Không chủ quan, lơ là
Thông tin tới Báo Giáo dục & Thời đại, đại diện Phòng GD&ĐT huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam cho hay, tính đến ngày 18/1, trên địa bàn huyện có 20 xã/thị trấn có dịch ở cấp độ 1, chỉ có một xã thuộc cấp độ 2. UBND huyện đã chỉ đạo ngành Y tế, Giáo dục đào tạo, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 các xã/thị trấn xây dựng và triển khai kế hoạch phòng dịch theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ cũng như chỉ đạo của cấp trên; tuyệt đối không chủ quan, lơ là trong phòng chống dịch.
Ghi nhận tại Trường Mầm non tư thục Hiệp Hòa, công tác phòng chống dịch bệnh và tăng cường chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ là ưu tiên hàng đầu được đơn vị chú trọng. Cô Nguyễn Thị Thu Hà - Hiệu trưởng nhà trường nhấn mạnh, sau khi khai giảng được hai tuần, học sinh đã phải tạm dừng đến trường để phòng chống dịch.
Tới ngày 22/11/2021, các em mới trở lại trường theo tinh thần Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả. Khi đón trẻ, nhà trường luôn chú trọng khâu phòng dịch, quán triệt thực hiện nghiêm khuyến cáo "5K" của Bộ Y tế. Học sinh lớp nào ở lớp đó, không tiếp xúc giữa các lớp với nhau. Không tổ chức các hoạt động tập trung đông học sinh.
Cũng theo cô Hà, khi được phép mở cửa trở lại, trường cũng gặp phải tình trạng số trẻ ra lớp bị giảm mạnh. Nguyên nhân một phần là do tâm lý ngại dịch bệnh của một bộ phận phụ huynh. Do đó, nhà trường đã áp dụng nhiều giải pháp để duy trì sĩ số trẻ tới lớp. Trong đó có việc trông trẻ vào tất cả các ngày trong tuần, kể cả chủ nhật; rà soát và cải thiện hệ thống cơ sở vật chất của trường; không tăng học phí nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh.
Xác định lấy chất lượng làm đầu, nhà trường đã và đang chú trọng bồi dưỡng đội ngũ, tạo cảnh quan môi trường thân thiện, lớp học được trang trí sinh động, tạo môi trường mở để trẻ hoạt động. Song song với đó, nhà trường thực hiện công tác vệ sinh khử khuẩn, đón trẻ an toàn. Vệ sinh xe đưa đón trẻ hàng ngày. Mỗi xe đều được bố trí máy đo thân nhiệt, dung dịch sát khuẩn và khẩu trang để cho trẻ sử dụng.
Trước khi đến trường, phụ huynh phải kiểm tra sức khỏe của trẻ và phải thông tin với giáo viên về trường hợp có người thân là F0, F1, F2 để nhà trường nắm bắt. Tất cả giáo viên, phụ huynh học sinh của trường đều ký cam kết về thực hiện nghiêm túc công tác phòng chống dịch. Toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường đều đã tiêm mũi 2, con số được tiêm mũi 3 đạt gần 80%.
"Chương trình giáo dục của trường sẽ tăng cường hoạt động trải nghiệm. Các cô thường tổ chức sinh nhật cho trẻ ngay tại lớp. CÔ cũng dạy trẻ một số kỹ năng như vắt nước cam, bóc trứng chim cút để rèn luyện tính kiên trì. Dự kiến tới ngày 23/1 tới, nhà trường sẽ tổ chức gói bánh chưng. Khi tham gia hoạt động này, các con sẽ phần nào hiểu được về sự tích của món bánh cũng như nguyên liệu để làm bánh. Gói xong, bánh sẽ được luộc tại nhà bếp của trường, sau đó thầy cô sẽ tặng bánh cho trẻ mang về nhà đúng vào ngày 23 tháng Chạp (âm lịch). Chương trình này được phụ huynh rất ủng hộ và đồng hành", cô Hà nói.
Thực hiện nghiêm nguyên tắc "5K"
Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam, trong học kỳ 2 của năm học này, các đơn vị trực thuộc cần tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông để vận động trẻ ra lớp qua các hình thức: Zalo nhóm lớp, bài viết tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh của xã/phường/thị trấn, cổng thông tin điện tử của trường hay trao đổi trực tiếp với cha mẹ trẻ…
Các cơ sở giáo dục mầm non tiếp tục thực hiện nghiêm túc chương trình giáo dục theo quy định, đảm bảo các điều kiện an toàn từ khi đón, trả trẻ và trong suốt thời gian trẻ sinh hoạt, học tập tại trường. Đảm bảo tuyệt đối an toàn vệ sinh thực phẩm trong việc tổ chức nuôi ăn bán trú cho trẻ.
Sở GD&ĐT sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát các đơn vị việc triển khai thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Chỉ đạo các phòng GD&ĐT hướng dẫn các trường mầm non làm tốt công tác tuyên truyền, phấn đấu huy động 53% trẻ em nhà trẻ, 100% trẻ em mẫu giáo đến trường. Đồng thời, tiếp tục rà soát số người lao động làm việc trong các cơ sở giáo dục mầm non tư thục và cơ sở giáo dục mầm non chưa được hỗ trợ do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
"Các trường cần thực hiện nghiêm túc đánh giá mức độ an toàn dịch Covid-19 hàng ngày và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của các cấp về công tác phòng chống dịch. Yêu cầu cán bộ, giáo viên, nhân viên của cơ sở thực hiện nghiêm túc việc báo cáo với nhà trường và cơ sở Y tế địa phương về những mối quan hệ, lịch trình đi lại, tình hình sức khỏe của bản thân và gia đình liên quan đến nguy cơ lây nhiễm Covid-19; thực hiện nghiêm '5K' để phòng chống dịch hiệu quả" - lãnh đạo Sở GD&ĐT Hà Nam nhấn mạnh.