Học trò Mường rộn ràng đón Tết

Thứ bảy - 13/02/2021 06:08 234 0
GD&TĐ - Giống như trẻ em khắp nơi, học sinh dân tộc Mường cũng háo hức mong đợi Tết với những phấn khởi, rộn ràng. Không khí Tết hiện hữu trong từng giờ dạy của các thầy cô Trường THCS Hạ Trung (Bá Thước, Thanh Hóa).
Học trò Mường rộn ràng đón Tết

Ấm áp không khí Tết

Bá Thước có 3 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là Mường, Thái, Kinh. Vùng đất này là quê hương của “cây chu đá, lá chu đồng, bông thau quả thiếc” trong sử thi Đẻ đất đẻ nước của dân tộc Mường. Ngày Tết cổ truyền nơi đây vì thế cũng mang nét đặc sắc riêng.

Thầy Phạm Văn Nam – Tổng phụ trách Đội, giáo viên Trường THCS Hạ Trung, chia sẻ: Sinh ra ở vùng quê nghèo miền núi Bá Thước, từ nhỏ tôi có ước mơ cháy bỏng là được đứng trên bục giảng. Trường tôi đang công tác có gần 100% HS là người Mường. Nơi đây vẫn giữ được các trò chơi dân gian trong các dịp lễ Tết như: Múa Pôồn Pôông, hát Xường, Đang...

Như thông lệ, hằng năm, trước Tết Nguyên đán, thầy trò nhà trường luôn có các chương trình vận động quyên góp “Tết vì người nghèo” được đông đảo GV, HS tham gia và có được những phần quà thiết thực nhằm động viên giúp đỡ các em có hoàn cảnh khó khăn. Những phần quà này tuy ít về giá trị vật chất nhưng giàu ý nghĩa tinh thần, thường được các thầy cô mang đến trao tận nhà cho học trò...

“Gìn giữ nét đẹp của dân tộc thiểu số trong các dịp lễ, Tết luôn là thông điệp mà thầy cô kêu gọi các em hưởng ứng”, thầy Phạm Văn Nam cho biết.

Thầy Nam kể: Tết là dịp để đoàn viên, cha mẹ, anh chị em đi làm ăn xa cũng chỉ sắp xếp về được trong dịp này nên ai cũng mong. Những ngày cận Tết, tiết học nào thầy trò cũng có vài phút đề cập chủ đề Tết khiến không khí giờ học thêm tươi vui, rộn ràng hơn.

Theo thầy Nam, văn hóa Mường, Kinh đã có sự giao thoa nhiều. Bởi vậy, với học sinh người Mường, những ký ức về Tết Nguyên đán cũng khá đầy đủ và thú vị. Người Mường vẫn còn giữ được nhiều tập tục.

Chẳng hạn, sau giờ Giao thừa, việc đầu tiên là gia đình phải thay bánh trái... mới trên bàn thờ gia tiên. Quan trọng nhất là thay nước (nước này thường lấy ở những giếng được coi là sạch sẽ và linh thiêng nhất của làng hoặc của khu vực đó. Người Mường gọi là “Nước khú nước rồng”), sau đó gia chủ khấn chúc Tết gia tiên...

Hay như sáng mồng 1, vẫn là tục xông đất (giống người Kinh) nhưng trước đó là lễ “Mừng tuổi”. Gia đình đặt đồ lễ lên bàn thờ tổ tiên, thắp hương, và “mừng tuổi” gia tiên, kế đến là con cái trong gia đình mừng tuổi ông bà, cha mẹ... và tất nhiên trẻ em vẫn có lì xì.

Học sinh người Mường chuẩn bị đón Tết về cơ bản không khác người Kinh là bao. Có vài trò chơi dân gian mà các em học sinh rất thích chơi trong dịp Tết như: Chọi cù, đánh khăng, đánh mảng (đánh mắng), chơi chuyền, ném còn, bắn nỏ, đẩy gậy...

Học trò Mường rộn ràng đón Tết - Ảnh minh hoạ 2
Thầy Phạm Văn Nam bên người dân địa phương.

Thầy cô rộn ràng đón Tết

Thầy Phạm Văn Nam cho biết: Tết với thầy cô không có gì đặc biệt, ngoại trừ việc mỗi năm lại có thêm những hoàn cảnh học sinh khó khăn cần động viên, giúp đỡ. Cứ gần Tết, nhà trường lại rà soát hoàn cảnh của tất cả học sinh để kịp thời có những hỗ trợ bằng hình thức tặng quà, mong các em có cái Tết ấm áp hơn bên gia đình.

Cũng như những người con xa quê khác, thầy cô ở dưới xuôi chuẩn bị để về sum họp với gia đình. Các thầy cô người địa phương lại hòa cùng không khí Tết của thôn bản và học trò.

Chia sẻ về chuyện lương, thưởng dịp Tết, thầy Phạm Văn Nam nói: Lương giáo viên thì không thay đổi còn “thưởng Tết” vẫn là chuyện muôn thuở, từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn. Chúng tôi gọi là “quà” chứ không gọi là thưởng.

“Tuy nhiên, chúng tôi đều hiểu đó cũng là khó khăn chung của ngành chứ không phải mỗi nơi mình, và cũng đâu thể so sánh với các công ty hay doanh nghiệp về thưởng Tết hay “tháng lương 13” nọ kia... Quả thật là những ngày đầu tôi cũng nghĩ mình khổ lắm. Cho đến khi có những người em (có cả em ruột tôi) và rất nhiều đồng nghiệp mà tôi biết đang công tác ở nơi khó khăn gấp bội lần, mới thấy khó khăn của bản thân đâu thấm gì gian nan mà nhiều người khác đang trải qua. Tôi thấy mình vẫn “sướng” chán, có lẽ chỉ vất vả hơn thầy cô dưới xuôi chút thôi”, thầy Phạm Văn Nam trải lòng.

Được chọn là Đại sứ Chương trình Điều ước cho em của tỉnh Thanh Hóa, thầy Phạm Văn Nam mong năm mới trường lớp được đầu tư khang trang đầy đủ hơn, học trò đến trường đỡ vất vả hơn, đời sống giáo viên ngày càng cải thiện...

Tôi mong không có học trò nào phải bỏ học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, mỗi ngày đến trường các em đều có được niềm vui và tiến bộ hàng ngày. Có lẽ, đây cũng là mong mỏi lớn nhất, hạnh phúc lớn nhất của tất cả thầy cô đang hàng ngày, hàng giờ đồng hành cùng học trò dân tộc, vùng cao. - Thầy Phạm Văn Nam 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập315
  • Hôm nay16,139
  • Tháng hiện tại294,269
  • Tổng lượt truy cập51,650,228
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944