Theo đó, đoàn công tác của Bộ GD&ĐT do ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc làm trưởng đoàn, kiểm tra việc thực hiện "Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong Chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021-2030" (gọi chung là Quyết định 142 của Chính phủ) tại các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai.
Tại Đắk Lắk, đoàn đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tại thị xã Buôn Hồ, huyện Cư M'gar và huyện Buôn Đôn.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Đắk Lắk, năm học 2023-2024 vừa qua, Đắk Lắk có 68 trường tiểu học tổ chức dạy học tiếng Ê đê (giảm 19 trường so với năm học 2022-2023) với 532 lớp và 11.468 học sinh. Đối với cấp THCS, toàn tỉnh có 12 trường với 24 lớp và 889 học sinh.
Theo ông Đỗ Tường Hiệp - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk, hiện nay đội ngũ đào giáo viên dạy tiếng Ê đê trên địa bàn chưa được đào tạo đúng chuyên ngành dạy tiếng dân tộc thiểu số (DTTS).
"Giáo viên dạy tiếng Ê đê hiện nay chỉ được bồi dưỡng chuyên môn qua các lớp bồi dưỡng, tập huấn ngắn hạn do các trường cao đẳng, đại học hoặc Sở tổ chức. Vì vậy, chất lượng dạy học chưa bảo đảm. Một vấn đề nữa, việc bố trí biên chế giáo viên theo đúng vị trí việc làm cũng chưa thực hiện được", ông Hiệp nêu.
Còn theo bà Nay H' Ban - Trưởng Ban nghiên cứu Giáo dục học sinh dân tộc, Sở GD&ĐT Đắk Lắk cho biết, sở dĩ địa phương mới chỉ dạy tiếng Ê đê, còn tiếng M' Nông chưa triển khai vì bộ sách giáo khoa (SGK) do Bộ GD&ĐT phát hành lấy chữ viết của người M' Nông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
"Người M' Nông ở Đắk Lắk chủ yếu tập trung ở 2 huyện Krông Bông và Lắk nhưng bằng số người M' Nông của cả tỉnh Đắk Nông. Chữ viết của người M' Nông tại Đắk Lắk có những âm, ký tự khác người M' Nông tại Đắk Nông. Chính vì vậy, Đắk Lắk chưa thể sử dụng bộ SGK do Bộ GD&ĐT phát hành để dạy cho học sinh", bà H' Ban nói.
Trao đổi tại buổi làm việc, lãnh đạo các huyện: Buôn Đôn, Cư Kui, Cư M'gar nêu những khó khăn trong việc triển khai dạy học tiếng Ê đê tại địa phương. Bên cạnh khó bố trí vị trí việc làm cho giáo viên, cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng yêu cầu dạy học.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục dân tộc Nguyễn Văn Thanh chia sẻ với những khó khăn của Đắk Lắk trong việc triển khai thực hiện Quyết định số 142 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời lưu ý, các trường học xây dựng vị trí việc làm bố trí thêm 1 giáo viên dạy tiếng DTTS trong tổng thể biên chế được giao.
Trong điều kiện khó khăn, tỉnh nên phát động cuộc thi giáo viên tự làm đồ dùng, thiết bị dạy học tiếng DTTS.
Về dạy học tiếng M' Nông, tỉnh cần gấp rút triển khai các điều kiện để tổ chức dạy học sớm nhất có thể.
"Bộ GD&ĐT không thể ban hành mỗi tỉnh một bộ SGK, vì vậy, khi phát hiện có sự khác biệt ở phương ngữ, ký tự ... thì thành lập hội đồng chuyên môn để hỗ trợ giáo viên nhằm bảo đảm chất lượng dạy học. Trước mắt, xem cái nào vận dụng được thì sử dụng. Quan điểm chung, cái gì có lợi cho người học thì cần linh hoạt, phù hợp", ông Thanh nói.
Trao đổi tại các buổi làm việc với Sở GD&ĐT Đắk Lắk đại diện các Cục, Vụ thuộc Bộ GD&ĐT đề nghị Sở GD&ĐT phối hợp các sở, ngành, địa phương khắc phục khó khăn, triển khai hiệu quả dạy học các môn học tiếng DTTS. Trọng tâm, phối hợp Trường Đại học Tây Nguyên triển khai đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS bảo đảm chuẩn trình độ theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Ý kiến bạn đọc