Kinh nghiệm về hội đồng trường, hội đồng quản trị ở một số quốc gia

Thứ ba - 25/09/2018 01:58 464 0
GD&TĐ - Để phục vụ cho việc xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (GDĐH), đáp ứng mục tiêu hội nhập khu vực và quốc tế về GDĐH, việc tổng kết kinh nghiệm nước ngoài về pháp luật GDĐH trong đó tổng kết kinh nghiệm quản trị đại học ở nước ngoài là yêu cầu khách quan, làm cơ sở cho việc đề xuất các chính sách và quy định cụ thể về quản trị đại học trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH (gọi tắt là Luật GDĐH sửa đổi).
Kinh nghiệm về hội đồng trường, hội đồng quản trị ở một số quốc gia

Hoa Kỳ: Số lượng thành viên HĐQT do trường tự quyết

Ở Hoa Kỳ, các trường đại học có các mô hình quản trị khá đa dạng, tuy nhiên cũng có nhiều nét tương đồng. Mỗi trường đại học gọi tên tổ chức thực hiện công việc quản trị khác nhau: Board of directors, trustees, governers, regents; dịch ra tiếng Việt đều mang nghĩa là Hội đồng quản trị (HĐQT).

Đây là cơ quan chịu trách nhiệm cao nhất về chất lượng đào tạo, về sự chính trực trong học thuật, về tài chính và tài sản của nhà trường. HĐQT là cơ quan đưa ra chủ trương đường lối và chính sách, biện hộ và bảo vệ cho nhà trường và chịu trách nhiệm về tính thống nhất toàn vẹn cũng như chất lượng hoạt động của toàn bộ nhà trường. Tuy vậy, nó không can thiệp vào những hoạt động hàng ngày, những công việc ở tầm quản lý vi mô của nhà trường.

Luật GDĐH (Higher Education Act) không đưa ra quy định chung về số lượng thành viên Hội đồng quản trị cần phải có do mức độ phân quyền rất cao. Số lượng thành viên Hội đồng quản trị sẽ do trường tự quyết định dựa vào quy mô của trường.

Theo khảo sát của nhóm nghiên cứu ở một số bang, số lượng thành viên Hội đồng quản trị ở các trường đại học công thường trong khoảng 12 - 26 thành viên, trong đó có sự tham gia của các thành phần do chính quyền bang bổ nhiệm và có từ 1 - 2 người là đại diện của sinh viên. Nhiệm kỳ sẽ được chia theo từng nhóm đối tượng chứ không có nhiệm kỳ chung. Ví dụ như đại diện của sinh viên thường chỉ có nhiệm kỳ từ 1 - 2 năm.

Ở Hoa Kỳ, cách thức bầu ra Hội đồng quản trị của trường đại học khá đa dạng. Tuy nhiên dù được bổ nhiệm theo phương thức nào, thiết chế này cũng phải chịu trách nhiệm cơ bản đối với nhà trường và không để chính trị hay những ảnh hưởng khác can thiệp vào bổn phận của họ với tư cách thành viên Hội đồng quản trị của nhà trường.

Pháp: Không có quy định về hội đồng quản trị trường đại học tư

Ở Pháp, theo quy định tại Điều L712-3 Bộ luật Giáo dục, Hội đồng quản trị (conseil d’administration) được thành lập ở trường công lập gồm từ 24 đến 36 thành viên, trong đó:

- Từ 8 - 16 đại diện cho giảng viên-nghiên cứu viên và các nhân sự tương tự, các giảng viên, các nghiên cứu viên đang thực hiện công việc trong trường đại học;

- 8 nhân sự ngoài trường đại học;

- 4 hoặc 6 đại diện cho sinh viên;

- 4 hoặc 6 đại diện cho các nhân viên là kỹ sư, hành chính, kỹ thuật, thư viện đang thực hiện nhiệm vụ của trường.

Như vậy, với số lượng thành viên tối thiểu là 24 thì số lượng thành viên ngoài trường đạt tỷ lệ 1/3.

Đối với trường ngoài công lập, do thừa nhận nguyên tắc tự do trong GDĐH, Bộ luật Giáo dục không có nhiều quy định về tổ chức của trường đại học tư. Không có quy định nào về hội đồng quản trị trường đại học tư. Bộ luật chỉ đưa ra một vài quy định liên quan đến quản lý trường đại học tư. Điều L731-4 quy định trường đại học tư phải có ít nhất ba người quản lý. Trong tuyên bố mở trường đại học phải ghi rõ họ tên, nghề nghiệp, nơi cư trú của các sáng lập viên hoặc những người quản lý. Do vậy, có thể thấy việc quản trị trường đại học tư do trường tự quyết định.

Trung Quốc: Hội đồng trường có tối thiểu 21 thành viên

Ở Trung Quốc, Quyết định 37/BGD-2014 do Bộ Giáo dục ban hành quy định Hội đồng trường do trường đại học thành lập. Theo quy định này, Hội đồng trường có tối thiểu 21 thành viên; thường hoạt động với nhiệm kỳ 5 năm; quy chế, chương trình làm việc của Hội đồng trường do nhà trường xây dựng.

