Yêu nghề
Hơn 10 năm sau ngày ra trường, cô Huyền luôn được phụ huynh HS tin yêu, nhà trường tin tưởng giao trọng trách làm GV chủ nhiệm. Với những thành tích cao trong giảng dạy và công tác chủ nhiệm, cô Huyền luôn được phân công đón học trò lớp Một.
Cô Hoàng Thị Thanh Hà - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nam Hòa nhận xét: Cô Huyền là GV trẻ năng động, giỏi chuyên môn, luôn chịu khó, nhiệt tình với công việc của trường, lớp. Với nỗ lực của bản thân, cô Huyền từng là GV dạy giỏi cấp tỉnh, GV chủ nhiệm giỏi. Tính tình cởi mở, gần gũi và thân thiện nên cô Huyền được phụ huynh tin tưởng, ủng hộ trong công tác.
Cô Huyền đến với nghề giáo bởi tình yêu, ước mơ từ ngày bé. Cô bộc bạch: Ba năm học THPT tôi càng nung nấu ước mơ ngày nào khi thần tượng của tôi là cô giáo chủ nhiệm. Cô nghiêm khắc nhưng rất tình cảm nên ngoài giờ học tôi có thể tâm sự với cô như một người bạn. Thành công của tôi ngày hôm nay luôn có bóng dáng của cô.
Năm 2009, sau khi tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Hải Dương, cô Huyền về giảng dạy tại Trường Tiểu học Nam Hòa. 11 năm công tác trong ngành Giáo dục là chừng ấy năm cô được giao làm GV chủ nhiệm, trong đó có đến 10 năm dạy HS lớp Một.
“Dạy HS lớp Một tuy kiến thức đơn giản nhưng do các con còn nhỏ nên tôi vừa dạy vừa dỗ. Nhiều khi công việc bận rộn, áp lực song được nhìn những ánh mắt ngây thơ, nụ cười hồn nhiên của học trò như “liều thuốc tinh thần” giúp tôi vượt lên tất cả để vững bước hơn trong sự nghiệp”, cô Huyền cho hay.
Trong quá trình công tác, cô Huyền luôn hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao. Từ năm học 2013 - 2014 đến năm học 2019 - 2020, cô giáo trẻ liên tục đạt danh hiệu GV dạy giỏi và GV chủ nhiệm giỏi cấp thị xã. Hai lần cô Huyền được Chủ tịch thị xã Quảng Yên khen tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Đặc biệt năm học 2016 - 2017, cô Huyền đạt danh hiệu GV dạy giỏi cấp tỉnh.
Hết mình vì học trò
Năm học 2020 - 2021, năm đầu tiên thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp Một. Hơn nữa, đây là năm học đặc biệt bởi ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Một năm học với khó khăn bộn bề nhưng tình yêu nghề, mến trẻ giúp cô Huyền nỗ lực hết mình để cống hiến cho ngành Giáo dục thị xã Quảng Yên.
Cô Huyền kể: Bắt nhịp chương trình mới trong điều kiện dịch bệnh, cô trò không có tuần “0” để làm quen nên có nhiều khó khăn. Vào năm học một thời gian, dịch bệnh CoVid-19 có những diễn biến phức tạp. Với chỉ đạo “tạm dừng đến trường không dừng việc học”, cô trò chúng tôi đều cố gắng. Lớp học trực tuyến trên phần mềm Zoom được xây dựng, cô thường xuyên giao lưu, hỏi han sức khỏe và cùng trò học tập.
Lớp 1A cô Huyền chủ nhiệm có 32/33 HS được gia đình trang bị máy tính, điện thoại thông minh phục vụ học trực tuyến. Duy có một HS mồ côi, ở tại chùa nên không có điều kiện theo học. Thấy vậy, cô Huyền đề nghị nhà trường tạo điều kiện cho cô được đón em về nhà riêng để học cùng các bạn. Quá trình dạy học, cô Huyền luôn coi HS như con của mình, gần gũi và yêu thương. Cô luôn phát huy tinh thần tự giác, tích cực của HS qua những giờ học “mở”. HS vừa được học, chơi và giao lưu cùng GV nên giờ học luôn sôi nổi, học trò hào hứng.
Cô Huyền kể, 11 năm ra trường, nhưng đến giờ không quên được hình ảnh cậu học trò lớp 5 bướng bỉnh nhiều lần làm cô giáo trẻ “thót tim”.
“Năm đầu tiên đi dạy, tôi được BGH phân công chủ nhiệm lớp 5. Lớp có một HS cá biệt. Em học yếu, ngỗ nghịch, hay quấy phá bạn bè. Có lần tôi bắt em chép phạt nhiều trang giấy. Em vừa viết, vừa khóc, ánh mắt tức tối, giận hờn lộ rõ trên khuôn mặt. Sau mỗi lần như thế em đều tìm cách “trả đũa” tôi bằng những việc làm khó tưởng: Khi thì dính kẹo cao su lên ghế cô ngồi; bẻ vụn phấn để cô không viết được, thậm chí chọc lốp xe để cô dắt bộ khi ra về...”, cô Huyền nhớ lại.
Qua tìm hiểu, biết em sống với bà nội, hoàn cảnh khó khăn, thay vì trách phạt cô Huyền đã tận tình dạy bảo, gần gũi và yêu thương em nhiều hơn. Nhận được sự quan tâm, chỉ bảo của cô, em có nhiều chuyển biến tích cực từ thái độ sống đến học tập. Trong buổi chia tay lớp cuối năm học, cô Huyền bất ngờ khi thấy HS chạy tới, vòng tay ôm thật chặt lấy cô kèm theo giọng nói nghẹn ngào trong nước mắt: “Em xin lỗi đã làm cô buồn. Em sẽ không thế nữa, cô đừng xa chúng em”.
Cô Huyền tâm sự: “Hình ảnh cậu học trò bướng bỉnh, giàu tình cảm in đậm trong tâm trí, đó là động lực nhắc nhở, động viên tôi trong công việc. Tôi thầm nghĩ sự hi sinh thầm lặng của người thầy vô cùng ý nghĩa khi hạt giống tâm hồn được gieo trong trái tim mỗi học trò”.