Học sinh THPT được học tín chỉ đại học: Bước đi đột phá

Chủ nhật - 04/02/2024 23:17 53 0
GD&TĐ - Đại học Quốc gia TPHCM dự kiến cho học sinh xuất sắc, có năng lực cấp THPT được học tín chỉ một số môn cơ bản bậc đại học và công nhận kết quả này.
Học sinh THPT được học tín chỉ đại học: Bước đi đột phá

Nhiều chuyên gia giáo dục, giáo viên các trường THPT nhận định đây là bước đi đột phá và khả thi.

Không thể chần chừ

Tại Hội nghị thường niên tổ chức cuối năm 2023, Đại học Quốc gia TPHCM đặt mục tiêu trong năm 2024 sẽ thực hiện công nhận tín chỉ đại học cho một số học sinh THPT vượt trội. Theo đó, các em có thể theo học một số môn học cơ bản trên nền tảng của Đại học Quốc gia TPHCM theo phương thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Hình thức này được thực hiện đối với học sinh THPT có tài năng vượt trội, không dành riêng cho học sinh trường chuyên, năng khiếu.

Nhiều chuyên gia đặt câu hỏi: Có cần thiết kiểm tra, đánh giá năng lực, trình độ của học sinh trước khi tham gia học trước tín chỉ đại học hay không. Theo đó, có người cho rằng, không cần kiểm soát đầu vào, nên mở rộng cho tất cả học sinh THPT ở mọi trình độ, học lực.

“Chỉ cần việc học, kiểm tra và thi kết thúc học phần nghiêm túc, các em hoàn thành tốt, tức là minh chứng cho năng lực học tập rồi”, một chuyên gia ý kiến. Trong khi đó, một số ý kiến khác đề nghị cần có quy định rõ tiêu chuẩn đầu vào cho học sinh để tránh việc đổ xô học trước tín chỉ đại học theo trào lưu, gây lãng phí thời gian và ảnh hưởng đến việc học chính khóa của các em.

Giải thích lý do đặt ra kế hoạch này, PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM nói: “Tôi thấy nhiều trường đại học lớn như Đại học Thanh Hoa, Bắc Kinh, có cơ chế đột phá cho học sinh giỏi vượt trội.

Các tài năng đặc biệt 14 tuổi có thể vào đại học, 16 - 18 tuổi tốt nghiệp đại học, 20 tuổi tốt nghiệp tiến sĩ. Nếu chúng ta cứ đi theo mô hình tuyến tính mà không đột phá thì không biết bao giờ mới thành công”.

Theo Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM, hình thức này mở ra nhiều lợi ích cho học sinh tài năng. Các em có cơ hội tiếp cận giáo dục đại học sớm, từ đó có thể hoàn thành chương trình đào tạo nhanh hơn. Được định hướng nghề nghiệp, làm quen môi trường đại học nên người học có thể rút ngắn thời gian học đại học tối đa khoảng 1 năm nếu trước đó tham gia học tập hình thức này.

Đại học Quốc gia TPHCM đang xây dựng đề án và điều kiện cụ thể cho kế hoạch học tín chỉ này. Dự kiến, học sinh học qua hệ thống bài giảng trực tuyến MOOCs của các trường thành viên, sau đó dự thi trực tiếp để được công nhận tín chỉ. “Hiện việc đào tạo đại học được thực hiện từng bước, như vậy khó để phát triển. Đại học Quốc gia TPHCM phải mạnh dạn triển khai vì Nghị quyết 45 của Ban Chấp hành Trung ương tạo cơ chế chính sách vượt trội cho sự phát triển của hai Đại học Quốc gia trong việc đầu tư, phát triển nguồn nhân lực”, PGS.TS Vũ Hải Quân cho biết.

TS Nguyễn Thị Huyền Thảo - giáo viên Lịch sử, Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) đánh giá đề xuất của Đại học Quốc gia TPHCM phù hợp với mục tiêu đổi mới của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, Bộ GD&ĐT cũng chủ trương xây dựng môn học theo hướng các chuyên đề, giúp học sinh tích luỹ tín chỉ để rút ngắn thời gian học đại học.

