Tại đây, người đứng đầu ngành Giáo dục cho biết: “Bộ GD&ĐT sẵn sàng cùng địa phương xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực, gắn chặt chẽ với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới đây của từng địa phương”.
Hai từ khóa của kỳ thi: "An toàn" và "Chất lượng"
- Đến kiểm tra tại nhiều địa phương về công tác chuẩn bị tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ trưởng đánh giá thế nào về sự chuẩn bị của các địa phương đến thời điểm này và có những lưu ý gì để bảo đảm tổ chức tốt kỳ thi năm nay?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Qua làm việc có thể thấy, các địa phương đều coi kỳ thi năm nay là nhiệm vụ chính trị - xã hội quan trọng nên cơ bản có sự chuẩn bị tích cực và chu đáo.
Đến thời điểm này, tất cả địa phương đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban. Các Ban Chỉ đạo cũng ban hành kế hoạch tổ chức kỳ thi, trong đó phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban Chỉ đạo và cho các sở/ngành/đơn vị liên quan.
Tuy nhiên, cũng có nơi thành phần Ban Chỉ đạo còn mỏng hoặc chưa hợp lý, Bộ GD&ĐT đã kịp thời có ý kiến, các địa phương tiếp thu để điều chỉnh, bổ sung kịp thời. Hầu hết địa phương đều có Chỉ thị của Thường vụ Tỉnh ủy hoặc của Chủ tịch UBND tỉnh về lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương bảo đảm an toàn, nghiêm túc, chất lượng.
Công tác chuẩn bị cơ sở vật chất cho kỳ thi cũng được các địa phương quan tâm thực hiện, bảo đảm đúng quy chế, phù hợp với tình hình thực tế. Tại các tỉnh miền núi, điều kiện đi lại khó khăn, có thể xảy ra thiên tai, mưa lũ bất ngờ trong những ngày diễn ra kỳ thi, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu địa phương có phương án và kịch bản ứng phó, không để học sinh nào vì điều kiện đi lại, hoàn cảnh khó khăn mà không thể tham dự kỳ thi. Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các địa phương có phương án chủ động để ứng phó với những trường hợp bất thường do ảnh hưởng của dịch bệnh, nhất là dịch bệnh Covid-19 vẫn còn những nguy cơ.
Hiện các địa phương tập trung chỉ đạo ôn tập cho học sinh để bảo đảm có một kỳ thi chất lượng. Về nhiệm vụ này, Bộ GD&ĐT đã lưu ý cần có biện pháp ôn tập thiết thực, hiệu quả, dành sự quan tâm hơn tới nhóm học sinh yếu và học sinh vùng khó khăn trong thời gian nghỉ học phòng chống dịch bệnh Covid-19 chưa được tiếp cận đầy đủ với học trực tuyến, qua truyền hình.
Đây là năm đầu tiên có 3 lực lượng thanh tra cùng tham gia giám sát kỳ thi, trong đó thanh tra tỉnh lần đầu tham gia vào nhiệm vụ này. Đối với công tác thanh tra, cần xác định phòng ngừa là chính chứ không phải để xử lý, vì vậy, tập huấn công tác thanh tra phải được làm thật kỹ, ai nắm chắc quy trình, nhiệm vụ mới đưa vào đoàn thanh tra, nếu không chắc không đưa vào.
Để thực hiện được 2 mục tiêu quan trọng của kỳ thi là "an toàn" và "chất lượng", tại các cuộc làm việc, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu địa phương tiếp tục rà soát lại toàn bộ các công đoạn chuẩn bị tổ chức kỳ thi. Trong quá trình chuẩn bị còn điểm gì chưa rõ, băn khoăn, các địa phương cần trao đổi trực tiếp với Bộ để cùng tháo gỡ, giải quyết kịp thời.
Chủ động các điều kiện triển khai chương trình mới
- Một nội dung cũng được Bộ trưởng và đoàn công tác của Bộ tìm hiểu tại địa phương lần này là việc chuẩn bị điều kiện triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, trước hết đối với lớp 1 từ năm học 2020 - 2021, Bộ trưởng có chia sẻ gì về công tác này tại các địa phương?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Mỗi địa phương có đặc thù và điều kiện khác nhau, nên việc chuẩn bị các điều kiện cho triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới cũng có sự khác biệt. Những địa phương đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đến làm việc lần này hầu hết thuộc vùng khó khăn, song đều đã có sự chuẩn bị sẵn sàng cho triển khai chương trình lớp 1 từ năm học tới đây.
