Chủ động và linh hoạt
Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết, năm 2021, toàn tỉnh dự kiến có 14.260 thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT. Sau khi kết thúc học kỳ I năm học 2020-2021, các trường trong tỉnh vừa đẩy mạnh hoạt động dạy học, đồng thời tổ chức ôn tập cho học sinh lớp 12 với nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với điều kiện của từng trường.
Tại Trường THPT Nguyễn Viết Xuân (huyện Vĩnh Tường) những ngày này, không khí ôn tập của thầy và trò diễn ra khá gấp rút. Năm học 2020-2021, nhà trường có 11 lớp 12 với 360 học sinh.
Ngay từ đầu năm học, nhà trường đã có kế hoạch tổ chức ôn tập cho học sinh vào các buổi chiều trong tuần bên cạnh việc học chính khóa.
Trong thời gian tạm nghỉ phòng chống dịch, nhà trường vẫn tổ chức ôn luyện cho các em qua hình thức trực tuyến để đảm bảo kiến thức. Nhà trường đang tăng cường ôn tập, chú trọng luyện giải đề cho học sinh bám sát theo nội dung phân phối chương trình của Bộ.
Theo kết quả rà soát số lượng học sinh đăng ký thi tổ hợp khoa học xã hội chiếm 56,5%, còn lại là tổ hợp khoa học tự nhiên.
Việc tổ chức dạy ôn tập cho học sinh lớp 12 được thực hiện nghiêm túc; giáo viên đều phải chuẩn bị tốt giáo án, mức độ kiến thức, câu hỏi bài tập và rèn kỹ năng cho học sinh phải phù hợp với nhận thức của từng đối tượng và có sự phân hóa về năng lực.
Ở giai đoạn tiếp theo, nhà trường xây dựng lồng ghép đề thi với nội dung kiến thức nằm trong chương trình THPT hiện hành, chủ yếu là chương trình lớp 12; bám sát đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT, đảm bảo phân loại được trình độ của thí sinh, vừa đáp ứng yêu cầu cơ bản (để tốt nghiệp THPT) và yêu cầu nâng cao (để tuyển sinh đại học, cao đẳng).
Ông Trịnh Văn Mừng, Trưởng phòng GDPT – Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cho biết: Sở đã có chỉ đạo đối với các nhà trường, trong quá trình ôn tập cần hướng dẫn học sinh vận dụng các phương pháp ôn tập phù hợp, kết hợp giữa tự học, tự ôn tập với ôn tập theo nhóm và cả lớp; sắp xếp thời gian hợp lí, đảm bảo hiệu quả cao nhưng không quá tải.
Cùng với đó, các nhà trường quan tâm trang bị đủ cơ sở vật chất, đáp ứng tốt yêu cầu dạy và học. Giáo viên chủ nhiệm lớp 12 thường xuyên liên lạc với các bậc phụ huynh để động viên, khích lệ giúp các em có sức khỏe và tinh thần tốt nhất để bước vào kỳ thi tốt nghiệp.
Ôn tập theo năng lực, nguyện vọng
Theo chia sẻ của ông Trịnh Văn Mừng, để đạt được kết quả cao nhất trong kỳ thi sắp tới, các trường đã tiến hành phân loại học sinh theo khả năng và nguyện vọng.
Công tác lựa chọn giáo viên ôn tập cho học sinh lớp 12 được chú trọng với các tiêu chí như: nhiệt tình, quan tâm sát sao tới học sinh; năng lực chuyên môn tốt, có kinh nghiệm... Nhà trường và giáo viên sẽ tập trung định hướng cho các em và gia đình chọn những trường phù hợp với năng lực, nguyện vọng.
Đặc biệt ưu tiên lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm trong việc phụ đạo, kèm cặp, giúp đỡ nhóm đối tượng học sinh yếu kém. Qua đó đưa ra giải pháp cụ thể trong công tác phụ đạo nâng cao điểm số, khắc phục nguy cơ trượt tốt nghiệp đối với các đối tượng học sinh yếu kém.
Cô Phạm Thị Hòa – Hiệu trưởng trường THPT Nguyên Viết Xuân cho biết: “Đến thời điểm này, nhà trường đã tổ chức thi thử 3 lần và 1 lần theo đề chung của Sở GD&ĐT để phân loại học sinh theo năng lực.
Đối với những em có kết quả chưa đạt, nhà trường chỉ đạo tăng cường ôn tập, phụ đạo, bổ sung kiến thức; Đồng thời, yêu cầu giáo viên thường xuyên cập nhật các văn bản chỉ đạo của ngành để có kế hoạch giảng dạy, ôn thi cho học sinh phù hợp, giúp nhanh chóng tiếp cận với hình thức thi tốt nghiệp THPT.
Theo kế hoạch, học sinh sẽ thi thử thêm 2 lần nữa. Qua đó, sẽ có những điều chỉnh phương pháp dạy và học; đồng thời, giúp các em có bước chuẩn bị tâm lý, kiến thức trước kỳ thi”.
Bên cạnh ôn thi, công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh cũng được nhiều trường THPT quan tâm, chú trọng.
Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc cũng yêu cầu lãnh đạo đơn vị, giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn nghiên cứu quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng của Bộ GD&ĐT và của các trường đại học để tư vấn cho học sinh và phối hợp với phụ huynh trong việc lựa chọn, đăng ký tuyển sinh phù hợp với nhu cầu, năng lực, đặc biệt không bỏ lỡ các khâu trong quá trình sơ tuyển; Đồng thời, gắn trách nhiệm của Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng chuyên môn, Tổ trưởng chuyên môn, giáo viên bộ môn, giáo viên hướng dẫn ôn tập với chất lượng thi của mỗi môn, đảm bảo giữ vững và nâng cao chất lượng so với năm học 2019-2020.
Đối với những em không có nguyện vọng thi và xét tuyển đại học, cao đẳng, nhà trường và các thầy cô giáo cũng hỗ trợ định hướng và tư vấn vào các trường nghề, trung tâm hướng nghiệp và xét tuyển vào các trung tâm đào tạo việc làm.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 tại Vĩnh Phúc, tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh hệ trung học phổ thông đạt 99,78%, học sinh hệ giáo dục thường xuyên đạt 98,5%.
Toàn tỉnh có 191 điểm 10 phân bố ở các môn: Toán, Hóa, Sinh, Sử, Địa, GDCD, Anh, Pháp; 5519 bài đạt điểm 9 trở lên; 80,4% số bài thi đạt điểm trung bình trở lên. Đặc biệt, với điểm trung bình các môn thi 6,652 điểm, Vĩnh Phúc xếp vị trí thứ 5 toàn quốc, tăng 1 bậc so với năm 2019, đứng sau các tỉnh: Nam Định, Bình Dương, Ninh Bình, An Giang.