổ chức học trực tuyến từ ngày 1/3/2021 khi không thể cho sinh viên đi học tập trung theo kế hoạch. Hiện tại, có 3 cơ sở đào tạo nghệ thuật (Nhạc viện TP.HCM, Học viện Âm nhạc Quốc gia và Học viện Múa) không tổ chức học trực tuyến và lùi kế hoạch học tập học kỳ 2 chậm lại 1 đến 2 tuần tùy theo tình hình dịch bệnh.
Ổn định chương trình năm học
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã nghe các Vụ, Cục báo cáo các nội dung trọng tâm: Tiến độ xây dựng phần mềm, kho học liệu số phục vụ dạy và học trực tuyến ở các cấp học; Kịch bản đôn đốc học sinh quay trở lại trường học; Cẩm nang hướng dẫn học trực tuyến; Triển khai hướng dẫn, hỗ trợ, tư vấn tâm lý, kỹ năng phòng, chống bạo lực, bắt nạt, xâm hại nhằm bảo đảm an toàn cho học sinh khi học tập trực tuyến và sử dụng môi trường mạng; Đảm bảo an toàn cho lưu học sinh Việt Nam tại nước ngoài và lưu học sinh nước ngoài tại Việt Nam trong điều kiện dịch diễn biến phức tạp; Kịch bản điều hành năm học, thi tốt nghiệp THPT, tuyển sinh ĐH-CĐ 2021; Chất lượng dạy học trực tuyến ở các cơ sở giáo dục; Xây dựng các nội dung hướng dẫn (qua các kênh trực tuyến) cha mẹ về nuôi dưỡng, chăm sóc trẻ mầm non ở nhà…
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh, học trực tuyến và trực tiếp rất bổ ích với giáo dục phổ thông. Trong đó, xu hướng dạy học trực tuyến ngày càng được triển khai mạnh mẽ và hiệu quả. Ngành Giáo dục nên hướng dẫn cơ sở giáo dục đan xen dạy 2 hình thức này ở những nội dung phù hợp. Với giáo dục phổ thông, cần khuyến khích dạy học trực tuyến thay thế từng phần một cách phù hợp, không thay thể hết bởi cấp học này phải đảm bảo yêu cầu dạy học phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh. Trong điều kiện dịch bệnh thì áp dụng thay thế toàn phần một cách hợp lý theo qui trình chuẩn.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề nghị, căn cứ diễn biến dịch bệnh, lãnh đạo Bộ chỉ đạo chốt theo kịch bản năm học đã đề ra, yêu cầu địa phương thực hiện theo khung năm học. Đẩy nhanh kế hoạch chuẩn bị cho thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH-CĐ 2021.
Ngành Giáo dục cần mở rộng và nâng cao hiệu quả dạy online trên truyền hình, coi đây là xu hướng phù hợp trong xu thế chuyển đổi số. Thống nhất cao để ban hành Thông tư hướng dẫn dạy học trực tuyến vào tuần tới. Thông tư sớm được ban hành sẽ là cơ sở để các địa phương có căn cứ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, chuyển đổi số sẽ hiệu quả. Song song với đó, cần phối hợp với Bộ Thông tin- truyền thông để có sự hỗ trợ kịp thời, phù hợp về các phần mềm dạy học. Qua đó, ngành Giáo dục có kế hoạch triển khai đồng bộ, yêu cầu có được phần mềm có tính chất nền tảng, kết nối với cơ sở dữ liệu của ngành để Bộ GD&ĐT quản lý được chất lượng.