Các địa phương đã ưu tiên bố trí ngân sách và huy động nguồn lực xã hội hóa để xây dựng, cải tạo, kiên cố hóa phòng học, xóa lớp tạm, lớp ghép, mua sắm bổ sung thiết bị dạy học, bảo đảm 100% học sinh lớp 1 được học 2 buổi/ngày; rà soát, bố trí đội ngũ giáo viên bảo đảm đủ tỷ lệ giáo viên/lớp đối với khối lớp 1. Có thể nói, đây là nỗ lực rất lớn và đáng ghi nhận của các địa phương.
Tuy nhiên, từ thực tế chuẩn bị cho lớp 1 cho thấy việc triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới những năm tiếp theo sẽ đặt ra bài toán khó cho không ít địa phương.
Để giải bài toán này, ngay từ bây giờ các địa phương cần rà soát để xây dựng đề án phát triển đội ngũ giáo viên cho 5 năm tới. Từ thực trạng thừa - thiếu và chất lượng đội ngũ ở từng cấp học, môn học hiện nay, cùng với nhu cầu về giáo viên cho giai đoạn sắp tới, đề án sẽ đưa ra định hướng, giải pháp chủ động phát triển đội ngũ cho từng năm, tránh được tình trạng ở một số nơi còn "bị động" như thời gian qua.
Cùng với đề án về giáo viên, các địa phương cần rà soát và xây dựng đề án về đầu tư cơ sở vật chất cho giáo dục. Trong đó, tính toán đến việc dồn dịch các điểm trường lẻ, sắp xếp lại trường có quy mô nhỏ sao cho hợp lý với tinh thần lấy chất lượng giáo dục là mục tiêu.
Phương châm ở đâu có học sinh thì ở đấy phải có trường lớp, giáo viên. Sắp xếp trường, lớp tinh gọn nhưng phải bảo đảm chất lượng giáo dục không bị giảm. Thực hiện đầu tư theo lộ trình cuốn chiếu và xác định được vốn đầu tư từ các nguồn khác nhau như: Ngân sách địa phương, các chương trình, dự án hoặc nguồn xã hội hóa.
Có 2 đề án này quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ rất bài bản. Điều kiện về đội ngũ giáo viên, trường lớp, thiết bị được chủ động và có lộ trình để thực hiện. Bộ GD&ĐT đang hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương xây dựng 2 đề án này.
Nguồn nhân lực - yếu tố đột phá cho phát triển
- Tại các cuộc làm việc với lãnh đạo địa phương, Bộ trưởng còn gợi vấn đề mà các địa phương nên xây dựng, đó là đề án phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 5 năm, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới đây của các địa phương. Tại sao Bộ trưởng lại có gợi mở này?
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ: Như chúng ta đều biết, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao được xác định là một trong các đột phá chiến lược để phát triển kinh tế - xã hội. Thực tế cũng cho thấy, địa phương nào chú trọng quan tâm đến phát triển nguồn nhân lực, đào tạo và thu hút được nguồn nhân lực tốt, địa phương đó sẽ có lợi thế trong phát triển.
Thời điểm này, khi các địa phương đang chuẩn bị cho Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ mới, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là hoàn thiện báo cáo chính trị cho đại hội -định hướng từ báo cáo chính trị cũng chính là đường hướng phát triển cho 5 năm tiếp theo của mỗi địa phương - thì việc có một đề án về phát triển nguồn nhân lực gắn mật thiết với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương để đưa vào báo cáo chính trị là cần thiết.
Trên cơ sở rà soát, đánh giá thực trạng nguồn nhân lực, nhìn nhận tiềm năng, thế mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đề án phát triển nguồn nhân lực sẽ đưa ra định hướng đâu là nhân lực cần trong giai đoạn tới, số lượng, chất lượng nguồn nhân lực và giải pháp để phát triển nguồn nhân lực ấy đáp ứng với yêu cầu thực tế.
Đào tạo nguồn nhân lực không phải là việc "một sớm một chiều" mà cần có thời gian, vì vậy, định hướng về phát triển nguồn nhân lực luôn phải đi trước một bước. Đây là thời điểm thích hợp để các địa phương đưa ra bản hoạch định về nguồn nhân lực từ nay đến năm 2025 và tầm nhìn xa hơn thông qua một đề án căn cơ và bài bản.
Bộ GD&ĐT sẵn sàng hỗ trợ, tư vấn và cùng các địa phương xây dựng đề án quan trọng này.
- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 thành công tốt đẹp, được xã hội ghi nhận. Các địa phương cần rút kinh nghiệm từ kỳ thi này và những kỳ thi trước để tổ chức kỳ thi năm nay, những gì tốt cần phát huy, điểm hạn chế cần khắc phục. Trong đó lưu ý, tuyệt đối không chủ quan ở bất cứ khâu nào.