Học phí trường tư: Giám sát thu, chi bằng quy định của pháp luật

Thứ bảy - 17/07/2021 21:52 1.257 0
GD&TĐ - Theo quy định, các cơ sở giáo dục tư thục phải thực hiện công khai mức thu cho từng khóa học, cấp học, năm học và đưa vào cam kết khi thành lập trường.
Học phí trường tư: Giám sát thu, chi bằng quy định của pháp luật

Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng - Công ty Luật TNHH Kim Phụng và Cộng sự, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh: Trường hợp phát hiện sai phạm, cần xử lý nghiêm túc, đủ sức răn đe để phòng ngừa vi phạm chung, đặc biệt khi dịch Covid-19 ảnh hưởng đến mọi hoạt động đời sống xã hội.

Cần xem người học là khách hàng

- Luật sư đánh giá thế nào về việc một số trường tư thục điều chỉnh tăng học phí nhưng không đưa ra lý do cụ thể?

Học phí trường tư: Giám sát thu, chi bằng quy định của pháp luật - Ảnh minh hoạ 2
Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng

- Luật Giáo dục, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục đại học hiện hành và các văn bản hướng dẫn đều quy định các cơ sở giáo dục tư thục được quyền chủ động quyết định mức thu học phí và các dịch vụ khác bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy hợp lý. Bên cạnh đó, pháp luật cũng quy định các cơ sở giáo dục tư thục phải thực hiện công khai mức thu cho từng khóa học, cấp học, năm học và đưa vào cam kết khi thành lập trường. Đồng thời, phải thông báo cùng với thông báo tuyển sinh để người học và phụ huynh biết, cân nhắc trước khi lựa chọn; phải thực hiện công khai chi phí của dịch vụ giáo dục...

Tuy nhiên, trong mối quan hệ với phụ huynh và người học, cơ sở giáo dục cần phải xem họ là khách hàng – “thượng đế”, là người có quyền lựa chọn cơ sở cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt nhất, giá cả hợp lý nhất. Yếu tố tôn trọng “khách hàng” cũng không kém phần quan trọng…

Việc công khai mức thu học phí và báo trước lộ trình tăng học phí không chỉ thuộc nội hàm trách nhiệm của cơ sở giáo dục - đào tạo (GD-ĐT), mà còn là sự tôn trọng “khách hàng”, tri ân “khách hàng” đã tin tưởng lựa chọn. Nếu việc tăng học phí không báo trước, không giải trình theo đúng quy định thì đó vừa là vi phạm pháp luật, vừa có thể “lợi bất cập hại” về lợi ích. Trong quan hệ dịch vụ giáo dục, niềm tin của “khách hàng” là một trong các yếu tố quyết định để họ lựa chọn cơ sở GD-ĐT. Phụ huynh và người học sẽ không chọn nơi học mà không biết điều gì sẽ xảy ra trong suốt khóa học, cấp học sắp tới, nhất là về khoản thu và chất lượng giáo dục sẽ nhận được.

- Ngoài yêu cầu công khai mức thu cho từng khóa học, cũng cần tính đến trách nhiệm giải trình của các trường với người học và xã hội. Vậy điều này được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật như thế nào?

- Trách nhiệm giải trình không thể thiếu trong cơ chế tự chủ, là “mặt bên kia” của quyền tự chủ. Có thể nói, cơ sở GD-ĐT có quyền quyết định nội dung nào và phải có trách nhiệm giải trình về quyết định đó.

Học phí trường tư: Giám sát thu, chi bằng quy định của pháp luật - Ảnh minh hoạ 3
Học sinh Trường THPT Nguyễn Siêu (Cầu Giấy, Hà Nội) trong ngày hội STEAM. Ảnh minh họa: TG

Luật pháp cũng tính đến mặt tất yếu này nên có khá nhiều quy định về trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục với xã hội, người học, cơ quan quản lý. Các cơ sở GD-ĐT tư thục và một số cơ sở GD-ĐT công lập (đáp ứng điều kiện tự chủ và tự bảo đảm toàn bộ kinh phí chi thường xuyên) được tự chủ quyết định mức học phí, phải có trách nhiệm giải trình về việc bảo đảm chất lượng đào tạo tương xứng với mức học phí; về tính hợp lý của mức thu học phí, các mức chi phí từ học phí cho các hoạt động giáo dục và tỷ lệ tích luỹ…

Trách nhiệm giải trình học phí được thực hiện trước hết bằng các quy định về công khai, minh bạch thông tin; các báo cáo cơ quan có thẩm quyền và chế độ kiểm toán… Trong đó, quan trọng nhất đối với người học và xã hội là công khai, minh bạch các thông tin liên quan đến học phí để họ so sánh, lựa chọn, giám sát thực hiện.

