Khan hiếm nhân lực logistics
Logistics là một lĩnh vực kinh doanh dịch vụ mới, đang có những bước tăng trưởng mạnh mẽ, đóng góp rất lớn trong hoạt động xuất nhập khẩu và nền kinh tế.
Với chuỗi các hoạt động của logistics từ nhận hàng, vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm thủ tục hải quan, các thủ tục giấy tờ khác, tư vấn khách hàng, đóng gói bao bì, ghi ký mã hiệu, giao hàng hoặc các dịch vụ khác có liên quan tới hàng hóa, sẽ mở ra cho sinh viên hàng ngàn cơ hội việc làm tại các doanh nghiệp làm dịch vụ logistics, các công ty vận tải hàng hóa lớn nhỏ, và xuất nhập khẩu.
PGS.TS Phạm Tiết Khánh, Hiệu trưởng Trường Đại học Trà Vinh, cho biết: Đồng bằng Sông Cửu Long được xem là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của nước ta, đóng góp 40% giá trị sản xuất nông nghiệp, trên 50% sản lượng lúa, 70% cây trái cây của cả nước, đặc biệt có đến 90% sản lượng gạo xuất khẩu và 65% sản lượng thuỷ sản.
Hằng năm, tổng nhu cầu vận chuyển hàng hoá xuất – nhập khẩu của vùng khoảng 19 – 20 triệu tấn. Theo kết quả khảo sát 100 doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản vùng ĐBSCL năm 2019, hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đều thuê ngoài dịch vụ logistics.
Trong đó, các dịch vụ logistics truyền thống như vận tải (quốc tế và nội địa), dịch vụ giao nhận, kho bãi và lưu trữ hàng hóa và khai hải quan được thuê ngoài nhiều nhất (từ 50 - 99% doanh nghiệp được hỏi).
Tuy nhiên, hơn 70% hàng hoá xuất khẩu này phải chuyển tải về bằng đường bộ hay xà-lan lên các cảng ở Tp Hồ Chí Minh hoặc Bà Rịa – Vũng Tàu, từ đó mới có thể xếp lên tàu đi ra miền Trung, miền Bắc hoặc đi các cảng quốc tế, làm cho các doanh nghiệp phải gánh nặng chi phí cao hơn 10 - 40% tuỳ từng tuyến.
Việc quy hoạch xây dựng cảng biển nước sâu đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt tạo ra hướng đị mới, rất cần chiến lược đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển sau này.
Tiềm năng phát triển
Theo thông tin từ Viện Nghiên cứu & Phát triển Việt Nam, cho đến năm 2019, các doanh nghiệp dịch vụ logistics cần thêm 18.000 lao động, trong khi các doanh nghiệp sản xuất, thương mại cần trên một triệu nhân sự có chuyên môn về logistics.
Trong số các doanh nghiệp trong nước, có tới 93 - 95% người lao động không được đào tạo chuyên ngành logistics, chủ yếu làm dịch vụ ở các chuỗi cung ứng nhỏ như giao nhận, kho bãi, xử lý vận đơn...
Theo dự báo, đến năm 2030 Việt Nam sẽ cần hơn 200.000 nhân sự có kỹ năng cho ngành này. Điều này cho thấy, lĩnh vực logistics đã, đang và sẽ thu hút nhiều lao động chuyên môn cao trong tương lai, đặc biệt là khu vực phía Nam và ĐBSCL.
Từ phân tích các lợi thế trên, PGS.TS Diệp Thanh Tùng, Trưởng khoa kinh tế luật, Trường Đại học Trà Vinh, đơn vị được giao đào tạo chuyên ngành này, cho rằng: Cần phải sớm đưa việc mở chuyên ngành đào tạo logistics, để đón lõng thị trường lao động sau này.
Với hình thức CO-OP. Đây là chương trình có sự liên kết đào tạo với các doanh nghiệp lớn trong ngành, với 1/3 thời gian đào tạo cho phép sinh viên làm việc tại các doanh nghiệp như một nhân viên tập sự sẽ giúp sinh viên trang bị các kỹ năng chuyên môn ở các vị trí việc làm và đồng thời nâng cao cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi ra trường.
Chuyên ngành Quản lý dịch vụ logistics (theo mô hình Co-op) cùng với chuyên ngành Kinh tế Ngoại thương và Quản lý Kinh tế thuộc mã ngành Kinh tế với mã số là 7310101 được tuyển sinh trên toàn quốc với mã trường DVT thông qua 04 phương thức tuyển sinh:
Kết quả học tập THPT (học bạ), Kết quả thi THPT các tỉnh, Kết quả kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG TP. HCM và Xét tuyển thẳng ở các tổ hợp môn A00 (Toán, Vật lý, Hoá học), A01 (Toán, Vật lý, Tiếng Anh), C01 (Ngữ Văn, Toán, Vật lý) và D01 (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh). Đặc biệt, trường Đại học Trà Vinh sẽ tiếp nhận hồ sơ dự tuyển trực tuyến để tạo điều kiện cho các thí sinh ở xa.
Theo Quyết định 1012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, định hướng đến năm 2030 thì tiểu vùng kinh tế trung tâm ĐBSCL sẽ có 1 Trung tâm Logistics hạng II với quy mô tối thiểu 30 ha đến năm 2020 và trên 70 ha đến năm 2030. Song song đó, Đề án xây dựng cảng biển nước sâu ở ĐBSCL cũng đang được triển khai thực hiện và định hướng cảng sẽ đóng vai trò là cảng cửa ngõ quốc tế.
Đặc biệt, tổ hợp dự án cơ sở hạ tầng cảng biển, luồng hàng hải lớn nhất vùng ĐBSCL là dự án cảng biển Trung tâm điện lực Duyên Hải tiếp nhận tàu trọng tải 30.000 DWT và Luồng cho tàu biển trọng tải lớn vào sông Hậu ở Trà Vinh cho phép tàu biển có trọng tải 10.000 tấn đầy tải, 20.000 tấn. Đào tạo nhân lực đáp ứng yêu cầu là nhiệm vụ đặt ra của nhà trường, chúng tôi đang đẩy mạnh xúc tiến việc này - PGS TS. Phạm Tiết Khánh.