Đánh giá tích cực về đề thi
Ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD&ĐT) – cho biết: Trong kỳ thi THPT quốc gia 2019, công tác đăng ký dự thi và đăng ký xét tuyển được tiến hành tại các địa phương đảm bảo đúng tiến độ, tạo thuận lợi tối đa cho thí sinh; các khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện đã được Bộ GD&ĐT hướng dẫn các sở GD&ĐT, các trường THPT giải quyết kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi và đảm bảo quyền lợi cho thí sinh. Cơ sở dữ liệu đăng ký dự thi đảm bảo chính xác, đầy đủ và bảo mật tốt.
Đề thi gốc được bàn giao cho các Hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời và đảm bảo tính bảo mật cao. Các sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác in sao đề thi tại địa phương.
Theo đánh giá ban đầu của các chuyên gia, dư luận trong và ngoài ngành Giáo dục, đề thi năm nay bám sát chương trình, phát huy năng lực sáng tạo của thí sinh khi làm bài thi, đồng thời có độ phân hóa hợp lý, đáp ứng được hai mục đích chính của Kỳ thi là xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH, CĐ.
Ông Mai Văn Trinh |
Không còn hiện tượng phao thi ở các Điểm thi
Theo ông Mai Văn Trinh, cả nước có 887.104 thí sinh đăng ký dự thi, được tổ chức tại 1.980 điểm thi với 38.050 phòng thi; huy động gần 50.000 cán bộ, giảng viên được điều động từ 216 đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng tham gia phối hợp tổ chức Kỳ thi. Tỉ lệ thí sinh đăng ký dự thi để lấy kết quả xét tuyển vào ĐH, CĐ chiếm khoảng 70,2% (năm 2018 là gần 74,3%).
Tỷ lệ thí sinh tới dự thi đạt trên 99% (môn: Ngữ văn: 99,6%; Toán 99,53%; Vật lí: 99,6%; Hóa học: 99.56%; Sinh học: 99.66%; Ngoại ngữ: 99.59%; Lịch sử: 99,48%; Địa lí: 99,54%; Giáo dục công dân: 99,6%).
Kỷ cương trường thi được tăng cường, kỷ luật phòng thi được duy trì nghiêm tại tất cả các Điểm thi trong cả nước. Không còn hiện tượng phao thi ở các Điểm thi. Một số hiện tượng vi phạm quy chế thi được phát hiện và xử lý kịp thời đảm bảo tính nghiêm minh của Kỳ thi.
Cho đến thời điểm này, chưa ghi nhận thấy hiện tượng tiêu cực, gian lận có tổ chức. Toàn quốc có 6 cán bộ coi thi và 79 thí sinh vi phạm quy chế thi (trong đó 72 trường hợp bị đình chi thi do mang điện thoại và tài liệu vào phòng thi, 3 thí sinh bị cảnh cáo, 4 thí sinh bị khiển trách).
Tuy nhiên, cũng còn một số sai sót xảy ra ở một số Hội đồng thi do lỗi của cán bộ coi thi, in sao đề thi như việc phát nhầm đề thi cho thí sinh, in thiếu đề thi, dẫn đến thí sinh phải làm bài thi muộn giờ so với quy định. Hội đồng thi đã xử lý bù thời gian làm bài để đảm bảo quyền lợi của thí sinh.
Trong các ngày diễn ra kỳ thi, từ 25/6-27/6, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ và các Thứ trưởng Bộ GD&ĐT đã dẫn đầu các đoàn công tác của Bộ GD&ĐT đi kiểm tra, động viên cán bộ coi thi và thi sinh một số địa phương.
Đến thời điểm này, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 đã diễn ra an toàn, nghiêm túc, nhẹ nhàng. Các Điểm thi tại địa phương nơi thí sinh theo học đã giúp học sinh không phải di chuyển xa, không phải lo chỗ ăn ở nên đã tạo tâm thế thoải mái cho thí sinh, đồng thời không gây áp lực cho giao thông đi lại ở các thành phố lớn.
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ thông tin tại buổi họp báo |
Tiếp tục tập trung chấm thi
Để Kỳ thi được tổ chức thành công, đảm bảo nghiêm túc, trung thực, công bằng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ GD&ĐT chỉ đạo các Sở GD&ĐT thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc quy trình chấm thi tự luận, thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra. Bộ GD&ĐT sẽ thực hiện kiểm tra, thanh tra công tác chấm thi ở tất cả 63 Hội đồng thi.
Tăng cường củng cố hạ tầng công nghệ thông tin để việc công bố kết quả thi được thuận lợi, không xảy ra tình trạng nghẽn mạng, đồng thời sẵn sàng hỗ trợ thí sinh thay đổi nguyện vọng đăng ký xét tuyển ĐH, CĐ sau khi có kết quả thi.
