Linh hoạt lựa chọn ngữ liệu SGK lớp 1

Chủ nhật - 06/12/2020 21:11 286 0
GD&TĐ - Triển khai Chương trình, SGK mới lớp 1, các trường tiểu học ở tỉnh Đồng Tháp thường xuyên tổ chức đánh giá. Qua rà soát, những ngữ liệu, từ ngữ mang tính vùng miền, khó hiểu được bàn bạc để thay thế.
Linh hoạt lựa chọn ngữ liệu SGK lớp 1

Lựa chọn ngữ liệu dễ dạy, dễ học

Đồng Tháp có 121/301 trường chọn bộ SGK Tiếng Việt 1 bộ sách Cánh Diều, chiếm tỷ lệ gần 41%. Sau khi triển khai dạy, học SGK lớp 1, có phát sinh một số khó khăn, nhất là về mặt ngữ liệu.

Sở đã tổng hợp ý kiến của 7.000 cán bộ quản lý, GV về ngữ liệu và nhận được 535 lượt ý kiến đề nghị điều chỉnh, thay thế ngữ liệu và các kiến nghị, đề xuất khác. Trong khi chờ đợi hướng dẫn của Bộ, sở GD&ĐT giao cho Hội đồng chuyên môn cấp tỉnh (Tổ Tiếng Việt) thực hiện rà soát tất cả ngữ liệu. Từ kết quả xác định những ngữ liệu chưa phù hợp, tiếp tục tìm ngữ liệu thay thế, cách thực hiện thay thế và định hướng thay thế.

Theo các GV dạy lớp 1, sách Tiếng Việt có một số ngữ liệu chưa phù hợp với địa phương như: Nhá, nom, chén, cuỗn, bộp, tợp, đĩa oản, cắp đi... Ngoài ra, một số bài đọc còn quá dài; sử dụng nhiều câu chuyện ngụ ngôn chưa phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 1... Sau khi có yêu cầu chỉnh sửa, hiệu đính nội dung chưa phù hợp trong SGK Tiếng Việt lớp 1, các trường tiểu học ở Đồng Tháp nhanh chóng vào cuộc và lựa chọn các ngữ liệu phù hợp với đặc thù địa phương.

Những từ, cụm từ mang tính vùng miền, khó hiểu được GV chủ động thay thế. Như từ “chõ” được thay bằng “chợ”; “đĩa oản” được thay bằng “bé ngoan”; từ “chỏm mũ” khiến HS khó hiểu, GV đem chiếc mũ thật có chỏm vào lớp để HS quan sát trực tiếp… Theo thầy Trần Khắc Danh, GV Trường Tiểu học Thường Phước 1A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp): Căn cứ mục tiêu, hoạt động dạy học của chương trình và hướng dẫn của Bộ, GV sẽ lựa chọn ngữ liệu phù hợp với trình độ, tâm sinh lý lứa tuổi của HS. Ngữ liệu thay thế phải chứa những tiếng, vần các em đã học trước đó. Qua thực tế giảng dạy, với những bài tập đọc có nội dung đa nghĩa, về mặt ngữ nghĩa HS tiếp thu bình thường. Nhưng GV cũng mở rộng, chia sẻ thêm để các em hiểu rõ hơn…

Chia sẻ về ngữ liệu SGK Tiếng Việt lớp 1, bà Nguyễn Thị Ngọc Dung, chuyên viên Phòng GD&ĐT huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp) cho biết: Cuối mỗi tuần, GV trong Tổ họp trực tuyến hoặc trong quá trình giảng dạy, GV phát hiện có những khó khăn thì trao đổi ngay với đồng nghiệp qua hệ thống Zalo nhóm, Facebook hoặc thông qua buổi sinh hoạt chuyên môn cùng nhau giải quyết các vấn đề kịp thời.

Đồng hành cùng GV, ban giám hiệu các trường tiểu học cũng thường xuyên theo dõi, trao đổi với tổ chuyên môn, GV, phụ huynh về ngữ liệu SGK lớp 1. Theo thầy Nguyễn Tấn Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thường Phước 1A, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), cứ 2 tuần tổ khối chuyên môn họp một lần để rà soát việc dạy, học ở lớp 1. Nếu có thay thế ngữ liệu, tổ khối chuyên môn sẽ tham mưu với hiệu trưởng để chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh đó, những ngữ liệu không cần thiết phải thay thế, GV chủ động sử dụng kênh hình hoặc vật thật để HS hiểu rõ hơn...

Linh hoạt lựa chọn ngữ liệu SGK lớp 1 - Ảnh minh hoạ 2
Tiết dạy mẫu về ngữ liệu môn Tiếng Việt lớp 1 được Sở GD&ĐT Đồng Tháp tổ chức. 

Chủ động, linh hoạt từ nhà trường

Theo Sở GD&ĐT Đồng Tháp, thực hiện Chương trình, SGK mới ở lớp 1, việc điều chỉnh một vài ngữ liệu trong bài học không vượt xa khả năng, trình độ của GV. Việc thay thế các ngữ liệu chưa phù hợp trong SGK cũng không ảnh hưởng đến việc tiếp thu bài của HS.

Sở cũng lưu ý, việc thay thế ngữ liệu phải đáp ứng các tiêu chí: Căn cứ vào yêu cầu của ngữ liệu được quy định trong Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; mục tiêu của hoạt động dạy học theo quy định của chương trình và các văn bản hướng dẫn của Bộ; ngữ liệu phải hợp với tâm lý của HS, bảo đảm tính thẩm mĩ, có giá trị nhân văn và có tính đến yếu tố vùng miền. Với ngữ liệu là những từ địa phương không cần thiết thay thế, GV chỉ cần giải thích cho HS rõ, qua đó góp phần làm phong phú thêm vốn từ cho các em...

“Chúng tôi muốn lắng nghe sự phản ánh, góp ý, đề xuất của từng cơ sở giáo dục. Đặc biệt là những cán bộ quản lý, thầy cô trực tiếp triển khai Chương trình, SGK mới. Sở trân trọng các ý kiến và sẽ nghiêm túc lắng nghe, cân nhắc thận trọng trước khi ban hành tài liệu điều chỉnh ngữ liệu phù hợp với tình hình thực tế địa phương. Sau đó hướng dẫn thực hiện chung cho các trường trong toàn tỉnh”, ông Nguyễn Minh Tâm, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Tháp cho biết.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 vừa được triển khai là cơ hội, cũng là thách thức với cán bộ quản lý các trường tiểu học trong thực thi quyền tự chủ. Điều này đòi hỏi mỗi cán bộ quản lý, GV phải chủ động, có kiến thức kỹ năng cần thiết để quản lý, quản trị nhà trường và dạy học... - Ông Nguyễn Minh Tâm 

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1346 | lượt tải:293

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1042 | lượt tải:272

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2347 | lượt tải:370

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2889 | lượt tải:471

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2212 | lượt tải:317
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập216
  • Hôm nay5,320
  • Tháng hiện tại14,810
  • Tổng lượt truy cập49,720,575
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944