Hợp lực tuyển sinh

Thứ hai - 11/05/2020 21:01 315 0
GD&TĐ - Giữ ổn định phương án tuyển sinh là chủ trương của các trường ĐH tại thời điểm này. Trong số các phương án đưa ra, xét tuyển dựa trên kết quả Kỳ thi tốt nghiệp THPT được hầu hết trường lựa chọn.
Hợp lực tuyển sinh

Việc dùng chung hệ thống phần mềm xét tuyển của Bộ GD&ĐT như năm 2019 tạo thuận lợi cho thí sinh, có thể lọc ảo và minh bạch cũng được tính đến.

Giữ ổn định phương thức tuyển sinh

Năm nay, Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) dự kiến áp dụng 4 phương thức tuyển sinh: Xét học bạ 5 học kỳ (lớp 10, lớp 11 và học kỳ I lớp 12) theo các tổ hợp môn cho khối ngành cử nhân khoa học; Xét điểm thi tốt nghiệp THPT; Xét tuyển thẳng với thí sinh đoạt giải kỳ thi HS giỏi cấp tỉnh/thành phố, quốc gia, quốc tế; Xét tuyển thẳng thí sinh đoạt giải hội thi khoa học, kỹ thuật quốc gia, HS trường chuyên đạt học lực giỏi 3 năm. Trường dự kiến dành 10% chỉ tiêu tuyển sinh cho xét điểm thi năng lực, do ĐH Đà Nẵng phối hợp với ĐHQG TPHCM tổ chức.

ThS Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác Sinh viên, Trường ĐH Sư phạm, (ĐH Đà Nẵng) cho biết: Phương án tuyển sinh năm nay không thay đổi nhiều so với năm 2019. “Nếu phương án thi tốt nghiệp THPT được giữ nguyên theo thông tin từ Bộ GD&ĐT ngày 27/4/2020 sẽ có nhiều trường tham gia vào nhóm xét tuyển chung, trong đó có Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) với hình thức xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT”, ThS Nguyễn Vinh San cho hay.

Chia sẻ về phương án tuyển sinh năm 2020, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông Vận tải (Hà Nội) trao đổi: Nhà trường xét tuyển với các phương thức: Dựa vào kết quả thi THPT năm 2020; Điểm bình quân kết quả học tập 5 kỳ học THPT (không tính kết quả học kỳ II lớp 12) của 3 môn trong tổ hợp xét tuyển; Xét tuyển thẳng HS đoạt giải Nhất, Nhì, Ba trong các kỳ thi HS giỏi quốc gia, thi khoa học, kỹ thuật quốc gia, quốc tế; Xét tuyển kết hợp chứng chỉ tiếng Anh quốc tế với kết quả thi THPT năm 2020.

Hợp lực tuyển sinh - Ảnh minh hoạ 2
Ảnh minh họa/ INT

Tại Trường ĐH Vinh, thông tin từ GS, Hiệu trưởng Đinh Xuân Khoa, nhà trường áp dụng 5 phương thức tuyển sinh ĐH hệ chính quy: Xét tuyển dựa vào kết quả thi THPT; Kết quả học tập THPT; Tuyển thẳng theo quy định của Bộ GD&ĐT; Dựa vào kết quả thi THPT kết hợp với thi tuyển năng khiếu cho 2 ngành Giáo dục Mầm non và Giáo dục Thể chất; Xét tuyển dựa vào kết quả học tập ở bậc THPT kết hợp với thi tuyển năng khiếu cho ngành Giáo dục Thể chất.

Khác với 2 trường nói trên, GS Đinh Xuân Khoa chia sẻ không sử dụng kết quả kỳ thi năng lực của các trường khác để xét tuyển, vì kết quả thi THPT hoàn toàn đủ độ tin cậy để sử dụng. “Với cách tổ chức thi THPT năm 2020 như Bộ GD&ĐT công bố, thi chung đề và quy trình tổ chức chặt chẽ, chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào kết quả của kỳ thi này để xét tuyển sinh ĐH, CĐ” – GS Đinh Xuân Khoa nhấn mạnh.