Triển khai xét công nhận tốt nghiệp THPT cho thí sinh đảm bảo đúng quy chế, trong đó tập trung rà soát kỹ thông tin dữ liệu đăng ký thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT của các thí sinh.
Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các trường ĐH, CĐ chủ trì chấm thi trắc nghiệm tại các địa phương theo đúng quy trình theo Quy chế đã ban hành, đảm bảo chính xác, an toàn và đúng tiến độ.
Chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện công tác tuyển sinh ngay sau Kỳ thi cung cấp đầy đủ thông tin tuyển sinh của trường và kịp thời hỗ trợ thí sinh trong việc giải đáp các thông tin liên quan đến tuyển sinh; bố trí đầy đủ cơ sở vật chất kỹ thuật, nhân lực cho công tác xét tuyển; vận hành tốt các phần mềm tuyển sinh xây dựng các giải pháp phù hợp với thực tế của đơn vị để tuyển sinh thuận lợi và hiệu quả.
Thí sinh kết thúc Kỳ thi với tâm trạng thoải mái |
Cả xã hội cùng vào cuộc
Kỳ thi năm nay, Bộ GD&ĐT đã ban hành đầy đủ quy chế, các văn bản, tài liệu hướng dẫn tổ chức Kỳ thi. Bộ đã gửi công văn đề nghị các Bộ, ngành, cơ quan liên quan và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các trường ĐH, CĐ phối hợp chuẩn bị tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2019. Ngay trước Kỳ thi, ngày 18/6, Bộ trưởng Bộ GDĐT đã có 2 công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố và Giám đốc/hiệu trưởng các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng về việc tập trung chỉ đạo, phối hợp tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019 tại các địa phương.
Toàn bộ 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thành lập Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh. Ban chỉ đạo có đầy đủ các thành phần tham gia như: Công an, Sở Y tế, Sở Giao thông vận tải, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Tài chính,Điện lực..., do 1 đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban (có tỉnh còn do Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng ban). Nhiều địa phương thành lập Ban Chỉ đạo thi cấp huyện là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo thi cấp tỉnh giúp cho công việc chỉ đạo được kịp thời, đặc biệt là ở miền núi, hải đảo. Một số địa phương đã ban hành Chỉ thị của Tỉnh ủy, UBND tỉnh để quán triệt tổ chức nghiêm túc Kỳ thi THPT quốc gia năm 2019.
Bộ GD&ĐT đã tổ chức tập huấn về phần mềm chấm thi trắc nghiệm, quy trình nghiệp vụ chấm thi trắc nghiệm và nghiệp vụ công tác thi, tuyển sinh cho tất cả các trường ĐH, CĐ và các sở GD&ĐT. Hệ thống phần mềm quản lý thi và tuyển sinh năm 2019 đã được hoàn thiện, nghiệm thu và tập huấn cho các đơn vị. Phần mềm được cải tiến để tăng cường tính bảo mật, đảm bảo chấm thi chính xác, ngăn ngừa sự can thiệp từ phía người dùng.
Bộ GD&ĐT đã thành lập 8 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo thi THPT quốc gia thực hiện kiểm tra ở tất cả các khâu của Kỳ thi tại các địa phương, đặc biệt là công tác chuẩn bị thi và coi thi, kịp thời phát hiện và xử lý các hạn chế, bất cập và hỗ trợ các Hội đồng thi tổ chức thi nghiêm túc, an toàn. Ngoài ra, Thanh tra Bộ đã thành lập các đoàn thanh tra, giám sát thi THPT quốc gia năm 2019.
Cụ thể: thành lập 4 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị thi; 9 đoàn thanh tra công tác coi thi, 1 đoàn kiểm tra, trực thanh tra coi thi; 34 đoàn thanh tra công tác chấm thi trực tiếp tại các địa phương.
Bộ Công an đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo lực lượng công an toàn quốc tham gia phối hợp chặt chẽ, triển khai công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho Kỳ thi, nhất là trong khâu ra đề thi, vận chuyển đề thi, in sao, bảo quản đề thi, bài thi tại các điểm thi. Kịp thời phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến gian lận trong Kỳ thi; đảm bảo an toàn giao thông, phòng cháy chữa cháy và hỗ trợ thí sinh trong các tình huống gặp sự cố.
Các trường ĐH, CĐ đã cử đủ số lượng và đảm bảo chất lượng cán bộ về các địa phương cùng phối hợp tham gia công tác tổ chức thi THPT quốc gia theo quyết định điều động của Bộ GD&ĐT.
Các Hội đồng thi với sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể ở địa phương đã hỗ trợ tối đa cho thí sinh, đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi. Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.Thời tiết ở phần lớn các tỉnh, thành phố nhìn chung thuận lợi, giao thông cơ bản bảo đảm an toàn.