Trẻ 5 tuổi học “tiền lớp 1”: “Khổ” vì người lớn thiếu hiểu biết

Thứ sáu - 26/02/2021 20:36 374 0
GD&TĐ - Thời gian gần đây, không ít phụ huynh có con 5 tuổi tìm lớp “tiền lớp 1” cho con. Lý do bởi suy nghĩ Chương trình (CT) và sách giáo khoa (SGK) lớp 1 mới khó hơn trước…
Trẻ 5 tuổi học “tiền lớp 1”: “Khổ” vì người lớn thiếu hiểu biết

Tuy nhiên, sự lo lắng thiếu khoa học chỉ làm trẻ thêm vất vả, áp lực với học tập. 

Học – thừa hơn thiếu

Chị Nguyễn Như Quỳnh (Hai Bà Trưng – Hà Nội) có con chuẩn bị lớp 1 chia sẻ: Gia đình tìm đến “tiền lớp 1” cho con vì nghe nói CT, SGK mới khó hơn, trẻ biết đọc trước mới theo kịp. Bạn bè đã “mách” cho 1 địa chỉ nhưng tôi còn muốn tìm thêm địa điểm gần nhà và người dạy phải là GV tiểu học. “Tôi chưa biết khi tham gia “tiền lớp 1” trẻ sẽ học gì nhưng chắc chắn được tập viết, đọc trước. Như vậy, vào lớp 1 con sẽ vững vàng hơn…”, chị Quỳnh nói.

Khác với chị Quỳnh, gia đình anh Hà Trung Dũng (Chùa Bộc – Hà Nội) không đưa con đến “lò” luyện “tiền lớp 1” mà thuê gia sư từ trung tâm về dạy tại nhà tuần 2 buổi. “Trung tâm giới thiệu cho gia đình một SV Sư phạm mới ra trường. Trẻ vào lớp 1 chưa đòi hỏi trình độ gia sư quá cao siêu nhưng gia đình vẫn muốn tìm được GV tiểu học để kèm con. Tuy nhiên, hiện trung tâm chưa tìm được gia sư theo nguyện vọng. Gia đình vẫn tạm thời nhờ SV dạy con song sẽ đổi nếu không hiệu quả hoặc tìm được gia sư là GV”, anh Dũng bày tỏ.

Lướt qua một số diễn đàn trên mạng xã hội, nhóm hội phụ huynh có con chuẩn bị vào lớp 1 trên mạng dễ dàng bắt gặp những thắc mắc, băn khoăn về việc nên hay không cho trẻ học “tiền lớp 1” cũng như những chia sẻ kinh nghiệm khi cho con tham gia khóa học này. 

Chị Nguyễn Hương Ly có con 5 tuổi đang học Trường MN Hoa Hồng (Cầu Giấy - Hà Nội) cho hay: Trung tâm nhận dạy “tiền lớp 1” thông báo “sẽ dạy đọc, tập viết, nhận biết mặt số, phép cộng trừ đơn giản… Khi trẻ nắm hết kiến thức trên chuyển sang dạy làm toán. Tập viết sẽ dạy từ đầu, khi nào viết nét cứng cáp chuyển sang viết chữ. Trung tâm chỉ nhận dạy trẻ từ 5 tuổi để chuẩn bị trước khi bước vào lớp 1”…

Trẻ 5 tuổi học “tiền lớp 1”: “Khổ” vì người lớn thiếu hiểu biết - Ảnh minh hoạ 2
Buổi học của HS lớp 1, Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Lào Cai - Lào Cai). Ảnh: Đức Trí

“Khổ” cả thể chất lẫn tinh thần 

Cô Đỗ Huyền Trang – GV lớp 1, Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) cho biết: Năm đầu tiên triển khai CT và SGK mới, không ít phụ huynh lo lắng do tâm lý và đề nghị GV dạy thêm. Tuy nhiên, cha mẹ cần hiểu điều đó không cần thiết và không được phép. Trách nhiệm của GV là bảo đảm kiến thức chương trình đầy đủ cho HS trên lớp. HS nào tiếp thu chậm hơn, GV sẽ quan tâm và tìm phương pháp phù hợp để giúp các em tiến bộ. 