Đây là bước đi phù hợp với xu thế chung của thế giới. Chẳng hạn, tại Australia, chương trình giáo dục cho phép học sinh học một số tín chỉ trong quá trình chuẩn bị đăng ký vào các trường đại học. Theo TS Thảo, việc xây dựng chương trình và cho phép học sinh đăng ký học một số tín chỉ ở cấp THPT sẽ giúp các em sớm tiếp cận chương trình học đại học và rút ngắn thời gian theo học đại học.

ThS Phạm Lê Thanh - giáo viên Hóa học, Trường THPT Nguyễn Hiền, (TPHCM) cũng cho rằng, học sinh học tích luỹ tín chỉ đại học ở cấp THPT là điều mới và phù hợp xu hướng. “Giới trẻ ngày nay rất giỏi, nhạy bén. Nếu có cơ hội, họ sẽ rút ngắn được lộ trình học, hoàn thành chương trình đại học, sớm ra nghề và phụng sự xã hội”, thầy Thanh đánh giá.

Cũng theo ThS Thanh, với chuyên ngành liên quan đến hóa học ở bậc đại học, các môn đại cương năm đầu tiên có kiến thức gần giống chương trình THPT. Những em có sở trường, năng khiếu về hóa học hoàn toàn có thể theo học sớm khối kiến thức đại cương này.

Học sinh THPT trải nghiệm hoạt động STEM tại Trường Đại học Việt Đức, tháng 1/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Học sinh THPT trải nghiệm hoạt động STEM tại Trường Đại học Việt Đức, tháng 1/2024. Ảnh: Mạnh Tùng

Linh động hình thức giảng dạy

PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) cho biết, đề xuất của Đại học Quốc gia TPHCM về việc cho học sinh xuất sắc, có năng lực cấp THPT được học tín chỉ một số môn cơ bản bậc đại học hoàn toàn có khả năng thực hiện thời điểm này.

Chủ trương của Đại học Quốc gia TPHCM là xây dựng một hệ thống chung, để đổi mới chương trình và phương pháp giảng dạy, triển khai đồng bộ hệ thống quản lý học tập LMS, hệ thống bài giảng trực tuyến MOOCs. Sau khi Đại học Quốc gia TPHCM xây dựng thành công hệ thống này, học sinh đăng ký học tập các tín chỉ, sau đó tham gia làm bài kiểm tra.

Tổ chức hình thức học tập này không quá khó, TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM nhận định và lưu ý: Nếu triển khai đề án trên, trước mỗi học kỳ, các trường đại học sẽ công bố danh mục môn học cho học sinh THPT. Hệ thống đăng ký tín chỉ cũng mở cho học sinh với mã số tạm để ghi nhận kết quả học tập.

Theo ông Nhân, khi tổ chức chương trình, học sinh cần được học chung với sinh viên đại học. Điều này đảm bảo các em học tập, làm bài, kiểm tra như sinh viên thực thụ để đạt chất lượng học tập tốt nhất. “Vấn đề nằm ở học sinh. Liệu các em có thể sắp xếp được thời gian học tập chính khóa THPT và tham gia học tập ở giảng đường hay không. Dĩ nhiên việc học tập là tự nguyện, những em mong muốn tham gia sẽ có cách sắp xếp phù hợp”, ông nhìn nhận.

Ở góc độ giáo viên THPT, TS Nguyễn Thị Huyền Thảo - Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TPHCM) đề nghị nên thí điểm chương trình này cho học sinh các trường chuyên, năng khiếu, đánh giá hiệu quả rồi mới tính đến mở rộng ở các trường THPT khác. “Học sinh ở trường chuyên, năng khiếu có khả năng tiếp nhận kiến thức, tự học tốt và biết sắp xếp thời gian nên việc học trước một số tín chỉ đại học sẽ phù hợp với những em có thể đảm bảo việc học”, cô Thảo giải thích.

Về hình thức học tập và thi cử, theo TS Thảo, có thể linh động trực tuyến hoặc xen kẽ trực tuyến, trực tiếp. Các em chỉ nên học một số tín chỉ thuộc chương trình chung (đại cương), không nên học chuyên ngành. Ví dụ, học sinh THPT có năng lực học tập tốt, có thể học một số môn như Lịch sử Văn minh thế giới, Lịch sử Đảng cộng sản Việt Nam… ở ngành Lịch sử bậc đại học.

