Hiểu đúng về Chương trình và Sách giáo khoa lớp 1 mới

Chủ nhật - 11/10/2020 10:20 345 0
GD&TĐ - Sau triển khai Chương trình và SGK lớp 1 hơn 1 tháng có ý kiến phản ánh của giáo viên (GV), cha mẹ học sinh (CMHS) cho rằng khó khăn trong quá trình dạy và học; Chương trình, SGK môn Tiếng Việt lớp 1 nặng hơn so với SGK cũ…
Hiểu đúng về Chương trình và Sách giáo khoa lớp 1 mới

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng – Phó tổng Chủ biên CTGDPT 2018; Tổng chủ biên kiêm chủ biên bộ sách Tiếng Việt 1 “Kết nối tri thức với cuộc sống” đã trao đổi xung quanh vấn đề trên để mang tới cách nhìn thấu đáo nhất cho GV, CMHS và dư luận xã hội.

Yêu cầu cao là cần thiết và phù hợp

Có thể thấy tổng số tiết học môn Tiếng Việt cho cả cấp tiểu học trong CT 2000 và CT 2018 không thay đổi. Tuy nhiên, số tiết cho lớp 1 và 2 trong CT 2018 có tăng (2 tiết/tuần cho lớp 1 và 1 tiết/tuần cho lớp 2) so với CT 2000; ngược lại số tiết cho lớp 3, 4, 5 trong CTGDPT 2018 lại giảm.

Theo PGS.TS Bùi Mạnh Hùng: Việc tăng số tiết cho lớp 1 và 2 (các lớp đầu cấp tiểu học) nhằm giúp HS phát triển kĩ năng đọc, viết, nói và nghe Tiếng Việt, nhờ đó có được công cụ để học tốt các môn học khác.

Mặt khác, do mục tiêu của Chương trình đặt ra các kĩ năng Tiếng Việt cao hơn (cùng với việc tăng số tiết), nên tất cả SGK Tiếng Việt 1 mới đều thiết kế chuẩn đầu ra về đọc, viết, nói và nghe cao hơn so với SGK Tiếng Việt 1 năm 2000.

Hiểu đúng về Chương trình và Sách giáo khoa lớp 1 mới - Ảnh minh hoạ 2
PGS.TS Bùi Mạnh Hùng đưa ra lời khuyên "Phụ huynh không nên lo lắng và thúc ép con học thêm nhiều ở nhà...".

Ngoài việc được tăng số tiết (70 tiết/năm), điều kiện dạy học và môi trường phát triển ngôn ngữ của trẻ hiện nay tốt hơn cách đây 20 năm giúp cho việc đạt được chuẩn đầu ra mới là hoàn toàn khả thi.

Cùng đó, mức độ nâng cao chuẩn đầu ra tương thích với số tiết được tăng thêm, điều kiện dạy học và khả năng ngôn ngữ của trẻ hiện nay. Nếu được tăng số tiết mà SGK Tiếng Việt 1 mới không nâng cao kĩ năng đọc, viết, nói và nghe thì lên các lớp trên (3, 4, 5) khi số tiết bị giảm, HS không thể đạt chuẩn đầu ra môn Tiếng Việt cấp Tiểu học ít nhất là bằng với chuẩn đầu ra của tiểu học lâu nay. Tóm lại, việc SGK Tiếng Việt 1 mới có yêu cầu cao hơn so với Tiếng Việt 2000 là rất cần thiết và hoàn toàn phù hợp.

Tuy vậy, PGS.TS Bùi Mạnh Hùng cũng khẳng định trong giai đoạn đầu, giai đoạn học âm chữ, không phải SGK Tiếng Việt 1 mới nào cũng tăng nhiều kiến thức, kĩ năng như phụ huynh phản ánh. Chẳng hạn, có thể tham khảo vài so sánh Tiếng Việt 1 năm 2000 và Tiếng Việt 1 mới, bộ sách Kết nối tri thức với cuộc sống (NXBGD Việt Nam).

Ở SGK Tiếng Việt 1 năm 2000: Phần âm chữ (kể cả 3 nguyên âm đôi) học trong 31 bài, trong đó có 5 bài ôn tập và kể chuyện. Mỗi tuần 5 bài, mỗi bài 2 tiết, tổng: 62 tiết (khoảng 6 tuần, 10 tiết/tuần).

Còn với SGK Tiếng Việt 1 bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống”: Phần âm chữ (kể cả 3 nguyên âm đôi) học trong 30 bài, trong đó có 6 bài ôn tập và kể chuyện. Mỗi tuần 5 bài, mỗi bài 2 tiết. Ngoài ra, theo quy định của Chương trình Tiếng Việt 2018, mỗi tuần có 12 tiết, tăng thêm 2 tiết/tuần so với Chương trình Tiếng Việt 2000, nên sách thiết kế riêng 2 tiết/tuần để HS thực hành đọc, viết vào buổi chiều (nằm trong CT chính khóa).