Như vậy, việc học tiền lớp 1 với trẻ 5 tuổi càng không cần thiết. Không ít trẻ đang “còng lưng” đọc, viết trước chương trình theo mong muốn và suy nghĩ thiếu khoa học của bố mẹ. Nếu người dạy thiếu chuyên môn không đúng theo yêu cầu CT và SGK mới càng khiến trẻ bị đảo lộn phương pháp học tập. Thậm chí dẫn tới sợ học, đọc viết không đúng cách… 

TS Vũ Việt Anh, Chuyên gia Tâm lý giáo dục, Giám đốc Học viện Thành Công (Hà Nội) cũng cho rằng: Đổi mới về CT, SGK cần một khoảng thời gian nhất định để tất cả, từ phụ huynh, HS đến GV có thể bắt nhịp… “Không nên cho trẻ học chữ trước từ bậc MN vì điều này ảnh hưởng không tốt đến cả thể chất và tinh thần của trẻ”, TS Việt Anh nhận định.
Theo TS Vũ Việt Anh, ngoài trí thông minh về học tập, con người còn có 9 loại trí thông minh khác. Do đó, cần có sự phân bổ thời gian hợp lý giúp trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, tâm hồn. Nếu cố nhồi nhét mỗi trí thông minh học tập, các loại khác không có, ra đời trẻ sẽ gặp khó khăn.

Mặt khác CT- SGK mới chú trọng phát triển các phẩm chất, năng lực của HS. Trong đó, năng lực học tập chỉ là 1 trong 10 năng lực mà HS cần phải có. Nếu phụ huynh quá gây áp lực cho con về việc học tập sẽ làm trẻ dễ phát triển lệch, khó hòa nhập với công dân thời đại mới.

Ông Nguyễn Duy Hải – Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học (Sở GD&ĐT Lâm Đồng) khẳng định: Về mặt khoa học, tâm lý lứa tuổi, việc học chữ trước khi vào lớp 1 là không tốt cho chính HS. Trên thực tế, do tâm lý lo lắng nên một số phụ huynh bằng nhiều cách khác nhau cho con học chữ trước. Điều này dẫn đến việc giai đoạn đầu khi vào lớp 1, trong một lớp học có những em đã biết chữ trước và có em chưa biết, gây khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học của GV.

Mặt khác, chương trình lớp 1 được thiết kế dạy học 2 buổi/ngày, sáng học 4 tiết, chiều học không quá 3 tiết. Trẻ học cả ngày, các kiến thức cơ bản đã hoàn thành tại lớp. Bởi vậy, các bậc phụ huynh không nên lo lắng và đặt ra chuyện phải cho trẻ học “tiền lớp 1” thì mới theo kịp CT- SGK mới.

Chị Phan Thị Thu Hà – Phụ huynh HS lớp 1A8 Trường Tiểu học Phan Đình Giót (Thanh Xuân – Hà Nội) bày tỏ: Trước khi con bước vào lớp 1, nhiều người khuyên cho con học “tiền lớp 1”, tuy nhiên gia đình quyết định để con bắt đầu học đọc, viết khi chính thức vào lớp 1. Sau vài tháng học tập, con tiếp thu tốt, đọc viết không chậm hơn các bạn. Như vậy, học “tiền lớp 1” cho trẻ ngay khi còn học MN chỉ làm mất thời gian vui chơi của trẻ, không có tác dụng nhiều nếu không nói đi ngược khoa học. 

Cha mẹ không nên vì áp lực học nhanh, chậm, không theo kịp chương trình, điểm số, thành tích học tập từ năm đầu tiên… mà ép trẻ phải học thêm từ sớm. Điều quan trọng là giúp trẻ thích nghi dần với cái mới, tạo sự hứng thú để trẻ phát triển. Các phương pháp giáo dục, thời điểm giáo dục không đúng... sẽ làm trẻ sợ hãi việc học tập và không phát triển được tư duy, trí tuệ. - TS Vũ Việt Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập718
  • Máy chủ tìm kiếm1
  • Khách viếng thăm717
  • Hôm nay39,694
  • Tháng hiện tại317,824
  • Tổng lượt truy cập51,673,783
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944