Theo đó, tham dự vòng sơ khảo cuộc thi có 288 dự án, thuộc 18 lĩnh vực của học sinh từ lớp 8 đến lớp 12 ở các trường THCS, THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn thành phố.
Theo ông Đỗ Văn Lợi - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng, Sở đã tổ chức chấm sơ khảo vào ngày 29/11 tại Trường THPT Thái Phiên. Ban tổ chức đã mời 48 giám khảo đến từ nhiều trường đại học, Cao Đẳng, viện nghiên cứu…tham gia Hội đồng chấm.
Sau khi chấm sơ khảo, Ban tổ chức chọn ra 139 dự án tham gia vòng Chung khảo, tăng 20 dự án so với năm học trước.
Một trong 13 giải Nhất của Cuộc thi Khoa học kĩ thuật cấp thành phố năm học 2023-2024. |
Các dự án tham gia tập trung ở một số lĩnh vực như: Khoa học xã hội hành vi, Vi sinh, Kĩ thuật Y sinh, Y sinh và khoa học sức khoẻ, Kĩ thuật cơ khí…
Trường THCS Ngô Quyền, quận Lê Chân có dự án đạt giải Nhì. |
Ban giám khảo tiến hành chấm Chung khảo vào chiều ngày 13-14/12. Các dự án đều trải qua 2 vòng chấm: chấm dự án và chấm tại gian trưng bày. 3 thầy cô tham gia chấm độc lập 1 dự án. Tại gian trưng bày, học sinh thuyết trình về dự án và trả lời các câu hỏi mà giám khảo đưa ra.
Kết quả chung khảo, Ban giám khảo chọn ra 13 giải Nhất, 31 giải Nhì, 44 giải Ba, 51 giải Tư.
Sáng 15/12, 13 dự án xuất sắc tham gia vòng chung cuộc. Ở phần thi này, học sinh thuyết trình trước 11 giám khảo là các PGS,TS. Có 4 dự án, học sinh tự tin thuyết trình, trả lời bằng tiếng Anh. Kết quả chung khảo, Ban tổ chức sẽ chọn 2 dự án xuất sắc dự vòng thi cấp quốc gia vào đầu tháng 3/2024.
Cuộc thi năm nay tăng về số lượng và chất lượng. |
Ông Đỗ Văn Lợi đánh giá, cuộc thi Khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học năm nay không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng các dự án cũng được nâng cao. Nhiều dự án phù hợp với lứa tuổi, có chiều sâu kiến thức và được đầu tư về thời gian, trí tuệ.
Từ các đề tài mà học sinh thiết kế cho thấy khả năng vận dụng kiến thức các môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.
“Cuộc thi Khoa học kĩ thuật là một trong những biện pháp có hiệu quả cao để nâng cao tay nghề cho đội ngũ giáo viên cũng như chất lượng dạy-học và giáo dục toàn diện trong các nhà trường.
Đây là cơ hội cho cán bộ, giáo viên, học sinh và các đơn vị giao lưu, trao đổi, học tập kinh nghiệm.
Cuộc thi tạo ra động lực quan trọng giúp giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực học sinh, nhằm thực hiện hoá giáo dục STEM trong nhà trường và từng bước đổi mới căn bản giáo dục”, ông Đỗ Văn Lợi đánh giá.
Tác giả bài viết: Thảo Nguyên
Ý kiến bạn đọc