Nhiều giải pháp "giữ chân" đội ngũ
Trong những năm qua, với sự chỉ đạo của thành phố, sự hỗ trợ, phối hợp chặt chẽ của các sở, ban, ngành và các địa phương, Giáo dục mầm non Hải Phòng đã có sự phát triển về mọi mặt. UBND TP Hải Phòng đã có Kế hoạch số 48/KH-UBND triển khai thực hiện Quyết định 1677/QĐ-TTg ngày 03/12/2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn thành phố Hải Phòng.
Tuy nhiên, một thực trạng chung là đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non còn thiếu về số lượng. Tình trạng cán bộ, giáo viên mầm non cả công lập và ngoài công lập bỏ nghề chuyển công việc khác ngày càng gia tăng.
Cô trò Trường Mầm non Trung Hà, huyện Thuỷ Nguyên trong giờ học. |
Trong 5 năm, toàn thành phố có 1.154 cán bộ, giáo viên mầm non cả công lập và ngoài công lập bỏ nghề. Chất lượng đội ngũ chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình Giáo dục mầm non mới.
Một thực tế đáng bàn là hệ đào tạo chính quy về mầm non trường Đại học Hải Phòng không tuyển được đủ chỉ tiêu sinh viên dẫn đến không có nguồn để tuyển dụng thay thế đội ngũ đến tuổi nghỉ hưu, bỏ nghề.
Trước thực trạng này, làm thế nào để giữ chân được đội ngũ, để thầy cô yên tâm công tác, gắn bó với ngành là bài toán cần sớm có lời giải cụ thể.
Bà Đỗ Thị Hoà, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cho rằng, bên cạnh việc tích cực tham mưu về chế độ, chính sách cho đội ngũ, cần tạo động lực làm việc cho cán bộ, giáo viên các nhà trường. Trước hết, phải giảm tải những áp lực hiện có, tạo môi trường tâm lý tốt, ở đó đội ngũ được tự chủ, cống hiến, sáng tạo.
Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ Giáo dục mầm non năm học 2023-2024, Giám đốc Sở GD&ĐT giao cho giáo dục mầm non thành phố tìm các giải pháp giảm áp lực trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chăm sóc giáo dục trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non.
Hội thảo "Tạo động lực cho cán bộ, giáo viên mầm non trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn". |
Mục tiêu chính là tạo động lực làm việc cho đội ngũ cán bộ giáo viên mầm non hướng tới xây dựng trường mầm non non hạnh phúc, tôn trọng quyền trẻ em như chủ đề năm học do Vụ giáo dục mầm non, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động.
Việc tạo động lực làm việc giúp đội ngũ cán bộ, giáo viên sẵn sàng, say mê công việc, tự nguyện cống hiến sức lực, trí tuệ cho sự phát triển của giáo dục mầm non nói chung và ngành Giáo dục thành phố nói riêng là trách nhiệm của đội ngũ quản lý giáo dục.
Giải pháp thiết thực
Trong thời gian tháng 9,10,11, thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT, phòng Giáo dục và đào tạo các quận, huyện đã xây dựng kế hoạch, hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non triển khai các cuộc họp, hội thảo, thảo luận các giải pháp giảm áp lực đồng thời tạo động lực cho đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.
Trước hết, từ nội tại các cơ sở giáo dục mầm non, nhà trường cần tự tháo gỡ những nút thắt nhỏ nếu có để tạo môi trường làm việc tích cực.
Bên cạnh đó, căn cứ vào những vướng mắc của các nhà trường, từng quận, huyện tiếp tục hội thảo, thảo luận đưa ra các giải pháp cho chính đơn vị mình.
Nắm bắt tâm lý giáo viên
Các nhóm giải pháp được đưa ra trong Hội thảo ngày 8/12. |
Thực tế, phòng GD&ĐT quận Ngô Quyền đã phối hợp với Tổ chức Tầm nhìn thế giới mời chuyên gia bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non kỹ năng quản trị cảm xúc trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Lãnh đạo Sở GD&ĐT đánh giá, hoạt động này cũng là việc thực hiện một trong các giải pháp giúp cho đội ngũ tự giải tỏa những áp lực không cần thiết trong công việc, tạo môi trường làm việc theo mong muốn.
