Đoàn công tác làm việc về tình hình phát triển sự nghiệp GD&ĐT và chuẩn bị Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của tỉnh Hậu Giang.
Tham gia đoàn công tác của Bộ GD&ĐT có lãnh đạo các Vụ, Cục và các đơn vị trực thuộc Bộ. Tiếp đoàn công tác, tỉnh Hậu Giang có ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy; ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các Phó Chủ tịch cùng Ban Chỉ đạo thi cấp tỉnh.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và đoàn công tác làm việc với lãnh đạo tỉnh và Ban Chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT tỉnh Hậu Giang. |
Báo cáo tình hình phát triển sự nghiệp GD&ĐT, ông Đồng Văn Thanh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết: Hiện toàn tỉnh có 314 cơ sở GD&ĐT, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia đạt 83,07% (đứng thứ 2 khu vực ĐBSCL).
Toàn ngành hiện có gần 9.363 công chức, viên chức và người lao động; trong đó cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn đạt chuẩn trở lên chiếm 99,26%, đội ngũ giáo viên có trình độ đào tạo đạt chuẩn trở lên chiếm 95,76%. Hiện tỉnh còn thiếu trên 650 giáo viên ở các cấp học.
Ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo tại buổi làm việc. |
Tỉnh đã đầu tư mua sắm trang thiết bị dạy học các lớp 1, 2, 3, 6, 7, 10, phòng học tin học, ngoại ngữ các cấp học, với tổng kinh phí hơn 375 tỷ đồng. Hiện tại, tỉnh đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 1, 2, 3, 4, 6, 7, 8, 10, 11. Địa phương cũng đã chủ động bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách, in ấn trang bị tài liệu cho 100% trường tiểu học trong tỉnh để học sinh mượn, với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng; hiện đang tiếp tục bố trí kinh phí in ấn cho cấp THCS, THPT.
Riêng Tài liệu Giáo dục địa phương lớp 5, 9, 12 - tỉnh đang chỉnh sửa hoàn thiện trình Bộ GD&ĐT phê duyệt. Tỉnh cũng đã phê duyệt xong danh mục SGK lớp 5, lớp 9 và lớp 12 sử dụng từ năm học 2024 - 2025.
Hậu Giang có 7.282 thí sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT. Tỉnh bố trí 20 điểm thi với tổng số 320 phòng thi. Để đảm bảo chỉ đạo kỳ thi đạt hiệu quả, tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo và phê duyệt các văn bản tổ chức phân công nhân sự cụ thể cho các hoạt động phục vụ công tác thi trên địa bàn; tập trung tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy chế thi và nghiệp vụ tổ chức thi theo đúng quy chế và tiến độ kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo.
Theo lãnh đạo tỉnh, Hậu Giang hiện còn một số khó khăn, hạn chế như: Vẫn còn tình trạng thiếu giáo viên các cấp học, nhất là giáo viên mầm non, tiểu học; giáo viên dạy môn Anh văn, Tin học, Mỹ thuật, Âm nhạc (do không có nguồn để tuyển dụng); Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tuy được đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới Chương trình GDPT 2018 (một số trường còn thiếu phòng học, phòng chức năng).
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT phát biểu tại buổi làm việc. |
Bà Nguyễn Hoài Thúy Hằng, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết thêm: Lãnh đạo tỉnh rất quan tâm đến công tác GD&ĐT; có chính sách hỗ trợ người học thạc sĩ, tiến sĩ và cán bộ, công chức, viên chức nâng cao trình độ. Giải quyết vấn đề thiếu giáo viên, tỉnh đang sắp xếp, phân công dạy liên trường và kế toán liên trường (đã có Nghị quyết hỗ trợ cho kế toán liên trường từ 2 - 2,5 triệu đồng/tháng). Ngành GD&ĐT cũng đã tham mưu tỉnh có kế hoạch bố trí ngân sách cho giáo viên chưa đạt trình độ tham gia các khóa đào tạo để đạt chuẩn.
