Khẳng định sự cần thiết phải ban hành Thông tư Chuẩn phát triển trẻ em 5 tuổi, Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho rằng: Việc chúng ta đưa vào kế hoạch triển khai ban hành Thông tư cho thấy sự cẩn trọng trong quá trình thực hiện, điều chỉnh rất kỹ, bài bản, rà soát lần nữa để thẩm định tính pháp lý, tính nhất quán trong hành động. Trước đây, đã có các thông tư đánh giá chất lượng cơ sở GD, chúng ta bám theo chuẩn, đánh giá nhưng phải chỉ rõ yêu cầu cần đạt.
Phó Vụ trưởng Vụ GDMN Cù Thị Thủy nhấn mạnh sự cần thiết thay Thông tư 23. Theo đó, thẩm quyền của Bộ GD&ĐT hoàn toàn có thể ban hành Chuẩn này. Từ căn cứ thực tiễn Chuẩn cũ có từ năm 2010, hơn 10 năm đã bộc lộ một số bất cập, trong khi phát triển trẻ 5 tuổi ở Việt Nam yêu cầu đổi mới hội nhập theo yêu cầu đồng bộ với Chương trình GDPT 2018. Thực tế trên cho thấy việc xây dựng và ban hành Thông tư mới là vô cùng cần thiết.
Việc xây dựng “Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” thể hiện nỗ lực to lớn để nâng cao chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ em mầm non trong thời kì mới. Các tiêu chuẩn trong “Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” được thiết kế cho tất cả trẻ em Việt Nam, bất kể giới tính, dân tộc, tình trạng kinh tế xã hội, sự đa dạng văn hóa, và nhu cầu đặc biệt của cá nhân.
Những tiêu chuẩn này có thể được sử dụng với bất kỳ ai quan tâm đến công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ mầm non nói chung và trẻ em năm tuổi nói riêng, gồm: cha mẹ của trẻ hay người chăm sóc, nuôi dưỡng, người giám hộ, nhà giáo dục, bác sĩ nhi khoa, chuyên gia giáo dục mầm non, các nhà khoa học, các nhà hoạch định chính sách và người thực hiện các chính sách giáo dục, cũng như các tác nhân khác tham gia vào công tác giáo dục mầm non.
Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn về sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, cũng như dựa trên các tiêu chuẩn của trẻ em nước ngoài. Các tiêu chuẩn đưa ra trong Thông tư nhằm tạo cơ hội khuyến khích sự phát triển tối ưu thông qua môi trường giáo dục và cơ hội học tập của trẻ em. Đặc tính toàn diện của “Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” giúp mọi người có thể hiểu hơn về những năng lực và giá trị, sự sẵn sàng của trẻ đến học tập và phát triển.
Với tinh thần trách nhiệm cao, các thành viên Ban biên soạn, Tổ biên tập là các chuyên gia đến từ các nhà trường, viện nghiên cứu và cơ quan chức năng của Bộ GD&ĐT đã làm rõ thêm nhiều nội dung cần hoàn thiện. Ban biên soạn đã lắng nghe ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Ngô Thị Minh, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Thông tư để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Tác giả bài viết: Hà An
Ý kiến bạn đọc