Tại điểm thi Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, thí sinh Nhất Huy (Trường THCS Hưng Dũng, TP Vinh) dự thi lớp chuyên tiếng Anh cho biết, đề năm nay khá dài, kiểm tra học sinh ở tất cả các kỹ năng phát âm, nghe, đọc hiểu, và viết luận. Bài luận năm nay yêu cầu thí sinh nói về ý kiến "trẻ con dành nhiều thời gian đọc sách là lãng phí, nên dành thời gian cho các hoạt động khác".
"Em thấy chủ đề không quá bất ngờ và bản thân mình viết khá tốt. Nhưng khó khăn nhất đối với em là phần nghe, em không nghe được hết toàn bộ bài, vì vậy cũng không chắc chắn mình trả lời đúng toàn bộ câu hỏi", Huy chia sẻ.
Trong khi đó, em Trần Thị Ngọc Hân (Trường THCS thị trấn Nghĩa Đàn, huyện Nghĩa Đàn) đánh giá đề thi chuyên tiếng Anh khó. Nhưng mục đích của Hân là thử sức xem năng lực của mình đến đâu so với các bạn khác trong tỉnh, và em cũng đã cố gắng hết sức.
Với môn chuyên Địa lý, thí sinh Quỳnh Anh (Trường Phổ thông chất lượng cao Phượng Hoàng) cho biết không quá khó, em làm bài tốt. Các câu hỏi trong đề chủ yếu kiểm tra kiến thức của thí sinh, phần liên hệ thực tế không nhiều. Ngoài ra câu xác định và vẽ biểu đồ, Quỳnh Anh cũng xác định được nhanh chóng.
Về đề thi môn Ngữ văn, em Lê Châu Nguyên (huyện Tân Kỳ) cho biết, đề thi chuyên nên khó, dài và đòi hỏi tư duy cao. Với câu đọc hiểu là câu kiểm tra kiến thức thì không khó khăn.
Câu nghị luận xã hội nêu ý kiến về một quan điểm "Nên bắt đầu từ sự cho đi. Đó là bí mật của sự may mắn" đối với em không bất ngờ. Bởi vì chủ đề này đã được thầy cô nhắc đến trong quá trình ôn tập và em cũng đã được liên hệ nhiều trong tác phẩm văn học. Về câu nghị luận văn học em thấy khó vì nó có tính lý luận. Thí sinh phải đưa ra các luận điểm để chứng minh vấn đề qua tác phẩm Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng.
Theo nhiều thí sinh, đề văn khá nặng, đòi hỏi thí sinh phải có lập luận, hiểu biết và phải có kiến thức văn học sâu rộng. Ngoài ra phải có khả năng cảm thụ văn học tốt.
Nhận định về đề thi môn Ngữ văn, một giáo viên ở Thành phố Vinh cho rằng: Đề thi năm nay đảm bảo cấu trúc của đề chuyên, theo quy định của Sở. Ngữ liệu câu 1 phù hợp với học sinh, có tính giáo dục. Đề cũng giàu tính nhân văn khi đề cập đến ý nghĩa của lời ru bởi lời ru nuôi dưỡng tâm hồn trẻ và nêu bật được tình cảm yêu thương của cha mẹ, che chở, nâng bước cho con.
Các câu hỏi của phần đọc hiểu cũng đảm bảo dung lượng của một đề thi. Trong đó, vừa kiểm tra kiến thức cơ bản về tiếng Việt, vừa kiểm tra được năng liệu cảm thụ văn chương của học sinh.
Câu hỏi nghị luận xã hội, bàn đến vấn đề quan trọng và quen thuộc trong cuộc sống đó là cho và nhận. Chủ đề không mới nhưng cách hỏi có tính chất gợi mở, đòi hỏi tư duy và cảm xúc học sinh.
Câu nghị luận văn học cũng đã bàn đến đặc trưng nội dung văn học và có sự liên kết với câu hỏi đọc hiểu khi nói về tình cảm gia đình. Tuy nhiên, giáo viên này cho rằng, cách hỏi thì chưa thực sự mở và khi định hướng yêu cầu học trò ngay trong đề. Yêu cầu đề có lượng kiến thức nặng, hàn lâm. Nhưng như vậy chưa chắc đã đánh giá, phân loại học sinh, giữa những em giỏi văn vì chuyên cần, siêng năng luyện tập với học sinh có tố chất, năng lực cảm thụ văn học, linh hoạt, sáng tạo.