Mong hỗ trợ lọc ảo

Khẳng định dùng chung hệ thống phần mềm xét tuyển của Bộ GD&ĐT như năm 2019 tạo thuận lợi cho thí sinh, có thể lọc ảo và minh bạch, GS Đinh Xuân Khoa cho rằng nên tiếp tục phương án dùng chung phần mềm xét tuyển của Bộ GD&ĐT để xét tuyển đối với các trường hợp lấy kết quả thi THPT. “Chúng tôi nhận thấy hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT như mấy năm qua rất hiệu quả, thuận tiện vì hệ thống phần mềm này đồng bộ thông tin của thí sinh trong toàn quốc” - GS Khoa cho hay.

Còn theo PGS Nguyễn Thanh Chương, thí sinh ảo là do các em đăng ký nhiều nguyện vọng. Vì vậy, các trường mong muốn, Bộ GD&ĐT xây dựng và quản lý dữ liệu đăng ký và xét tuyển, có như vậy việc lọc ảo được thực hiện và mỗi trường có quyết định trúng tuyển phù hợp với năng lực đào tạo của mình. “Theo tôi, các trường nên tiếp tục thực hiện việc xét tuyển lọc ảo khu vực phía Bắc và phía Nam và Bộ GD&ĐT quản lý chung. Trường ĐH Giao thông Vận tải sẽ đóng vai trò nhóm trưởng để tuyển sinh như mọi năm”, PGS Nguyễn Thanh Chương nêu quan điểm.

Để loại bỏ thí sinh ảo, ThS Nguyễn Vinh San thông tin: Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng) phải áp dụng nhiều giải pháp: Tham gia xét tuyển theo nhóm trường; Cung cấp thông tin tuyển sinh nhanh chóng, chính xác và thuận tiện (từ đề án tuyển sinh đến kết quả trúng tuyển và nhập học); Không ngừng nâng cao uy tín, chất lượng đào tạo, hỗ trợ việc làm cho sinh viên sau tốt nghiệp, tham gia kiểm định các chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế (trường đại học sư phạm duy nhất có chương trình đào tạo được kiểm định và đạt chuẩn chất lượng AUN-QA).

“Theo quy định hiện nay, trường ĐH gần như tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh, vì vậy không thể đề nghị Bộ GD&ĐT can thiệp sâu vào hoạt động này. Tuy nhiên, cá nhân tôi mong muốn Bộ GD&ĐT có thể giúp các trường quản lý tốt việc mỗi thí sinh chỉ được nhập học 1 trường ĐH (được đăng ký nhiều trường) thông qua phần mềm quản lý chung. Thí sinh cần cân nhắc kỹ lựa chọn và chịu trách nhiệm với lựa chọn của mình khi chọn trường nhập học với 1 phương thức xét tuyển duy nhất, tránh làm mất cơ hội học tập của thí sinh khác” – ThS Nguyễn Vinh San nêu nguyện vọng.


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Văn bản

2598/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn tuyển sinh ĐH, tuyển sinh cao đẳng ngành GDMN

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1422 | lượt tải:310

1683/QĐ-BGDĐT

Kế hoạch triển khai tuyển sinh đại học, cao đẳng ngành GDMN 2022

Thời gian đăng: 19/07/2022

lượt xem: 1142 | lượt tải:298

08/2022/TT-BGDĐT

Thông tư 08/2022/TT-BGDĐT ngày 06/6/2022 ban hành Quy chế tuyển sinh đại học, tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non

Thời gian đăng: 21/06/2022

lượt xem: 2452 | lượt tải:389

1444/BGDĐT-GDĐH

Hướng dẫn công tác tuyển sinh 2021

Thời gian đăng: 17/04/2021

lượt xem: 2929 | lượt tải:488

15/2020/TT-BGDĐT

Thông tư ban hành quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020

Thời gian đăng: 19/06/2020

lượt xem: 2247 | lượt tải:337
Thống kê truy cập
  • Đang truy cập774
  • Hôm nay37,208
  • Tháng hiện tại315,338
  • Tổng lượt truy cập51,671,297
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây
1
Hotline: 0965.855.944