Chương trình Hội thảo "Tạo động lực cho cán bộ, giáo viên mầm non trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn" do Sở GD&ĐT Hải Phòng tổ chức ngày 8/12 vừa qua cũng đã đưa ra nhiều định hướng, giải pháp thiết thực.
Hội thảo tập trung vào 3 giải pháp nhằm tháo gỡ, giảm tải công việc tạo môi trường làm việc tích cực cho đội ngũ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc giáo dục trẻ.
Giải pháp giảm thiểu hồ sơ, sổ sách không hiệu quả trong quản lý chuyên môn cho cán bộ, giáo viên là điều cần thiết.
Theo đó, căn cứ vào Điều lệ trường mầm non, tình hình thực tiễn trong công tác quản lý, cán bộ giáo, viên mầm non đề xuất cắt bỏ, hoặc tích hợp nội dung 1 số loại sổ cho là hình thức, trùng lặp không cần thiết. Xây dựng 1 hệ thống hồ sơ thống nhất thực hiện tránh việc phát sinh hồ sơ trong quá trình thực hiện.
Đại biểu phân tích cụ thể những nội dung cần thiết trong công tác quản lý chuyên môn, ứng dụng công nghệ thông tin, phần mềm quản lý hồ sơ chuyên môn, chữ ký số, thống loại hồ sơ lưu trên môi trường mạng, loại hồ sơ phải viết tay phù hợp với thực tiễn, loại hồ sơ linh hoạt vừa viết tay, vừa ứng dụng công nghệ thông tin.
Việc cắt bỏ hoặc tích hợp 1 số nội dung hồ sơ chuyên môn đảm bảo đáp ứng yêu cầu quản lý trong điều kiện thực tiễn, trên nguyên tắc thực hiện đúng quy chế chuyên môn, đúng các văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo công tác chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục trẻ. Giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho người đứng đầu cơ sở giáo dục mầm non.
Thầy giáo Vũ Văn Tuyến, giáo viên Trường Mầm non Tân Viên, huyện An Lão, TP Hải Phòng. |
Giải pháp tạo điều kiện về cơ sở vật chất, giảm áp lực giáo viên làm đồ dùng đồ chơi cho trẻ giúp thay đổi tư duy của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên trong việc khai thác, sử dụng đồ dùng, đồ chơi giảm sức lao động của giáo viên mầm non.
Để có môi trường tâm lý tốt, cần tìm hiểu các nguyên nhân tạo ra môi trường tâm lý không tốt, áp lực đối với giáo viên mầm non. Nguyên nhân cụ thể: số học sinh đông, xuất hiện nhiều trẻ phải giáo dục hoà nhập; phụ huynh yêu cầu cao, chăm sóc; khi xã hội phát triển, khoa học công nghệ lên ngôi, thông tin lan truyền nhanh khó kiểm soát...
Phân tích nguyên nhân, các nhà trường cần có giải pháp để bảo vệ đội ngũ của mình, tạo không khí làm việc vui vẻ, thân thiện.
Bên cạnh các nhóm giải pháp nói trên, Sở GD&ĐT đã tổ chức đối thoại trực tiếp đối với giáo viên mầm non để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ. Cụ thể, ngày 29/11, ông Bùi Văn Kiệm, Giám đốc Sở GD&ĐT Hải Phòng cùng Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục và các phòng ban liên quan của Sở đã gặp gỡ và tiếp xúc với 5 giáo viên mầm non ở các loại hình và vị trí trường khác nhau: công lập và ngoài công lập, nội thành và ngoại thành, đất liền và ngoài đảo. Qua đó Giám đốc Sở GD&ĐT đã có những chỉ đạo cụ thể đến các phòng ban liên quan, từng bước tháo gỡ khó khăn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên mầm non.
Tác giả bài viết: Thảo Nguyên
Ý kiến bạn đọc