Làm gì để bảo vệ nhà khoa học?

Thứ sáu - 17/05/2024 21:19 27 0
GD&TĐ - Sự việc gây xôn xao trên nhiều diễn đàn nghiên cứu khoa học tuần qua là một tạp chí quốc tế gỡ bỏ bài báo có tên tác giả là giáo sư kinh tế Việt Nam.
Làm gì để bảo vệ nhà khoa học?

Từ việc bài báo bị gỡ bỏ

Vừa qua, Tạp chí Environmental Science and Pollution Research thuộc Nhà xuất bản Springer gỡ bỏ (retracted) bài báo của nhóm tác giả Trung Quốc, Việt Nam, Ghana, Eswatini. Bài báo khoa học bị gỡ bỏ mang tên “Trade openness and CO2 emanations: a heterogeneous analysis on the developing eight (D8) countries”, đề cập đến khám phá mối liên kết giữa sự mở cửa thương mại và phát thải CO2 ở tám quốc gia đang phát triển (D8). Tác giả Việt Nam có tên trong bài báo này là GS.TS Võ Xuân Vinh - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh doanh, Đại học Kinh tế TPHCM (UEH).

Phản hồi sự việc trên, UEH cho biết, nhà trường đã họp, làm rõ và có biên bản kết luận đối với vụ việc từ tháng 3/2024. Theo đó, bài báo của nhóm nghiên cứu chính thức xuất bản trực tuyến ngày 13/4/2021 và tạp chí khoa học này gỡ bài vào 14/3/2024 vì lý do chứa một số cụm từ bị xuyên tạc (tortured phrases), bao gồm cả trong tiêu đề. Bài báo này thuộc nhóm các bài báo được bình duyệt bởi biên tập viên khách mời và tạp chí tổng điều tra, rà soát.

Ông Võ Xuân Vinh là tác giả thứ 5 trong số 9 tác giả của công trình. UEH đã làm việc và lập biên bản ghi nhận, xử lý vụ việc với ông Vinh vào ngày 27/3. Tại đây, ông Vinh đã tường trình và cung cấp các minh chứng cần thiết. Theo đó, ngay sau khi phát hiện bị lạm danh, ông Vinh đã chủ động liên hệ Tổng biên tập tạp chí từ ngày 15/2, một tháng trước khi bài báo bị gỡ bỏ.

Trong nội dung thư gửi, ông Vinh khẳng định không liên quan đến bài báo, quy trình nộp bài báo, không đồng ý và không cho phép việc tên mình ở mục tác giả của bài báo. Giáo sư này đã đề nghị tạp chí xóa tên mình ra khỏi bài báo.

Ngày 21/3, ông Vinh nhận được email hồi đáp từ Tổng biên tập tạp chí. Trong thư, phía tạp chí cho biết tác giả Mohammed Musah đã xác nhận về việc tự ý đưa tên GS.TS Võ Xuân Vinh vào bài báo mà không có sự đồng thuận từ phía ông Vinh; đồng thời, xin lỗi về sự việc này.

UEH kết luận, bài báo bị rút liên quan đến quy trình xử lý của biên tập viên khách mời và hoạt động bình duyệt của tạp chí. Cá nhân GS Vinh không nhận tài trợ, thưởng từ nhà trường cho bài báo này. Ông Vinh cũng đã đưa được các minh chứng về việc bị lạm danh. Đây là trường hợp rút bài báo nghiên cứu có liên quan đến quyền tác giả. Đồng thời, nhà trường đề nghị nghiêm túc rút kinh nghiệm trong hoạt động hợp tác công bố quốc tế của cá nhân.

Với vai trò Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh doanh, GS Vinh cần có chính sách quản lý và cơ chế kiểm soát chặt chẽ mạng lưới các chuyên gia nghiên cứu cộng tác rộng khắp của đơn vị trên cơ sở bộ quy tắc của Hội đồng liêm chính học thuật để tránh xảy ra vụ việc tương tự.

Nhà xuất bản Springer thông báo về việc rút bài báo đối với nhóm tác giả. Ảnh: ITN

Nhà xuất bản Springer thông báo về việc rút bài báo đối với nhóm tác giả. Ảnh: ITN

Đến việc bảo vệ nhà khoa học

Khi trả lời báo chí trước sự việc lùm xùm trên, GS.TS Võ Xuân Vinh khẳng định bị lạm danh. Cụ thể, ông không phải là tác giả của bài báo trên, nhóm tác giả tự đưa tên ông vào bài báo. Sự việc trên tạm lắng xuống khi các bên đã xử lý vấn đề liên quan, song đặt ra câu hỏi về việc: Nhà khoa học và nhà trường cần làm gì để tránh các trường hợp tương tự xảy ra?