Các quy định hiện hành về trách nhiệm giải trình tương đối rõ. Ngoài quy định chung trong các luật như đã nói trên còn có Nghị định số 99/2019/NĐ-CP, đặc biệt là Thông tư số 36/2017/TT-BGDĐT quy định cụ thể về thực hiện công khai về cam kết chất lượng GD-ĐT, các điều kiện bảo đảm chất lượng và thu chi tài chính. Bên cạnh nội dung công khai, Thông tư này còn quy định về hình thức và thời điểm công khai rất rõ ràng.

Nếu các cơ sở GD-ĐT thực hiện đúng quy định hiện hành về trách nhiệm giải trình như trên. Phụ huynh, người học nắm được quy định nêu trên để tìm hiểu và lựa chọn cơ sở GD-ĐT thực hiện nghiêm túc, để yêu cầu được biết, được cung cấp vào thời điểm cần thiết… chắc chắn sẽ không đến mức xung đột, khiếu kiện.

Học phí trường tư: Giám sát thu, chi bằng quy định của pháp luật - Ảnh minh hoạ 4
Trường tư và trường công đủ điều kiện tự chủ quyết định mức học phí phải thông báo trước. Ảnh minh họa: TG

Mức phạt chưa đủ sức răn đe

- Hiện, các vi phạm liên quan đến học phí chỉ bị phạt tiền, buộc khắc phục hậu quả và trả lại khoản tiền đã thu sai. Theo luật sư, quy định này đã đủ sức răn đe và phòng ngừa các vi phạm?

- Về chế tài xử lý hành chính, theo đánh giá của chúng tôi, quy định hiện hành chưa ổn. Hiện, các vi phạm liên quan đến học phí chỉ bị phạt tiền trong khoảng từ 10 - 30 triệu đồng và buộc khắc phục hậu quả, trả lại khoản tiền đã thu sai. Mức phạt như trên là quá thấp, nhất là so với mức thu học phí trong các trường tự chủ hiện nay, nên chưa đủ sức răn đe và phòng ngừa vi phạm chung.

Thiết nghĩ, đối với vi phạm các quy định về tài chính, bên cạnh biện pháp khắc phục hậu quả, mức phạt cần quy định cả mức khởi điểm và mức luỹ kế theo nguyên tắc: Phạt gấp nhiều lần mức hưởng lợi do vi phạm mà có. Bên cạnh đó, cũng cần áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung hợp lý khác như: Dừng tuyển sinh đối với trường vi phạm ảnh hưởng nặng tới người học. Việc thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý vi phạm cũng cần phải thực hiện hết sức nghiêm túc mới nâng cao ý thức tuân thủ và có ý nghĩa phòng ngừa chung.

- Xin cảm ơn luật sư!

“Ở các nước phát triển, cơ sở đào tạo uy tín, xếp thứ hạng cao luôn minh bạch học phí theo năm và lộ trình tăng học phí hằng năm để người học có sự lựa chọn phù hợp và chủ động kế hoạch thực hiện. Tôi tin, sau một thời gian hiểu và thực hiện tự chủ đúng nghĩa, khi “khách hàng” có nhiều cơ hội lựa chọn và ngày càng trở thành người tiêu dùng thông thái, lãnh đạo của nhiều trường sẽ không chỉ thực hiện trách nhiệm theo quy định, mà còn coi việc giải trình trở thành nhu cầu mang thông tin đến với người học và xã hội để họ hiểu, lựa chọn và đồng hành cùng nhà trường”. - Luật sư Nguyễn Thị Kim Phụng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập614
  • Hôm nay61,037
  • Tháng hiện tại339,167
  • Tổng lượt truy cập51,695,126
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944