Kiểm tra trực tuyến hoàn toàn phù hợp khi học sinh chưa được đến trường

Thứ hai - 25/10/2021 03:16 246 0
GD&TĐ - Hiện tại là thời điểm các trường đang chuẩn bị cho công tác kiểm tra đánh giá giữa học kỳ I. Tại những nơi học sinh đang học qua trực tuyến và truyền hình, việc kiểm tra đánh giá sẽ khó hơn so với học trực tiếp.
Kiểm tra trực tuyến hoàn toàn phù hợp khi học sinh chưa được đến trường

Ba Đình là quận đầu tiên của Thành phố Hà Nội tổ chức kiểm tra cuối năm theo hình thức trực tuyến tại Trường THCS Thành Công đạt hiệu quả. Ông Lê Đức Thuận, Trưởng Phòng GD&ĐT quận Ba Đình đã trao đổi xung quanh vấn đề kiểm tra đánh giá trực tuyến thời gian tới.

+ Thưa ông, Hà Nội đang triển khai dạy học trực tuyến, vậy Phòng GD&ĐT có chỉ đạo gì các nhà trường trong quá trình chuẩn bị và tiến hành kiểm tra đánh giá giữa kỳ?

Ông Lê Đức Thuận: Chuẩn bị tốt điều kiện để thực hiện kiểm tra, đánh giá theo hình thức trực tuyến là lưu ý của Bộ Giáo dục và Đào tạo với các địa phương và nhà trường để thực hiện nhiệm vụ năm học mới 2021-2022.

Thực hiện chỉ đạo của Sở GD&ĐT Hà Nội, theo kinh nghiệm đã tổ chức kiểm tra trực tuyến thành công cuối năm học trước, Phòng GD&ĐT quận Ba Đình chỉ đạo các nhà trường, nếu đến giữa học kỳ I, học sinh vẫn chưa thể đến trường học thì việc kiểm tra trực tuyến vẫn diễn ra theo đúng tiến độ ở các trường Tiểu học và THCS.

Các nhà trường xây dựng phương án, kế hoạch kiểm tra giữa kỳ phù hợp với đặc điểm từng môn học, có tính đồng bộ, thống nhất trong các khối lớp, có hướng dẫn chi tiết cụ thể cho HS, đặc biệt HS đầu cấp.

Riêng lớp 1, 2 do đặc thù các con còn nhỏ, kĩ năng về Công nghệ thông tin còn hạn chế, vẫn cần sự hỗ trợ của phụ huynh khi học và làm bài nên Phòng GD&ĐT quận chỉ đạo các trường cân nhắc phương án tổ chức kiểm tra trực tuyến hoặc hình thức khác phù hợp, báo cáo Phòng GD&ĐT quận để xem xét, phê duyệt theo đúng quy định và phù hợp thực tiễn tại đơn vị.

Kiểm tra trực tuyến hoàn toàn phù hợp khi học sinh chưa được đến trường - Ảnh minh hoạ 2
Kiểm tra trực tuyến phù hợp khi học sinh chưa được đến trường

+ Việc kiểm tra đánh giá trực tuyến theo ông có phản ánh hết thực chất dạy học không? Và cần có biện pháp ra sao để phản ánh đúng thực chất kết quả?

Dạy học trực tuyến - dù các nhà trường, giáo viên, học sinh và phụ huynh học sinh đều rất nỗ lực cố gắng, đồng hành và sẻ chia cùng nhau, nhưng rõ ràng hiệu quả không thể như học trực tiếp. Vì thế kiểm tra đánh giá trực tuyến cũng không thể phản ánh hết thực chất quá trình và chất lượng dạy của thầy cũng như hiệu quả học tập của trò.

Vấn đề mà nhà trường cũng như phụ huynh băn khoăn là việc giám sát học sinh làm bài sao cho chặt chẽ, nghiêm túc để đánh giá công bằng, khách quan. Khi làm bài ở nhà, học sinh có thể hỏi bài, kể cả nhờ người người khác làm giúp nên rất khó kiểm soát.

Để giải quyết vấn đề đó, phần nào giảm thiểu những băn khoăn, lo lắng trên, các nhà trường cần xây dựng phương án kiểm tra trực tuyến với những kịch bản cụ thể:

Phương án kiểm tra trực tuyến khả thi nhất là học sinh đến trường kiểm tra tại phòng tin học hoặc huy động thêm máy tính của giáo viên, học sinh, phụ huynh. Nhà trường sẽ chia các ca thi, đề thi được bảo mật, có ngân hàng để đảm bảo chất lượng; đảm bảo giãn cách, đo thân nhiệt và kiểm soát kĩ sức khỏe của học sinh khi đến trường.