PGS.TS Nguyễn Đình Quân - Trưởng phòng Thí nghiệm Nhiên liệu sinh học và Biomass, Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM chia sẻ, Environmental Science and Pollution Research là tạp chí có chỉ số trích dẫn tăng rất nhanh và bền vững từ 20 năm qua. Đây là tạp chí Q1 có chỉ số ảnh hưởng (impact factor) khoảng 5.5. Trong lĩnh vực kỹ thuật hóa học - môi trường, đây là tạp chí uy tín vào loại trung bình khá.

Quy trình bình duyệt (peer - review, quá trình nhằm đảm bảo các nghiên cứu sẽ được bình duyệt khách quan và đạt được chất lượng tốt nhất - PV) của tạp chí trên trải qua 2 vòng chính: Ban biên tập xem xét, đánh giá sơ bộ bản thảo; bài báo được gửi cho 3 - 5 chuyên gia phản biện, nếu tác giả thỏa mãn các câu hỏi phản biện của chuyên gia, bài báo sẽ được chấp thuận đăng sau một số sửa đổi (nếu đạt yêu cầu). Thông thường, với các công trình nhiều tác giả đứng tên, tạp chí sẽ có email đến từng người để xác nhận sự góp mặt trong bài báo.

Theo ông Quân, với quy trình chặt chẽ đó, nhà khoa học cần phải cân nhắc, chặt chẽ các bài báo đưa tên mình vào. “Nhà khoa học chỉ nên đồng ý đưa tên vào bài nếu có đóng góp thực sự và phải đọc duyệt bài để góp ý, kiểm tra tính liêm chính học thuật. Không nên vì thành tích mà đồng ý việc đưa tên vào sản phẩm, dẫn đến việc không kiểm soát được, dễ xảy ra các sai sót và tai tiếng”, ông Quân chia sẻ.

TS Thái Doãn Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương TPHCM cho rằng, đặt trường hợp nhà khoa học, giảng viên của trường bị “lạm danh”, nhà trường cần họp hội đồng và làm rõ 2 giả thiết. Với những tạp chí uy tín, quá trình biên tập, bình duyệt nghiên cứu khoa học rất chặt chẽ. Họ thường liên hệ với từng tác giả trong bài báo, khẳng định sự góp mặt của nhà khoa học ngay từ đầu.

Với tạp chí không uy tín, quá trình này thường lỏng lẻo, tác giả có thể bị lạm danh. Ở bất cứ trường hợp nào, nhà khoa học phải có ý kiến rõ ràng. Trong trường hợp xảy ra các sự việc đáng tiếc, nhà trường cần có giải pháp thỏa đáng, trên tinh thần tôn trọng nhà khoa học, giảng viên của mình.

Cũng theo TS Thái Doãn Thanh, việc tham gia nghiên cứu và công bố khoa học của các nhà khoa học, giảng viên thường trên tinh thần “tự chủ”, tức là họ không cần báo cáo trước với nhà trường. Nhà trường chỉ ghi nhận khi có kết quả công bố để đưa vào hệ thống cơ sở dữ liệu khoa học hoặc có những khen thưởng thành tích…

“Dù nghiên cứu khoa học là việc của cá nhân, nhưng nếu xảy ra sự việc đáng tiếc, đơn vị chủ quản ít nhiều bị ảnh hưởng về uy tín. Do đó, chúng tôi luôn lưu ý các nhà khoa học, giảng viên về liêm chính học thuật, luôn trung thực, minh bạch trong việc triển khai hoạt động nghiên cứu khoa học”, ông Thanh cho hay.

GS.TS Sử Đình Thành - Giám đốc UEH chia sẻ, chiến lược quốc tế hóa của nhà trường đặt phát triển nghiên cứu và công bố quốc tế là năng lực trọng tâm. Dù vậy, đây là quá trình hàm chứa nhiều rủi ro. Không chỉ UEH mà một số đại học uy tín, lâu đời, có kinh nghiệm trên thế giới cũng phải đối mặt. Đó là lý do bộ quy tắc liêm chính trong nghiên cứu khoa học và Hội đồng liêm chính UEH ra đời từ rất sớm và được chuẩn hóa mỗi năm.

Tác giả bài viết: Mạnh Tùng

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập813
  • Hôm nay50,035
  • Tháng hiện tại328,165
  • Tổng lượt truy cập51,684,124
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944