Ngày 20/6/2024, Đoàn công tác của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD&ĐT đã đến khảo sát, tham vấn về chính sách đối với nhà giáo trong cơ sở giáo dục ngoài công lập tại Trường Đại học Nam Cần Thơ, phục vụ hoàn thiện dự thảo hồ sơ Luật Nhà giáo.
Tham gia đoàn công tác có Ông Đặng Văn Bình, Phó Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, cùng các chuyên gia tham gia soạn thảo Luật Nhà giáo.
Trường Đại học Nam Cần Thơ được thành lập theo Quyết định số 230/QĐ-TTg ngày 25/1/2013 của Thủ tướng Chính phủ và được Bộ GD&ĐT cho phép hoạt động đào tạo theo Quyết định số 1335/QĐ-BGDĐT ngày 12/4/2013.
Sứ mệnh của nhà trường là đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, trình độ cao; thực hiện nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ tư vấn và phù hợp với nhu cầu xã hội, theo hướng ứng dụng trong các lĩnh vực sức khỏe, kinh tế-xã hội, kỹ thuật-công nghệ để phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của Khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long nói riêng và cả nước nói chung, đồng thời tham gia hội nhập vào khu vực Đông Nam Á.
Hiện tại, nhà trường có hơn 153 CBQL, trong đó có 7 người trong Hội đồng trường (1 Chủ tịch, 1 Phó chủ tịch, 5 uỷ viên); 6 người trong Ban Giám hiệu (1 Hiệu trưởng, 5 Phó Hiệu trưởng); 979 giảng viên cơ hữu. Song song đó, trường còn mời giảng một số giảng viên có thâm niên giảng dạy và có kinh nghiệm giảng dạy tại các trường đại học lớn tham gia thỉnh giảng.
TS. Nguyễn Trí Dũng - Phó Trưởng khoa Luật góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo. |
Tại phiên làm việc, các cán bộ quản lý, nhà giáo của Trường Đại học Nam Cần Thơ đã chia sẻ về các chính sách tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo tại Trường, đồng thời góp ý cụ thể đối với dự thảo hồ sơ Luật Nhà giáo.
Trường Đại học Nam Cần Thơ luôn quan tâm thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách đối với nhà giáo. Trong đó, chính sách tiền lương nhà giáo thực hiện theo cơ chế tự chủ do Hội đồng trường quyết định.
Chính sách tiền lương đối với nhà giáo của nhà trường được xây dựng theo cơ chế chi trả theo năng lực, trình độ của nhà giáo, không cào bằng và đảm bảo nhà giáo sống được bằng lương, yên tâm công tác và cống hiến trong hoạt động nghề nghiệp của mình.
Tuy nhiên, trao đổi về thực trạng đội ngũ của nhà trường, TS. Nguyễn Văn Quang - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ khó khăn trong việc tuyển dụng đội ngũ giảng viên của một số ngành như điều dưỡng, kiến trúc do số nhà giáo có trình độ Tiến sĩ của các ngành này không nhiều nên thiếu nguồn tuyển dù nhà trường có chính sách thu hút và các chế độ đãi ngộ tương đối tốt đối với các giảng viên có trình độ cao.
Kiến nghị với Bộ GD&ĐT, TS.Trần Hữu Xinh, Phó hiệu trưởng nhà trường đề xuất trong Luật Nhà giáo cần nghiên cứu để có chính sách đặc thù trong sử dụng nhà giáo đối với những khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, thiếu nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thầy Nguyễn Trí Dũng - Phó Trưởng khoa Luật góp ý cụ thể đối với dự thảo quy định về hợp đồng nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo để đảm bảo sự đồng bộ với các quy định trong Luật Lao động.
Các thông tin khảo sát từ thực trạng tuyển dụng, sử dụng, quản lý nhà giáo và các ý kiến góp ý của cán bộ quản lý, giảng viên tại Trường Đại học Nam Cần Thơ là cơ sở thực tế quan trọng để Ban soạn thảo Luật tham khảo, hoàn thiện các đề xuất chính sách đối với nhà giáo trong dự thảo Luật Nhà giáo.
Tác giả bài viết: PV
Ý kiến bạn đọc