Cách tổ chức này vừa an toàn về mặt phòng dịch, vừa đảm bảo công bằng, nghiêm túc. Tuy nhiên với những trường có sĩ số đông, việc kiểm tra như vậy sẽ mất nhiều thời gian, công sức tổ chức. Và đương nhiên nếu học sinh được các cấp cho phép tới trường sau thời gian ở nhà để dạy-học trực tuyến.

Với phương án học sinh kiểm tra trực tuyến tại nhà, nhà trường sẽ bố trí các ca thi cho từng khối; mỗi lớp sẽ được chia thành các nhóm nhỏ 20-25 học sinh, làm thành một phòng thi, bố trí 2 GV giám sát, ngoài ra còn có sự giám sát bên ngoài của Ban giám hiệu, giám thị. Học sinh phải bật đủ camera và micro khi làm bài, nếu không sẽ phạm quy. Kiểm tra trực tuyến tại nhà luôn cần 2 thiết bị có camera, trong đó 1 thiết bị làm bài và 1 thiết bị dùng để quay, giám sát.

Việc xây dựng đề thi cũng rất quan trọng. Đề thi (nhất là các môn xã hội) phải mang tính chất gợi mở. Hình thức kiểm tra không nhất thiết phải theo phom mẫu truyền thống mà có thể cho học sinh viết bài thu hoạch, làm các sản phẩm, dự án học tập theo từng cá nhân hoặc theo nhóm (với học sinh lớn);

Cùng đó có thể kết hợp trong các giờ học trực tuyến, giáo viên cho học sinh kiểm tra vấn đáp hoặc thuyết trình để đánh giá định kì. Với các môn tự luận, đề thi cần thiết là đề mở, học sinh có thể sử dụng tài liệu nhưng cần đưa quan điểm, hiểu biết cá nhân để đánh giá vấn đề.

Kiểm tra trực tuyến hoàn toàn phù hợp khi học sinh chưa được đến trường - Ảnh minh hoạ 3
Các nhà trường cần xây dựng kế hoạch kiểm tra trực tuyến cụ thể 
(Ảnh minh họa)

+ Dù là quận đã tiến hành việc kiểm tra đánh giá trực tuyến khá thành công, tuy nhiên, theo ông khi triển khai các nhà trường sẽ gặp khó khăn gì?

Trước hết về yếu tố khách quan: Đường truyền mạng, trang thiết bị máy móc của học sinh và giáo viên. Chưa có phần mềm hay hệ thống phục vụ kiểm tra đánh giá trực tuyến chuyên nghiệp, đồng bộ. Hiện tại vẫn là có gì dùng đấy, quen, tiện thì sử dụng, đôi khi chưa lường hết được những hạn chế của phần mềm mà nhà trường lựa chọn.

Các yếu tố chủ quan: Kĩ năng CNTT của giáo viên và học sinh, nhất là khi giải quyết và xử lý các vấn đề phát sinh. Ý thức tự giác, trung thực khi làm bài của khọc sinh và trách nhiệm khi giám sát của giáo viên.

Với một bài giữa kỳ, các nhà trường hoàn toàn có thể làm tốt bởi học sinh luôn được rèn tính trung thực, học thật thi thật. Và mỗi nhà trường cũng đều có nội quy, qui định để học sinh phải thực hiện nghiêm túc qui chế thi, kiểm tra.

Không chỉ trực tuyến mà trực tiếp, khi học sinh không trung thực thì cũng vẫn có nhiều cách để gian lận thi cử. Vì vậy việc học trực tuyến và kiểm tra trực tuyến là điều hoàn toàn phù hợp khi học sinh chưa được đến trường.

+ Xin cảm ơn ông!

Theo Hướng dẫn tăng cường chất lượng dạy học khi học sinh trở lại trường (ban hành ngày 22-10), Bộ GD&ĐT nhấn mạnh việc tránh gây áp lực cho học sinh, chưa tổ chức kiểm tra định kỳ ngay khi chưa có thời gian củng cố kiến thức.

Cùng đó yêu cầu các nhà trường chủ động rà soát, phân loại kết quả học tập trực tuyến và qua truyền hình của các nhóm đối tượng học sinh để điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường phù hợp với điều kiện thực tế, theo hướng bù đắp nội dung kiến thức còn thiếu trong thời gian dạy học trực tiếp, qua truyền hình;

Tận dụng thời gian vàng để triển khai các nội dung dạy học phù hợp với hình thức trực tiếp, vận dụng các phương pháp dạy học tích cực để nâng chất lượng giáo dục...

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập639
  • Hôm nay60,946
  • Tháng hiện tại339,076
  • Tổng lượt truy cập51,695,035
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944