Đây là lần đầu tiên, một trường đại học ở TP.HCM có du học sinh quốc tế đến học ngành Y khoa. Điều này mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đánh dấu bước phát triển về uy tín và trình độ đào tạo Y khoa của các trường đại học Việt Nam.
Tham dự buổi lễ chào đón sinh viên Ấn Độ có sự hiện diện của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Ấn Độ - ông Phạm Sanh Châu, người kết nối và thúc đẩy quan hệ hợp tác về giáo dục Việt Nam - Ấn Độ.
Đợt này, HIU tiếp nhận hơn 20 sinh viên Ấn Độ nhập học Y khoa. Các em là những học sinh xuất sắc đã vượt qua các vòng thi xét tuyển hồ sơ và phỏng vấn của Hội đồng chuyên môn là những giáo sư, tiến sĩ đến từ các bộ môn thuộc khối ngành Sức khỏe và Ngôn ngữ văn hoá quốc tế của HIU diễn ra từ tháng 12/2021.
Để sinh viên Ấn Độ nhanh chóng hoà nhập với môi trường giáo dục mới, HIU đã thành lập Hội đồng sinh viên quốc tế; bố trí ký túc xá, nơi ăn ở, giúp các sinh viên quốc tế có thể yên tâm nhập học.
Sinh viên Khushi Jai Prakash Asrani (Ấn Độ) có ba mẹ đi cùng nhập học tại HIU chia sẻ, khá lo lắng về khác biệt ngôn ngữ và đã cố gắng luyện tập tiếng Việt trước khi đến. Tuy nhiên, khi đến Việt Nam và được thấy mọi người đều rất thân thiện chào đón mình, em cảm thấy rất vui.
“Em đã tìm hiểu rất nhiều về con người, về lịch sử và đất nước Việt Nam trước khi quyết định chọn nơi đây là điểm đến. Em cũng có sự so sánh việc đào tạo Y khoa của nhiều nước để thấy rằng các chính sách của HIU là tốt nhất với em để lựa chọn”, Khushi Jai Prakash Asrani nói.
Sinh viên Narmatha Natesan chia sẻ: “Em chọn học ngành Y bởi vì ba em muốn em trở thành bác sĩ, và Việt Nam là điểm đến vì em biết nơi đây rất an toàn, con người thì thân thiện. Học Y khoa ở Ấn Độ rất khác so với học ở Việt Nam, vì chúng em phải trải qua rất nhiều kỳ thi khó khăn. Em hy vọng mọi thứ sắp tới sẽ thuận lợi và nơi đây sẽ thành ngôi nhà thứ hai của mình!”.
Chia sẻ tại buổi lễ đón nhận sinh viên quốc tế, Đại sứ Phạm Sanh Châu cho biết ông rất vui mừng khi thấy rằng các trường đại học tại Việt Nam đang nỗ lực không ngừng để trở thành điểm đến cho sinh viên quốc tế, điều này mang lại rất nhiều ý nghĩa.
“Thứ nhất, chúng ta sẽ giảm tình trạng chảy máu chất xám, thu hút được ngoại tệ ngay trên đất nước của chúng ta. Thứ hai, chúng ta sẽ làm giàu hơn năng lượng giảng dạy của các thầy cô giáo.
Thứ ba, việc chúng ta đón nhiều sinh viên quốc tế thì theo quy định của UNESCO sẽ làm tăng hạng của chúng ta trong bản đồ giáo dục của thế giới.
Nền giáo dục của Việt Nam ngày càng tân tiến và việc Việt Nam trở thành điểm đến cho các sinh viên quốc tế đến du học là một hướng đi mới tiên phong, có ý nghĩa trong việc đa dạng hóa các mô hình giáo dục đào tạo”, ông Phạm Sanh Châu nói.
Du học sinh Ấn Độ học ngành Y khoa tại HIU theo chương trình đào tạo hoàn toàn bằng tiếng Anh, được triển khai trên cơ sở chương trình chuẩn của Bộ GD&ĐT và Bộ Y tế Việt Nam, đồng thời đổi mới tiệm cận chương trình đào tạo y khoa của các nước tiên tiến trên thế giới.
Ngoài việc học những kiến thức lý thuyết, lâm sàng, sinh viên quốc tế còn được học tiếng Việt và các nét đặc trưng văn hóa Việt Nam. Đặc biệt, sinh viên thực hành tại các phòng thực hành chức năng của trường và đi thực tập tại các bệnh viện là cơ sở y tế liên kết đào tạo với Trường như: Bệnh viện FV, Bệnh viện Thống Nhất, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nguyễn Trãi … và những đợt học thực tế cộng đồng khi tham gia các chương trình như HIU Care – khám răng và khám mắt cho các em học sinh THPT.
Chương trình đào tạo ngành Y khoa tại HIU có tổng thời gian là 6 năm học, sinh viên tốt nghiệp có thể tham gia khám chữa bệnh tại các bệnh viện, các cơ sở y tế; giảng dạy tại các cơ sở đào tạo y dược; làm việc trong các viện nghiên cứu, các cơ quan quản lý ngành khoa học sức khỏe cũng như các tổ chức quốc tế hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe.