Tôi trấn an rằng điểm năm nay thấp hơn, khuyên chị hãy bình tĩnh, đừng cuống cuồng lên như thế. Chị giận luôn vì nghĩ rằng mình không được nhiệt tình giúp đỡ. Tôi hiểu cơn sốc của người mẹ quá nhiều kì vọng và được biết ngay từ khi ấy, chị đã lao vào “cuộc chiến” tìm trường cho con bằng bất cứ giá nào.
Chị bạn tôi chỉ là một trong nhiều ông bố, bà mẹ mà cảm xúc bị đẩy lên tới đỉnh điểm trong kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm nay, khi trước đó, cơ quan quản lý giáo dục đã thông báo số lượng học sinh hoàn thành chương trình lớp 9 tăng đến con số 22.000 so với năm học trước.
Trong thời gian 1 tuần chờ điểm chuẩn, nhiều trường THPT ngoài công lập mở cửa tuyển sinh. Thời điểm này, việc đó với nhiều gia đình, đặc biệt người có con “chấp chới” đỗ so với điểm năm ngoái giống như một cái phao cứu sinh. “Thôi thì ít nhất cũng chắc con sẽ có một chỗ học tạm tử tế, không phải đi học nghề” - đó là suy nghĩ của nhiều phụ huynh khi chấp nhận đứng dưới cái nóng hơn 40 độ C chen lấn, chờ nộp hồ sơ.
Phải kiếm một chỗ cho chắc chân rồi tính sau, nếu con đỗ trường công thì rút hồ sơ, còn trượt thì cho học, suy nghĩ ấy khiến nhiều phụ huynh sẵn sàng chấp nhận đóng một khoản tiền “giữ chỗ” không nhỏ. Chắc chắn, ở thời điểm đó, phụ huynh sẽ thở phào nhẹ nhõm, vui sướng khi nộp được hồ sơ, đóng được tiền cho con, chứ chẳng thể là tâm trạng phẫn nộ như mấy ngày sau đó, khi họ đến trường rút hồ sơ vì con đã đỗ trường công lập.
Khi một số báo phản ánh về “cuộc chiến” nộp - rút hồ sơ của phụ huynh, có ý kiến đồng cảm, nhưng cũng không ít người thẳng thắn cho rằng: Trước khi nộp tiền, phụ huynh nào cũng nghiên cứu, đọc các điều khoản mà trường đã công khai kỹ lắm, rồi còn được nhà trường tư vấn lại lần nữa; vậy thì hãy mình làm mình chịu, không nên kêu than, rồi làm trái chính điều mình đã cam kết.
Giữa cơn bão tuyển sinh, lãnh đạo một trường ngoài công lập tâm sự, rất biết tâm lý “chống cháy” của phụ huynh nên ai vào nộp hồ sơ cũng được hỏi đi hỏi lại, tư vấn kĩ càng và trên thực tế, phụ huynh nào cũng có tâm lý “sẵn sàng” rất cao. Việc đóng tiền cũng là một cách để phụ huynh phải suy nghĩ kĩ hơn khi quyết định và trường cũng đỡ được thí sinh ảo.
Vị này than vãn: Mọi người thông cảm với phụ huynh, vậy chúng tôi thì sao? Trường sống bằng việc tuyển được học sinh, nếu phụ huynh nào cũng coi chúng tôi chỉ như chỗ “trú tạm”, khi con đỗ rút hết hồ sơ thì nhà trường sẽ như thế nào? Trong khi đó, nếu họ không “giữ chỗ”, phần mà họ giữ đó, chúng tôi có thể để cho người khác thực sự có nguyện vọng học tập tại trường. Mọi thông tin chúng tôi đều công khai, mọi cam kết đều là phụ huynh tự nguyện, vậy sao việc phụ huynh phá bỏ cam kết lại đổ lỗi cho nhà trường?
Do đó, câu chuyện tuyển sinh của Hà Nội năm nay cần được nhìn theo cả hai phía. “Tại anh, tại ả, tại cả đôi bên” – ngay cả lãnh đạo Phòng Khảo thí của Sở GD&ĐT Hà Nội cũng thừa nhận điều này: Cha mẹ học sinh do quá lo lắng, sốt ruột nên chưa tìm hiểu kỹ càng; cách thức tuyển sinh của một số trường ngoài công lập đâu đó còn chưa đầy đủ, cẩn thận, thiếu nhân văn.