Ngoài yêu cầu về nhân lực, yếu tố quan trọng nhất để thực hiện chuyển đổi số, có những lớp học, trường học thông minh… là nền tảng ICT – công nghệ thông tin và truyền thông.
Chạy đà hoàn hảo
Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết: Từ thực tế của lần dạy trực tuyến và trên truyền hình được triển khai trong năm học 2019 – 2020 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid – 19, Quảng Nam đã có những điều chỉnh trong đề xuất đầu tư cơ sở vật chất (CSVC) trường lớp. Ngành GD cũng sẽ coi việc dạy – học trực tuyến là loại hình dạy học thường xuyên, bình thường không chỉ trong thời kỳ chống dịch. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong quản lý, dạy – học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục. Tất nhiên, dạy học trực tuyến liên quan nhiều đến trang thiết bị nên một số địa phương, trường học, nhất là miền núi sẽ gặp nhiều khó khăn. Chính vì vậy, trong đề án Hỗ trợ giáo dục miền núi giai đoạn 5 năm 2020 – 2025 cũng có danh mục cho đầu tư bổ sung, nâng cấp thiết bị, chất lượng đường truyền… theo hướng hiện đại, đồng bộ. Trong 5 năm qua, Quảng Nam đã trang bị 2.270 máy vi tính và 1.133 tivi cho trường học ở các huyện miền núi.
Nằm trong hợp phần Khung kiến trúc ứng dụng CNTT ngành GD-ĐT thành phố Đà Nẵng, Sở GD&ĐT Đà Nẵng đang thực hiện các công đoạn liên quan đến xây dựng trung tâm dữ liệu ngành. Trung tâm này cho phép các đơn vị trường học, giáo viên chia sẻ và khai thác các bài giảng E-Learning, sách điện tử, tài liệu điện tử… để phục vụ công tác giảng dạy, học tập. Riêng hợp phần Xây dựng bài giảng điện tử, UBND TP đã bố trí kinh phí với dự toán 5,4 tỷ đồng để thực hiện từ năm học 2020 – 2021. Sở GD&ĐT Đà Nẵng thường xuyên tổ chức cuộc thi thiết kế bài giảng E-Learning, trực tuyến cho GV các bậc học. Mỗi năm có khoảng 1.500 - 2.500 sản phẩm dự thi cấp thành phố. Những sản phẩm được giải cao đều được sở cập nhật lên trang trung tâm học liệu của ngành.
Để chuẩn bị cho đợt dạy trực tuyến sau khai giảng năm học 2020 – 2021 do ảnh hưởng bởi dịch Covid – 19, Trường THCS Tây Sơn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã quay clip bài giảng các môn học đăng lên YouTube và cài giờ trước, sau đó dẫn link về website của trường để phụ huynh lấy đường dẫn. Đây là cách giúp người học chủ động trong việc học qua Internet, không phụ thuộc quá nhiều vào chất lượng đường truyền, thiết bị hoặc không thu xếp được lịch học.
Theo em Trần Hoàng Nam, HS lớp 8, Trường THCS Tây Sơn, việc tự tải bài giảng xuống giúp em và các bạn không bị thoát ra khi lớp quá đông, không sợ rớt mạng hoặc không thu xếp được lịch học. Em có thể chủ động thời gian học, miễn sao hoàn thành các bài học theo thời khóa biểu trong một tuần. Những kiến thức mới, nếu chưa hiểu có thể xem đi xem lại.
Thầy Hồ Hải Sơn, GV Sinh học, Trường THCS Tây Sơn cho biết: Nhà trường và đội ngũ GV không gặp khó khăn khi thực hiện quay và đăng bài giảng lên mạng. Tuy nhiên, về lâu dài, phải tìm kiếm được cổng đào tạo đáp ứng được các nhu cầu như dạy học, kiểm tra online, báo cáo hiệu quả học tập… bởi website của các trường học chỉ đơn giản là một web thông tin thông báo. Theo thầy Sơn, cổng đào tạo là hệ thống liền mạch gồm website, hệ thống dạy học, chấm điểm, quản lý tài khoản. Muốn xây được cổng đào tạo, ngoài bài toán về kinh phí còn là yếu tố con người tham gia vận hành. Trên lý thuyết, để có cổng đào tạo, nhà trường phải phối hợp với công ty phần mềm; có thời gian và kinh phí để hướng dẫn GV sử dụng để giảng dạy.
Kỹ năng số trong môi trường giáo dục số
Năm học 2018 – 2019, Đà Nẵng đầu tư 21 tỷ đồng để mua sắm thiết bị thí nghiệm cảm biến cho phòng học bộ môn Vật lý, Hóa học, Sinh học của trường THPT. Năm học 2019 – 2020, các trường tiếp tục được trang bị thêm. Với bộ dụng cụ này, các tiết học thực hành, thí nghiệm có thể mở rộng ngoài không gian của phòng học bộ môn để kết hợp với các hoạt động ngoại khóa hoặc giờ học thực địa. Ngoài mục tiêu xây dựng hệ thống phòng học bộ môn đạt chuẩn đủ về số lượng cho mỗi trường trung học và có đầy đủ trang thiết bị dạy học hiện đại, đây cũng là bước đón đầu Chương trình – SGK mới và giúp GV, HS bước đầu làm quen với công nghệ tự động hóa và trí tuệ nhân tạo của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Thầy Phan Tiến Dậu – GV Vật lý, Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) nhận xét: So với các thí nghiệm đã có, bộ thí nghiệm cảm biến cho thông số cụ thể và được thể hiện bằng đồ thị các số liệu HS đo được. Nhờ đó tiết kiệm được thời gian tính toán để vẽ đồ thị, HS tin vào kết quả mà các em thí nghiệm được. Bộ thí nghiệm này cũng có đồng hồ đa năng tích hợp được với máy tính.
Cô Kiều Đỗ Ngọc Trinh – GV môn Vật lý, Trường THPT Hoàng Hoa Thám (TP Đà Nẵng) cho biết: Dạy học ứng dụng CNTT không còn xa lạ với GV. Các bài giảng điện tử không chỉ dừng lại ở việc trình chiếu mà còn được GV lồng ghép giữa trình bày lý thuyết và thực nghiệm. Cô Trinh ví dụ: Với những quá trình, hiện tượng khó xảy ra trong tự nhiên hay khó thu được trong phòng thí nghiệm thì thí nghiệm ảo đem lại hiệu quả rất cao trong việc truyền thụ và lĩnh hội kiến thức. Bằng cách sử dụng các ứng dụng tin học như phần mềm soạn thảo bài giảng và trình diễn, phối hợp với phòng thí nghiệm ảo sẽ mang lại hiệu quả cao trong quá trình dạy học.
Cùng với quá trình chuyển đổi số, các trường học cũng đồng thời trang bị kỹ năng số cho giáo viên và HS để thích ứng. Như Trường THPT Trần Phú tổ chức hội thảo Tăng cường năng lực công dân số cho HS. Đây là bước đệm để trường triển khai cho 100% cán bộ, GV khai thác, sử dụng thường xuyên các thiết bị dạy học hiện đại có tích hợp ứng dụng CNTT trong giảng dạy. HS tương tác thành thạo cùng GV qua các thiết bị điện thoại thông minh, máy tính, máy tính bảng để phục vụ quá trình học tập, khai thác thông tin phong phú, hiệu quả hơn.