Học sinh Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (TPHCM) tham quan học tập và trải nghiệm một ngày làm sinh viên tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: HCMUT

Học sinh Trường THCS - THPT Đinh Thiện Lý (TPHCM) tham quan học tập và trải nghiệm một ngày làm sinh viên tại Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM. Ảnh: HCMUT

Phù hợp năng lực học sinh THPT

Năm 2021, Sở GD&ĐT TPHCM kiến nghị Bộ GD&ĐT cho phép học sinh các trường chuyên được thi và công nhận hoàn thành một số tín chỉ ở các môn cơ bản đang giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng. Đại học Quốc gia TPHCM từng có đề án đề xuất học sinh giỏi Trường Phổ thông năng khiếu (Đại học Quốc gia TPHCM) có thể học và thi tín chỉ một số môn học ở chương trình đại học. Tuy nhiên, các đề xuất trên chưa được triển khai do trở ngại về vấn đề học phí, cách thức cấp tín chỉ, tổ chức…

Theo nhiều chuyên gia, ngoài tổ chức cho học sinh THPT học tín chỉ đại học ra sao, các trường đại học phải tính đến yếu tố môn học phù hợp với năng lực học sinh và đảm bảo chất lượng đào tạo. PGS.TS Vũ Hải Quân - Giám đốc Đại học Quốc gia TPHCM cho biết, trong kế hoạch cho học sinh cấp THPT học tín chỉ đại học, sẽ có những quy định cụ thể về năng lực. Dù áp dụng cho học sinh tài năng ở tất cả trường phổ thông, không chỉ khu trú trường chuyên, năng khiếu, song học sinh muốn theo học chương trình, phải có năng lực, tố chất nhất định.

PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) đồng tình khi cho rằng, cho học sinh học trước tín chỉ đại học phải tính yếu tố phù hợp năng lực, phẩm chất người học. Ông nhấn mạnh, đối tượng áp dụng nhất thiết phải là em có tố chất, tài năng vì chương trình đại học yêu cầu những nhân tố có đủ phẩm chất, năng lực mới có thể tham gia chương trình học.

“Ở các nước trên thế giới, có học sinh 14 tuổi đã bước chân vào giảng đường đại học, thậm chí có trường hợp 11 - 12 tuổi. Như vậy, gia đình đỡ phải đầu tư, xã hội không phải bỏ nhiều thời gian, công sức; học sinh rút ngắn được thời gian và đơn vị tuyển dụng cũng có thể nhận được những lao động có tài, làm việc được trong thời gian ngắn”, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa cho biết thêm.

ThS Phạm Thái Sơn - Giám đốc Trung tâm Tuyển sinh và Truyền thông - Trường Đại học Công Thương TPHCM đề xuất, nếu mô hình này được thí điểm thành công ở Đại học Quốc gia TPHCM, có thể tiến hành mở rộng cho các trường đại học khác.

Cũng theo ThS Sơn, không chỉ cho học sinh học trước tín chỉ đại học mà còn có thể rà soát, công nhận những kiến thức đã học ở cấp THPT. Chẳng hạn, nhiều môn học cơ bản ở các trường chuyên, năng khiếu có lượng kiến thức tương tự như một số môn đại cương bậc đại học, có thể xem xét để công nhận tín chỉ tương đương. “Nếu kiến thức đã học thì không nên tiếp tục dạy lại, vừa tốn thời gian, vừa tốn tiền bạc của người học”, ông Sơn lý giải.

PGS.TS Trần Thiên Phúc - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TPHCM) nhận định, với hướng đi đột phá này, có thể giải quyết bài toán nhân lực ở nhiều ngành có nhu cầu lớn hiện nay.

Ông lấy dẫn chứng thực trạng nguồn nhân lực ở ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn và cho rằng, nếu các trường đại học không mạnh dạn đổi mới trong đào tạo, rất khó đáp ứng nhu cầu để phát triển kinh tế - xã hội. “Ngoài đẩy mạnh mở rộng quy mô đào tạo của cơ sở đào tạo, phải nghĩ ra những cơ chế để giúp chúng ta tìm ra con người đầy đủ tố chất trong thời gian ngắn nhất”, ông nói.

Tác giả bài viết: Mạnh Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập791
  • Hôm nay56,921
  • Tháng hiện tại335,051
  • Tổng lượt truy cập51,691,010
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944