Như vậy, tổng thời gian cho phần âm chữ là: 60 tiết (buổi sáng) + 12 tiết (buổi chiều) = 72 tiết. Đó là chưa kể Tiếng Việt 1, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” có dành hẳn một tuần đầu tiên ngay sau khi khai giảng để HS làm quen với môi trường học tập mới, làm quen với đồ dùng học tập và luyện viết các nét cơ bản mà chưa phải học đọc và viết chữ.

Nếu tính thêm tuần 0 (tuần làm quen) thì tổng thời gian cho phần học âm chữ là 84 tiết. Cùng số lượng âm chữ như nhau, nhưng SGK Tiếng Việt 1 mới dành thời gian nhiều hơn hẳn so với Tiếng Việt năm 2000.

Hiểu đúng về Chương trình và Sách giáo khoa lớp 1 mới - Ảnh minh hoạ 3
HS lớp 1 đang bắt nhịp với chương trình và SGK1 hào hứng, hiệu quả. Ảnh: Đức Trí

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng minh chứng cụ thể: Với cách thiết kế mới thì mỗi bài học trong Tiếng Việt 1, bộ “Kết nối tri thức với cuộc sống” có yêu cầu đọc số lượng tiếng và từ ngữ nhiều hơn (để giúp HS được luyện đọc nhiều lần âm chữ được học trong bài, chứ không tăng số âm chữ được học); yêu cầu đọc câu và đoạn dài hơn, nhưng theo một trình tự được cân nhắc kĩ và không vượt nhiều so với Tiếng Việt 1 năm 2000.

Ví dụ: Tiếng Việt 2000, từ bài 7 (tuần thứ 2), HS đọc 8 tiếng/từ rời, một câu 3 từ; bài 8, HS đọc 8 tiếng/từ rời, một câu 5 từ; bài 9, HS đọc 8 tiếng/từ rời, một câu 5 từ; Tiếng Việt 1 năm 2020, bộ Kết nối, từ bài 7 (tuần thứ 2, nếu tính cả tuần mở đầu là tuần thứ ba), HS đọc 11 tiếng/từ rời, một câu 4 từ, bài 8, HS đọc 12 tiếng/từ rời, một câu 4 từ; bài 9, HS đọc 12 tiếng/từ, một câu 3 từ. Có thể thấy độ lệch về khối lượng đọc không đáng kể. Số chữ HS cần viết trong mỗi bài cũng tương đương.

Học sinh chỉ cần học tại lớp

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng cũng khẳng định, so với cấu trúc bài học trong Tiếng Việt 2000, Tiếng Việt 1 mới có hoạt động nói và nghe tương tự. Có thêm hoạt động nhận biết (quan sát tranh, đọc hoặc nói theo GV câu thuyết minh tranh để nhận biết âm chữ được học trong bài. Đây là hoạt động nhận biết, HS không cần phải luyện tập gì nhiều).

Hiểu đúng về Chương trình và Sách giáo khoa lớp 1 mới - Ảnh minh hoạ 4
HS lớp 1 có thể học tốt ngay tại lớp dưới sự hướng dẫn của GV. Ảnh: Đức Trí

Như vậy, với thời gian tăng thêm 2 tiết/tuần so với Chương trình Tiếng Việt 2000 thì việc tăng cường rèn luyện kĩ năng thông qua thực hành trong SGK Tiếng Việt 1 mới (bộ Kết nối tri thức với cuộc sống) là cần thiết và phù hợp. HS chỉ cần học ở lớp dưới sự hướng dẫn của các thầy cô.

PGS.TS Bùi Mạnh Hùng đưa ra lời khuyên: Có thể thời gian đầu các em còn khó khăn khi phải làm quen với những kiến thức và kĩ năng mới, nhưng phụ huynh không nên lo lắng và thúc ép con học thêm nhiều ở nhà. CT và SGK đã có tính toán thời gian và điều kiện để một HS trung bình có thể hoàn thành được nội dung học tập trong thời gian học tại lớp theo quy định của CT.

Ngoài ra, sang học vần ở phần sau của tập 1 và “luyện tập tổng hợp” ở tập 2, sách thiết kế với nội dung có tăng thêm, nhưng hoàn toàn căn cứ chuẩn đầu ra của CT 2018 và phù hợp với thời gian mà CT quy định cũng như điều kiện dạy học và khả năng phát triển ngôn ngữ của trẻ hiện nay so với cách đây 20 năm...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập768
  • Hôm nay31,041
  • Tháng hiện tại309,171
  • Tổng lượt truy cập51,665,130
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944