Hội đồng trường trong cơ cấu tổ chức của trường đại học chưa được thể chế hoá trong Luật GDĐH sửa đổi năm 2015. Hội đồng trường gồm có chủ sở hữu hoặc người đại diện, hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên đại diện và nhân viên khác. Hơn một phần ba thành phần Hội đồng trường cần có 5 năm kinh nghiệm giảng dạy trở lên.

Đối với trường tư thục, Hội đồng quản trị bao gồm năm thành viên trở lên và có một hội trưởng hoặc một chủ tịch. Danh sách hội trưởng và các thành viên hoặc là chủ tịch và các thành viên phải được báo cáo cơ quan phê duyệt hồ sơ (Điều 21 Luật Xúc tiến giáo dục tư thục).

Thái Lan: Nhà vua bổ nhiệm hội đồng trường đại học công lập

Ở Thái Lan, các trường đại học được điều hành bởi các hội đồng trường, bộ phận chịu trách nhiệm về xây dựng chính sách, kiểm soát, đánh giá chất lượng và tiêu chuẩn. Ngoài sự giám sát rộng của Ủy ban GDĐH, chính phủ chỉ thực hiện quản lý các trường đại học thông qua các hội đồng trường.

Đối với các trường đại học công lập, chủ tịch cũng như các thành viên của hội đồng trường được bổ nhiệm bởi Nhà vua, được lựa chọn trong số các viên chức quản lý của trường, các thành viên của khoa chuyên môn hoặc các thành viên khác của chính quyền Thái Lan. Các trường đại học công lập tự chủ có thêm thành phần là các chuyên gia bên ngoài trường. Trong các cơ sở đại học tư thục, người thành lập trường đề xuất chủ tịch và các thành viên của hội đồng trường, sau đó Bộ trưởng Bộ Giáo dục bổ nhiệm họ.

Hội đồng trường của các trường đại học công lập chịu trách nhiệm về quản lý nhân sự trong phạm vi quy chế của Ủy ban GDĐH quốc gia. Trong khi đó hội đồng trường của các trường đại học công lập tự chủ và các trường đại học tư thục có quyền kiểm soát đầy đủ đối với việc quản lý nhân sự và tài chính của trường.

Bài học kinh nghiệm cho Việt Nam

Hiện nay, vị trí, vai trò, chức năng, cơ chế hoạt động của Hội đồng trường, Hội đồng quản trị được Thủ tướng Chính phủ quy định chi tiết tại Điều lệ trường đại học, và quy định tại quy chế đại học quốc gia, đại học vùng. Tuy nhiên, hiện nay thiết chế này chưa phát huy hiệu quả do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân từ sự bất cập hoặc chưa đầy đủ của pháp luật về Hội đồng trường/HĐQT.

Từ cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm quản trị đại học nước ngoài ở trên, Việt Nam có thể học tập kinh nghiệm của các nước như sau:

- Thống nhất tên gọi của thiết chế quản trị của cả trường công lập và tư thục là Hội đồng trường.

- Quy định cụ thể số lượng, thành phần hội đồng và liệt kê trong văn bản luật, đồng thời xác định Hội đồng trường như cơ quan lãnh đạo cao nhất của nhà trường và có trách nhiệm giải trình trước Nhà nước và xã hội về kết quả hoạt động của trường (như kinh nghiệm của Thái Lan, Trung Quốc).

- Quy định cơ cấu thành phần của Hội đồng trường gồm những người trong và ngoài nhà trường, trong đó tăng cường số lượng người ngoài trường để đại diện cộng đồng có thể tham gia quản trị cơ sở GDĐH. Tỷ lệ 30% là tỷ lệ tối đa mà Bộ luật Giáo dục Pháp cho phép, trong khi đó ở nhiều nước số lượng người ngoài trường có thể nhiều hơn. Bổ sung đại diện sinh viên trong thành phần Hội đồng trường.

- Trao thực quyền cho Hội đồng trường được quyết định những vấn đề quan trọng nhất của cơ sở GDĐH, trong đó có quyền được bổ nhiệm Hiệu trưởng.

- Về hội đồng trường của cơ sở GDĐH tư thục, quy định đây là tổ chức quản trị của nhà đầu tư (chủ sở hữu), có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn như Hội đồng trường công lập. Bỏ quy định về đại diện cơ quan quản lý Nhà nước tham gia Hội đồng trường.

- Đối với các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, quy định cơ chế quản trị gần giống trường công lập tự chủ, để phân biệt rõ với cơ chế quản trị của trường đại học tư thục nói chung.

- Bổ sung thẩm quyền và trách nhiệm của Hội đồng trường trong việc tổ chức các hoạt động huy động tài trợ và phân phối tài chính và các nguồn lực cho cơ sở; cũng như xây dựng các chiến lược phát triển dài hạn cho cơ sở đào tạo. Bổ sung thẩm quyền trong việc bầu, bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự cho bộ máy quản lý của các cơ sở GDĐH.

Tác giả bài viết: Thay mặt nhóm nghiên cứu - Trường Đại học Luật Hà Nội PGS.TS Vũ Thị Lan Anh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập815
  • Hôm nay29,645
  • Tháng hiện tại307,775
  • Tổng lượt truy cập51,663,734
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944