Đối với Kỳ thi tốt nghiệp THPT, tỉnh thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Lãnh đạo các huyện, thị, thành phố đều được cơ cấu vào Ban chỉ đạo (BCĐ) thi, bố trí xe nhận đề, giao đề và chịu trách nhiệm về công tác tổ chức thi. Địa phương hỗ trợ các điểm thi, cử lực lượng hỗ trợ thí sinh dự thi. Các điểm thi đều có bố trí phòng dự phòng, cán bộ coi thi dự phòng, bố trí máy phát điện dự phòng, đảm bảo phòng chống cháy nổ…
Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang trao đổi về tình hình KT-XH và phát triển GD&ĐT trên địa bàn tỉnh. |
Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang cho biết: Trải qua 20 năm phát triển, tỉnh có bước chuẩn bị đồng bộ nên tốc độ tăng trưởng ổn định, vươn lên tốp đầu ở ĐBSCL. Kết quả giáo dục cũng được nâng lên, thể hiện sự nỗ lực của ngành GD&ĐT đã lựa chọn đúng trọng tâm, trọng điểm, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đúng, trúng.
Tuy nhiên, nếu so với cả nước tỉnh vẫn còn phải cố gắng nhiều. Sự nghiệp giáo dục không phải ngày một ngày hai là đạt được, nếu không tập trung nỗ lực từ hôm nay thì khoảng cách giáo dục càng trôi xa. Hậu Giang có khát vọng phát triển giáo dục và đào tạo, mong thời gian tới tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của Bộ GD&ĐT.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chúc mừng những kết quả mà tỉnh Hậu Giang đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội. Qua 20 năm hình thành và phát triển, từ một tỉnh khó khăn nay Hậu Giang đã vào nhóm tỉnh có tốc độ phát triển cao, thể hiện sự nỗ lực của lãnh đạo, chính quyền và nhân dân địa phương.
Bộ trưởng ghi nhận công tác chăm lo GD&ĐT trên địa bàn tỉnh. Từ địa phương khó khăn về GD&ĐT, nay tỉnh nằm trong các địa phương có chỉ số giáo dục tốt, nhiều chỉ số giáo dục vượt trội, như tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học, huy động trẻ đến trường, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT, đảm bảo đội ngũ nhà giáo, tỷ lệ trường chuẩn quốc gia… Từ những kết quả đạt được, Bộ trưởng mong Hậu Giang tiếp tục phát huy kết quả, đầu tư bền vững cho sự nghiệp GD&ĐT.
Đặc biệt quan tâm phát triển nguồn nhân lực, phát huy những mặt thuận lợi để phát triển giáo dục địa phương như hạ tầng số, cơ sở vật chất trường học, mua sắm trang bị trường học... Tốc độ phát triển kinh tế tốt là lợi thế tốt, thúc đẩy phát triển con người. Hậu Giang gần TP Cần Thơ - trung tâm giáo dục đại học, tỉnh nên tận dụng lợi thế này để phát triển nguồn nhân lực, đặt hàng đào tạo giáo viên…
Bộ trưởng lưu ý Hậu Giang cần quan tâm, đầu tư kiên cố hóa trường lớp bậc học mầm non; Chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình Giáo dục mầm non mới; Có kế hoạch tuyển dụng giáo viên; Tiếp tục có định hướng phát triển thêm các trường ngoài công lập; Quan tâm tập huấn đội ngũ giáo viên triển khai chương trình mới ở các lớp cuối cấp; Thực hiện tốt các chương trình, hoạt động trải nghiệm, trang bị kỹ năng sống cho học sinh...
Qua kiểm tra, Bộ trưởng ghi nhận sự chuẩn bị chu đáo, kịp thời, đảm bảo các điều kiện cho kỳ thi tốt nghiệp của Ban Chỉ đạo thi Hậu Giang và các điểm thi. Bộ trưởng đề nghị Ban Chỉ đạo thi tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo, có phương án dự phòng ở tất cả các khâu. Đặc biệt tỉnh cần quan tâm công tác đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật tuyệt đối khâu in sao đề thi; chủ động phương án hỗ trợ học sinh trong suốt kỳ thi...
Tác giả bài viết: Quốc Ngữ - Thành Thật
Ý kiến bạn đọc